Hết dịch bệnh Covid- 19, có còn “đường thông, hè thoáng”?
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, không chỉ thiết lập mỹ quan đô thị mà còn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Nhưng câu hỏi đặt ra là, khi hết dịch bệnh Covid-19, hết thời hạn giãn cách xã hội liệu rằng vỉa hè, lòng đường có còn thông thoáng?
Những ngày vừa qua, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 05/CĐ-CTUBND của Chủ tịch UBND tỉnh, lực lượng chức năng thành phố Kon Tum đã ra quân dẹp nạn buôn bán, tụ tập đông người tại các tuyến đường, khu đông dân cư tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Nhờ vậy, lòng đường, vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở thành phố Kon Tum thông thoáng, ngăn nắp.
Các hàng quán bar, karaoke, cà phê, nhà hàng, phòng tập gym, khách sạn... đều dừng hoạt động. Người dân thì được khuyến cáo nên ở nhà, không ra ngoài trừ khi thật sự cần thiết; không tụ tập đông người, giữ khoảng cách 2 mét giữa người với người. Không còn các hộ bán buôn nhỏ lẻ dọc các tuyến đường; các hộ bán buôn dọc các tuyến đường Trung tâm thương mại, các chợ sắp xếp hàng gọn vào trong và được lực lượng chức năng hướng dẫn giữ khoảng cách đúng quy định nên tình trạng người mua - người bán chen lấn ra dọc các tuyến đường giảm hẳn.
Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn, lực lượng chức năng thường xuyên có mặt ở các điểm thường xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kiểm tra, nhắc nhở xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19 và thiết lập lại trật tự đô thị.
|
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, không chỉ thiết lập mỹ quan đô thị mà còn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Không ít người cho rằng, đây cũng chính là cơ hội để lập lại trật tự đô thị, trả lại đường thông hè thoáng cho phố phường thành phố Kon Tum - công việc vốn rất khó khăn, nan giải bấy lâu nay.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, khi hết dịch bệnh Covid-19, hết thời hạn giãn cách xã hội liệu rằng vỉa hè, lòng đường có còn thông thoáng?
Trước đây, lập lại trật tự đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ là một việc làm không hề dễ dàng. Có nhiều nguyên nhân, chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng trên. Đó là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường tái phạm khi không có lực lượng chức năng kiểm tra.
Trong khi đó, lực lượng chức năng vì nhiều lý do khác nhau không thể thường xuyên bám trụ kiểm tra, nhắc nhở, hoặc nếu có kiểm tra thì cũng thiếu kiên quyết. Thêm vào đó, tình trạng các hộ buôn bán nhỏ lẻ “bưng vào khi lực lượng chức năng đến, bưng ra khi lực lượng chức năng đi” vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay.
Hơn nữa, nếu như các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng lớn đều phải đóng thuế kinh doanh, chi phí mặt bằng, đầu tư chi phí cao kéo theo giá thành cao thì những hàng quán ăn vỉa hè, các hàng bán rau củ nhỏ dọc vỉa hè ít chi phí hơn nên giá cả các mặt hàng cũng thấp hơn. Chính sự tiện lợi, giá cả phải chăng nên các mặt hàng hàng quán vỉa hè vẫn luôn là lựa chọn của nhiều người. Thói quen xấu này của người tiêu dùng cũng là cơ sở cho việc kinh doanh trên vỉa hè, lề đường tồn tại lâu nay theo quy luật “có cầu ắt có cung”.
Để giải quyết tình trạng trên thật không dễ dàng, đòi hỏi những giải pháp căn cơ, bài bản, trong đó quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân.
Đồng thời, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thống nhất của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền vận động, cùng với đó là giải quyết sinh kế cho người buôn bán nhỏ và kiên quyết, xử lý những hộ kinh doanh cố tình vi phạm. Chính quyền các xã, phường cần chỉ đạo các lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền, vận động phòng chống dịch bệnh với các giải pháp quyết liệt nhằm lập lại trật tự đô thị, tạo ra bước ngoặt trong ý thức của mỗi người dân. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương, các cơ quan chức năng phải tăng trách nhiệm, sâu sát tình hình để vỉa hè, lòng đường thông thoáng, đô thị trở nên văn minh ngay cả sau khi hết dịch Covid-19.
Văn Phương