Hoa quả ngày Xuân
Khi Xuân về Tết đến, có rất nhiều thứ phải chuẩn bị, phải mua sắm, trong đó không thể thiếu các loại hoa và quả. Chúng không chỉ làm cho không khí mùa Xuân thêm phần tươi đẹp, để dâng cúng bàn thờ gia tiên, mà còn có ích cho sức khỏe mọi người.
Năm nào cũng vậy, khi Xuân về Tết đến là nhà nhà lại lo lau dọn bàn thờ gia tiên. Và sau đó, dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, mỗi gia đình đều bày biện mâm ngũ quả để dâng cúng tổ tiên.
Đã gọi là mâm ngũ quả thì tất nhiên được bày nên từ các loại trái cây. Mâm ngũ quả như thế nào còn tùy thuộc vào phong tục, tập quán, văn hóa mỗi vùng miền, cũng như điều kiện từng gia đình, chứ không phải nơi nào cũng thế, hay nhà nào cũng giống nhà nào.
Có nhà bày biện mâm ngũ quả khá đơn giản, chỉ với một số loại trái cây thu hái trong vườn nhà, lễ bạc tâm thành mà. Cũng nhiều gia đình rất để ý đến mâm ngũ quả, và luôn chú ý bày biện sao cho khéo, sao cho đẹp.
Nhưng dù đẹp hay đơn giản thì mâm ngũ quả đều thể hiện phong vị ngày tết, hàm chứa ý nghĩa chung sâu sắc là dâng cúng tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo và gửi gắm ước mong về những điều tốt lành trong năm mới.
|
Ở quê tôi, do đất rộng nên gần như nhà nào cũng trồng vài ba loại cây trái trong vườn như chuối, dừa, bưởi, đu đủ…, vừa tạo bóng mát, vừa lấy quả để ăn hoặc bán. Và để bày mâm ngũ quả, trước hết gia chủ sẽ chọn những loại cây trái trong vườn, thiếu loại nào mới đi mua.
Tuy vậy, không phải loại cây nào cũng cho trái vào đúng dịp tết. Ngay cả chuối, một loại cây ăn quả dễ trồng và thông dụng nhất cũng chưa chắc gì tết đến trong vườn nhà sẽ có. Khi còn sống, nội tôi thường nói, theo quan niệm từ xa xưa, tết đến, nhà nào có được buồng chuối trong vườn, chứ không phải chuối mua, để bày mâm ngũ quả đặt bàn thờ cúng gia tiên thì coi như năm đó sẽ gặp nhiều may mắn.
Nhưng chuối để bày mâm ngũ quả phải là chuối sứ (chuối mốc) mới được. Không chỉ người xưa, cho đến tận bây giờ, người quê tôi vẫn quan niệm rằng, chuối tượng trưng cho sự sum vầy, quây quần, đầm ấm.
Khi đặt lên bàn thờ, gia chủ sẽ ghép 2 nải chuối lại với nhau, như hai bàn tay hướng lên hứng lấy nắng sương, đơm thành quả ngọt với ý nghĩa may mắn, bao bọc, chở che.
Hai nải chuối ghép lại tạo nên một khoảng trống, có thể đặt lên những loại cây trái khác, như bưởi, dừa, mãng cầu, xoài, đu đủ. Nói chung, ngũ quả, nhưng từ tên gọi của những loại quả phải mang lại ý nghĩa may mắn như: Cầu, đủ, xoài (mãng cầu, đu đủ, xoài) hay cầu, dừa, đủ, xoài (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài). Hẳn là vì vậy mà câu nói “cầu vừa đủ xài” trở nên quá quen thuộc.
Nhà không có chuối vườn thì khoảng ngày 25 tháng Chạp dạo xuống chợ để chọn mua những buồng chuối xanh tươi tắn, đẹp đẽ. Buồng chuối đẹp phải đảm bảo các tiêu chuẩn đó là đủ độ già; từng quả chuối phải được xếp ngay ngắn theo một hướng, theo khoảng cách đều nhau; quả phải thuôn, tròn, đều nhau; da quả chuối không bị thẫm màu hoặc có đốm đen.
Chuối mua xong mang về không phải cắt ra thành từng nải liền, tránh chuối bị chín sớm. Lại còn phải canh sao cho đến ba ngày tết, chuối vừa chín vàng mới là đẹp, là may mắn.
Bởi vậy mà tết đến chuối sứ đắt đỏ lắm. Nhưng đắt thì đắt, nhà nào cũng cố gắng tìm mua cho kỳ được mấy nải chuối, rồi mới đến việc sắm sửa những thứ khác để ăn tết, như bánh mứt, thịt heo, dưa kiệu, dưa hành. Những ngày trước tết, bà con họ hàng đến thăm nhà nhau, biếu nhau vài nải chuối sứ để bày mâm ngũ quả dâng cúng gia tiên thì quý lắm.
Nhớ ngày nhỏ, góc vườn có mấy cây dừa dâu, trái nhỏ, màu đỏ rất đẹp, ông nội cứ dặn người lớn trong nhà và cả mấy đứa con nít chúng tôi phải chú ý “để dành” cho ngày tết. Đúng ngày 25 tháng Chạp, ông nội nhờ người leo lên cây cắt cả buồng dừa, rồi cột dây kéo xuống thật nhẹ nhàng, tránh quả dừa bị dập. Sau đó, ông tự tay cắt ra từng quả dừa, phần để cho gia đình, phần chia cho con cháu, hàng xóm láng giềng.
Trong số dừa để lại, ông cẩn thận chọn những quả dừa tròn đều, lớp vỏ sáng, không bị đốm đen hay nứt nẻ. Khi cắt rời buồng, nhất định phải để cả phần cuống dài phía bên trên, vừa đẹp vừa giữ cho trái dừa tươi lâu.
Cây dừa dâu nhà nội là một phần ký ức không thể quên trong tôi vào mỗi dịp Tết đến.
Đến bây giờ, Tết đến Xuân về, dù ở ngoài chợ bán đủ loại trái cây, nhưng quan điểm dâng cúng ông bà tổ tiên “cây nhà lá vườn” thể hiện tấm lòng hiếu kính của con cháu vẫn ăn sâu trong tiềm thức, suy nghĩ của mỗi người. Thế cho nên, người dân quê tôi vẫn duy trì việc canh sao cho cây trong vườn cho trái đúng dịp Tết.
Âu cũng là một nét văn hóa rất hay của người Việt.
Đấy là nói về quả. Còn về hoa tết thì cũng không ít điều thú vị. Giống như trái cây, hoa tết được chuẩn bị khá chu đáo, điều này hiện rõ ở mỗi góc vườn quê. Tôi nhớ, khoảng rằm tháng Mười (âm lịch), nhà nhà ở quê tôi lại đi chợ phiên để chọn mua cây hoa giống về trồng, chuẩn bị cho tết, được chọn nhiều nhất là vạn thọ, mào gà, cúc đất, móng tay. Bao nhiêu năm, từ đôi tay của má, sân vườn nhà tôi luôn ngập tràn sắc hoa khi xuân về.
|
Nhớ những buổi chợ phiên, má mua mấy gói cây giống bông thọ, mào gà được người bán quấn lá chuối bên ngoài để giữ cho không bị héo. Về đến nhà, má tưới ít nước cho cây tươi tỉnh, phần rễ ẩm ướt, rồi đào lỗ, bỏ ít phân chuồng bón lót trước khi đặt cây giống xuống. Để không bị đàn gà bới phá, hay có ai đó lỡ chân giẫm đạp lên, má thường chẻ sống dừa thành những thanh dài và dẹp cắm xung quanh, rồi chặt thêm tàu lá chuối gác bên trên để che chắn.
Khoảng mười ngày, cây cứng cáp thì má kéo hẳn những tàu lá chuối đã chuyển màu vàng úa kia ra để cây tiếp xúc trực tiếp với nắng, với sương gió để phát triển tự nhiên. Cỡ hơn tháng, cây cho nụ nhỏ li ti, má lại canh để ngắt cho cây đẻ nhánh, sum xuê và tiếp tục cho những nụ mới để kịp đón Tết.
Còn ba thì chăm bẵm cho mấy cây mai trong vườn. Mai không phải dễ trồng, nên phải chăm cả năm chứ chẳng phải chờ đến những ngày cuối năm. Tết năm trước vừa ra Giêng là ba lo lặt hết mấy nụ còn lại bỏ đi để tránh làm cây mất sức, rồi thay đất dưỡng cây.
Đến tết năm nay, khi còn cách mươi hôm ba lại canh thời tiết để lặt lá mai sao cho cây cho nụ đúng dịp. Công đoạn này được cho là khó nhất, không phải ai cũng có thể làm được, vì chỉ cần canh lệch thời gian chút là năm đó mai sẽ bị nở sớm hoặc muộn so với tết.
Cùng với sắc vàng của hoa mai, sắc cam vàng của vạn thọ, sắc đỏ của mào gà, bây giờ tết đến còn có muôn sắc hoa tươi thắm tha hồ để mọi người chọn lựa như cúc, đồng tiền, cẩm chướng, cát tường. Dâng cúng hoa gì là tùy điều kiện, sở thích và quan niệm của mỗi nhà, nhưng chung quy lại, tên các loại hoa cũng phải biểu trưng cho sự may mắn, cát tường, tài lộc.
Tùy theo phong tục, văn hóa truyền thống và quan niệm khác nhau mà việc dâng cúng hoa quả ngày tết ở mỗi vùng miền cũng khác nhau. Tuy nhiên, cách bài trí thì tương đối thống nhất, theo nguyên tắc mà ông bà xưa chỉ dạy đó là: Đông bình, Tây quả.
Bởi thế mà hoa quả ngày tết luôn là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, đã và đang được gìn giữ và phát huy ở mỗi gia đình.
Tú Quyên