Hãy tôn trọng sự lựa chọn của con
Đã đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 và đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng, vậy nhưng nhiều học sinh vẫn lưỡng lự, không biết chọn ngành nào, trường nào, bởi sự can thiệp quá mức của cha mẹ…
Mấy ngày nay cháu tôi trở nên lầm lì, ít nói. Tìm hiểu nguyên nhân được biết, cu cậu và cha mẹ bất đồng trong việc chọn ngành, chọn trường. Từ nhỏ, cu cậu vốn mê xếp hình nhà cao tầng nên muốn đăng ký vào học ngành xây dựng, nhưng cha mẹ lại khăng khăng không đồng ý, với lý do làm xây dựng vất vả, nguy hiểm, nay đây mai đó…và bắt cu cậu phải đăng ký ngành tài chính, kế toán. Trước sự cương quyết của cha mẹ, cu cậu trở nên chán nản, không còn hào hứng với việc đăng ký nguyện vọng…
Không riêng cháu tôi, mà hiện nay trong nhiều gia đình, chuyện áp đặt, buộc con cái phải học theo ý muốn của cha mẹ vẫn còn khá phổ biến. Nhiều bậc phụ huynh thì luôn nghĩ con mình còn non nớt, không hiểu chuyện nên tự quyết định thay con. Nhiều gia đình lại muốn con nối nghiệp mình nên bắt con phải theo đuổi ước mơ của cha mẹ. Cũng có những bậc phụ huynh lại bắt con phải học ngành này, ngành kia, vì theo họ là sau này dễ “kiếm tiền” hoặc dễ “nhờ vả” xin vào các cơ quan nhà nước…, mà không cần quan tâm đến cảm xúc, nguyện vọng, sở trường, sở thích của con là gì.
Làm cha mẹ, ai cũng mong điều tốt đẹp đến với con mình. Tuy nhiên, việc can thiệp quá mức, thậm chí là áp đặt con làm theo ý muốn của cha mẹ có thể gây ra sự ức chế, căng thẳng, chống đối, xung đột, đôi khi còn để lại những hậu quả đau lòng. Thực tế đã xảy ra, có những cháu, vì phải học cho cha mẹ vui lòng nên chơi nhiều hơn học, coi việc đến giảng đường chỉ là nghĩa vụ; ngược lại, có những cháu lại luôn phải gồng mình để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ; có cháu không tìm thấy niềm vui, không đam mê nên chán nản, dẫn đến học hành sa sút phải bỏ học giữa chừng; có cháu vẫn theo học nhưng lại cảm thấy tương lai mù mịt không có lối thoát…
Còn cháu tôi, sau nhiều ngày “chiến tranh lạnh” với cha mẹ nhưng không có kết quả, đã quyết định nhờ tôi thuyết phục cha mẹ cháu. Cháu cũng cho biết, nếu cha mẹ vẫn không đồng ý cho cháu học ngành mà cháu thích, năm nay cháu sẽ không đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học nữa mà thi xong sẽ tự đi tìm việc làm kiếm tiền để không còn phụ thuộc vào cha mẹ, sang năm tính tiếp…
Để tránh bất đồng giữa cha mẹ và con cái trong việc chọn ngành, chọn trường của con, thiết nghĩ đối với các bậc phụ huynh, với lợi thế về mặt kiến thức xã hội, kinh nghiệm cuộc sống và đặc biệt là người hiểu rõ khả năng, tính cách, mơ ước của con mình, vì thế phụ huynh chỉ nên phân tích cho con hiểu đặc thù từng ngành nghề, chỉ rõ những tốt xấu, định hướng để con lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với sở trường, phù hợp với khả năng của mình và gia đình.
Không có đam mê sẽ không thể có thành công. Cuộc sống của những người buộc phải làm theo, tuân thủ điều bản thân không mong muốn sẽ không thể có niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn. Việc cha mẹ áp đặt, bắt con phải học ngành mà con không thích, sẽ rất khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức, phát huy sáng tạo, đồng thời còn ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý các con.
Vì vậy, để không vô tình phá hủy tương lai của con, phụ huynh chỉ nên giữ vai trò định hướng, hãy để con được quyền quyết định lựa chọn của mình.
Hoàng Thúy