Hành trình đi tìm nét đẹp trong người Tây Nguyên
Minh Đức sinh ra và lớn lên từ vùng đất Gia Lai, con trai của một gia đình khá giả, song anh lại lựa chọn đi theo đam mê nhiếp ảnh.
Năm 1987, anh học xong cấp III nhưng không thi vào đại học mà theo đuổi đam mê nghề nhiếp ảnh. Anh mua máy ảnh và tìm đến các tiệm chụp hình tại thị xã Pleiku để học hỏi, thao tác và kỹ thuật cắt cúp bố cục trong khuôn hình.
Năm 1991, anh lang thang vào Đà Lạt - nơi tụ hội dân tứ xứ về du lịch để kiếm sống bằng nghề chụp hình dạo. Ở đây, anh đã may mắn gặp nhà nhiếp ảnh nghệ danh NPK - “Phước Khùng”, được nghệ sĩ yêu mến và cho mang máy đồng hành đi lang thang khắp ngóc ngách những danh thắng Đà Lạt để săn tìm vẻ đẹp từ cây cỏ, sông suối, ánh trăng, thậm chí lội xuống đầm lầy để ghi lại một khoảnh khắc nào đó của con chuồn chuồn ớt đang đậu bên giọt sương trên cánh sen sắp tàn của buổi sáng sương mù Đà Lạt. Hay lặn lội đi về một buôn làng xa xôi chụp lại khung cảnh sinh hoạt của người dân trong những đêm hội.
Anh dần cảm thụ được nét đẹp của con người hòa quyện trong thiên nhiên. Từ đây, anh đã có cơ duyên gặp được một ông bạn cùng nghề được tặng cuốn sách quý giá về nhiếp ảnh nghệ thuật của NSNA có tiếng Nguyễn Bá Mậu. Và anh đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ cuốn sách ảnh nghệ thuật đen trắng này.
|
Năm 1995, cha của Minh Đức bị bạo bệnh, anh gác lại công việc trở về Pleiku chăm sóc cho đến lúc ông qua đời, thời gian ấy anh thường xuyên đến Photo Hùng Hoa Lư để học hỏi.
Vùng đất mới là vùng đất anh luôn muốn tìm đến để khám phá cả thiên nhiên và con người. Năm 1999 anh quyết định tiến về vùng Kon Tum để lập nghiệp.
Để lấy ngắn nuôi dài, anh thuê một căn nhà ở đường Nguyễn Huệ, thị xã Kon Tum và mở tiệm photo Minh Đức. Chỉ một thời gian rất ngắn, những bức ảnh mà anh đã lăn lộn từ thời cầm máy đến lúc mở hiệu photo đã lôi cuốn khách hàng ngày càng đông khách. Những ngày nghỉ, anh thường mang máy ảnh vào những làng ven thị xã để săn đề tài. Ánh mắt và nụ cười của người Ba Na, từ những đứa trẻ, những cô sơn nữ đến những người già luôn hớp hồn anh. Anh đã tham gia triển lãm tác phẩm những lúc tỉnh tổ chức, đồng thời mạnh dạn gửi ảnh tham gia triển lãm khu vực và cả quốc tế. Những tác phẩm anh gửi đã được chọn trưng bày và có giải thưởng, đó là nguồn động viên lớn để anh bước chân vào Hội VHNT tỉnh và sau này vào Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Qua những thành tích triển lãm khu vực, toàn quốc và quốc tế, anh đã tiếp xúc và học hỏi thêm rất nhiều điều từ những nghệ sĩ nổi danh trong và ngoài nước.
|
Anh Minh Đức chia sẻ, vốn là một người chỉ biết đam mê nghề nhiếp ảnh thuần túy, anh đã may mắn gặp được những bậc thầy về nghệ thuật nhiếp ảnh tận tình giúp đỡ chỉ bảo. Vì vậy, bây giờ anh luôn sẵn sàng tận tình giúp đỡ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho những người yêu mến nghệ thuật nhiếp ảnh. Ban đầu, Hội VHNT tỉnh là "vùng trắng" về hội viên Hội NSNA Việt Nam, anh tiên phong là người xóa "vùng trắng" ấy, đến nay đã có 6 hội viên của Hội NSNA Việt Nam và đã thành lập Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Kon Tum.
Mỗi lần được hỏi đến thành tích, anh đều rất khiêm tốn nhưng nhìn lên tường thì có rất nhiều giấy chứng nhận, vô số bằng khen, cúp, huy chương, các huy chương khác của quốc tế, các giải vàng khu vực và đặc biệt là giải nhì FIAP và giải ba triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc. Trong đó, phải kể đến Cúp vàng YMCA Hông Kông năm 2009 với tác phẩm “Ánh mắt tuổi thơ” ghi lại thần hồn của đôi mắt trẻ nhỏ trong vòng tay nhăn nheo của bà cụ người Ba Na.
Khi nhìn nhận về vùng đất Kon Tum, anh bảo đây là vùng đất đẹp, sinh động, thu hút từ thiên nhiên núi rừng, sông suối đến con người và nhất là rất phong phú về bản sắc văn hóa đa sắc tộc của cư dân ở đây. Vùng đất này sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ sáng tác đối với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khi tìm đến.
PHÙNG SƠN