Hoa Đào trong gió đông
Phố đang ở những ngày cuối đông, đầu xuân- quãng thời gian đẹp nhất trong năm, khi muôn hoa bắt đầu khoe sắc. Tiết trời dịu nhẹ. Nói nóng không phải, nói lạnh cũng không đúng. Chỉ biết rằng, cứ sóng sánh như rượu cần ủ lâu, ngọt mà không nồng, đủ làm say lòng người.
Và nắng, thứ nắng xuân kỳ lạ, không gay gắt như thường thấy giữa mùa khô, cũng không còn nhàn nhạt như dịp Noel, mà đã thắm thiết như giàn hoa giấy nở vàng một hiên nhà.
Chợt thấy nửa nôn nao, nửa thất thần mà thốt lên rằng: Trời đất, cứ lụi hụi với công việc mà quên mất Tết đã đến thật rồi!
Tết làm người ta ngộp thở, ngây ngất vì những tươi mới, những rộn rã xung quanh, rồi lại nuối tiếc cho tuổi xuân qua.
Trên đường phố đã thấy những chuyến xe chở cúc vàng rực, dưa hấu thẫm xanh. Rồi vài nhà bày thêm mai chiếu thuỷ, mai trắng, mai vàng, trạng nguyên, kim phát tài ra đường, lộc non rung rinh đón nắng.
Thật ấm áp thay, trong vô vàn sắc màu phương Nam ấy, lại góp vào một chút phong vị đất Bắc. Ấy là gốc đào cổ thụ đang lốm đốm nụ hồng, cứ như những đốm lửa ngời lên trong gió đông dưới ánh hoàng hôn.
Những nụ đào hồng như đốm lửa ấy gợi lên trong hắn bao ký ức về những ngày tháng tuổi thơ; về thời hoa niên bồng bột mà đắm say, vừa ngọt như đường phèn lại nhẩn nha đắng như mạch nha.
Lạ một điều, có rất nhiều chuyện, hắn chỉ nhớ một cách mơ hồ; có những gương mặt, dù hắn cố nhớ lại, cũng như phủ một lớp khói sương. Chỉ có hình ảnh cô bạn học mân mê vạt áo dài dưới gốc đào cổ thụ đang kỳ đơm hoa năm xưa lại rõ nét vô cùng.
|
Đó là một chiều cuối đông, đầu xuân. Dưới gốc đào cổ thụ đang chúm chím những nụ hồng như đốm lửa, hắn vụng về chép tặng cô bạn học mấy câu thơ trong bài Thương nhớ hoa đào của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Em có về mở cổng/Gom lá cũ trong vườn/Kịp cùng ta đốt lửa/Hong tay vào khói sương/…./Em hiểu lòng ta với/Còn thương nhớ hoa đào/Em hãy về - áo đỏ/Như Nguyên đán hôm nào”.
Gió hây hây thổi, làm rung động những cành cây, hoa đào rơi lả tả như một cơn mưa màu hồng, vương vào tóc, đậu trên bờ vai tròn trĩnh của cô. Đẹp đến nỗi hắn không dám thở mạnh, vì sợ như hư ảo, sẽ tan biến.
Chỉ ít ngày sau, cô bạn học theo cha mẹ chuyển vào Nam sinh sống. Cuốn sổ tay chung của 2 đứa được đặt ở dưới gốc đào.
Mối liên hệ thưa dần theo năm tháng rồi ngừng hẳn. Chỉ có gốc đào cổ thụ vẫn đều đặn nở hoa mỗi năm, báo hiệu đông hết, xuân về. Những cánh hoa bé nhỏ phơn phớt hồng hé mở trước gió đông, như chờ đón bóng dáng người xưa cũ.
Mấy năm sau, hắn cũng rời quê nhà vào Tây Nguyên tìm việc, trong hành trang có cuốn sổ cũ kỹ kia. Chỉ có điều, dưới 4 câu thơ đã ố vàng chép dưới gốc đào có thêm 4 câu trong bài thơ “Hoa đào năm ngoái” của Trần Mạnh Hảo: “Hoa đào năm ngoái còn tươi/ Mắt môi thuở ấy nét cười thẳm không/ Hồn hoa he hé gió đông/ Tiếc xuân đợi nỗi cải ngồng tháng ba”.
Ký ức về cuốn sổ và những câu thơ tưởng đã lạc mất đâu đó trong tâm trí, dưới tầng tầng ký ức khác, chiều nay bỗng sống lại, chỉ vì những nụ đào chúm chím cười trong gió đông trên phố chiều nay.
Đêm ấy, trong căn phòng nhỏ mờ mờ ánh đèn mệt nhọc, có một người thẫn thờ ngắm ảnh chụp gốc đào cổ thụ nọ mà nhớ da diết những ngày ấu thơ, nhớ căn nhà 3 gian 2 chái thấp lụp xụp dưới chân đồi, với bà ngoại, bố mẹ và 4 đứa trẻ sàn sàn nhau.
Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 28 Tết, bố hắn lại phải “xử chuyên án” giành nhau đi chặt cành đào. Sàn sàn tuổi nhau nên 4 đứa tranh giành hăng lắm. Mẹ hắn chỉ cười. Bà ngoại thì hiền hòa nói: Tết mà. Tưng bừng nhộn nhịp một chút cho vui. Nhưng cấm không được đánh nhau đấy nhé.
Nhưng rút cục thì với sự phân xử của bố, anh chị em hắn cũng đạt được thoả thuận “cùng làm việc”, với sự phân công cụ thể. Đứa nào chọn cành, đứa nào chặt cành, đứa nào vác cành đào vào nhà, đứa nào đốt gốc, cắm vào thân cây chuối. Kèm theo thỏa thuận “đổi vai” vào năm sau.
Ở quê hắn xưa kia, đến Tết, nhà nào cũng phải có một cành đào. Đúng là cành đào, chứ không phải là cây đào hay chậu đào như bây giờ.
Nhà có điều kiện thì đi chợ Tết, mua sắm đủ thứ bánh mứt, rượu màu, thịt, cá, và khi về không thể thiếu một cành đào thật đẹp đang chúm chím nụ và chồi non chờ ngày mãn khai buộc trên gi đông xe đạp.
Nhà không có điều kiện thì ra vườn lựa một cành đào vào cắm chơi tết. Khi chọn đào, có một nguyên tắc là chỉ chọn cành đẹp nhất chứ không phải chặt cành to nhất, tuyệt đối không được chặt cả cây, phải để cây có sức, năm sau ra hoa nữa.
Bởi thế năm nào cũng vậy, cứ vào đầu tháng Chạp, bố hắn cũng tự mình tìm những cành đào đẹp rồi đánh dấu bằng cách buộc một mảnh vải nhỏ. Sau này, đứa nào được quyền chọn cành đào sẽ lựa trong những cành đã đánh dấu ấy.
Mà đào ở vườn nhà hắn thì không thiếu. Nghĩ cũng lạ. Không chỉ nhà hắn, mà vườn nhà nào cũng có ít nhất một gốc đào, dù quê hắn vốn ở một vùng bán sơn địa, đất sỏi, chỉ loe ngoe ít cây ăn quả như mít, ổi, nhãn… còn lại chủ yếu là trồng tre gai, mọc xúm xít thành bụi.
Cả năm, cây đào khẳng khiu cứ lặng lẽ nép ở góc vườn, đến tháng Chạp thì rụng lá, và khi những giọt mưa xuân lắc rắc rơi xuống cùng với hoa xoan thì bừng thức dậy. Dưới lớp vỏ xù xì ngơ ngác ló ra những chồi non, sau đó dưới nách lá là những nụ hoa nhỏ xíu, rồi to dần, to dần, hồng như những đốm lửa.
Sau này lớn lên, hắn mê mẩn với những quất cảnh và đào chậu bán trên phố huyện mà không còn mặn mà, dần coi thường những cành đào đơn sơ chặt từ vườn nhà.
Tết đầu tiên của năm học cấp 3, hắn cố chắt chiu, dành dụm mua một chậu đào và tự hào chở về nhà. Nhưng không như dự đoán của hắn, cả nhà thờ ơ, lạnh nhạt với “món quà” ấy.
“Khô cứng và nhạt nhẽo, có mấy bông hoa đỏ bầm, chứ không được tự nhiên, sung mãn, rực rỡ như đào cành”- chị hắn phán. Vì chuyện ấy mà chị em giận nhau khá lâu. Bởi hắn vẫn nhất quyết cho rằng, chơi đào cành là lạc hậu rồi.
Sau này hắn biết là mình đã lầm. Tốt nghiệp đại học, vào Tây Nguyên mưu sinh, xa quê hương, xa nhà, làm cho hắn nhớ nhất chính là Tết, mà nhớ đến Tết, cái mà hắn không thể nào quên được, ấy là gốc đào cổ thụ và cành đào cắm trong nhà. Một cành đào có hoa, có nụ, có quả, có lá, thứ gì cũng sum suê, mơn mởn.
Thì ra cành đào “quê kiểng” đó không chỉ đơn thuần là thú chơi, hay là vì không có tiền, mà vì nó còn là phong tục, là nét đẹp văn hóa dân tộc. Thể hiện sức sống mãnh liệt qua ngày đông tháng giá cũng như ước vọng của mọi người về một năm mới may mắn, an lành, hạnh phúc.
Ngày Tết, bên bàn thờ gia tiên mà vắng bóng cành đào thắm xen lá xanh thì thấy chưa hoàn toàn là Tết.
Hắn quyến luyến rời gốc đào đang lấm tấm nụ hồng kia. Thơ thẩn trên đường phố, hắn thấy như có những bàn tay bé nhỏ mơn man trái tim đang đập mạnh hơn của hắn.
Hắn biết, Xuân đã về!
Hồng Lam