Gồng mình trả tiền “đấu nối cấp nước”
Với nhiều người dân ở cuối các tuyến đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Thiện Thuật, Đặng Thái Tuyến phường Duy Tân, thành phố Kon Tum thì việc đưa nước sạch đến nhà là hết sức khó khăn. Để có nước sạch sử dụng, những người dân ở đây phải gồng mình bỏ ra 5 – 7 triệu đồng “đấu nối cấp nước”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ở khu vực thuộc các tuyến đường trên của phường Duy Tân, nguồn nước giếng đóng, giếng đào mà người dân đang sử dụng thường thiếu vào mùa khô; có một số giếng bị ô nhiễm do nằm vùng thấp; vì vậy, nhu cầu dùng nước máy để sinh hoạt của người dân nơi đây là rất lớn; tuy nhiên, phí lắp đặt để sử dụng hệ thống nước máy hiện nay rất cao.
Ông Đinh Văn Thiện - Tổ phó tổ dân phố 2, phường Duy Tân cho biết, gần đây một số hộ ở đường Trần Nhật Duật đã lắp đặt đồng hồ nước. Một số hộ nghèo trong khu vực mừng thầm chắc mình sẽ được đấu nối tiếp theo, nhưng cuối cùng tính ra chi phí lắp đặt ban đầu quá cao, bình quân từ 4,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/hộ, nhiều hộ nghèo đành chịu “khát nước sạch”.
Chẳng những người dân ở các khu dân cư cuối đường hẻm, ven phố còn nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận nước sạch, mà ngay cả các hộ dân ở các tuyến đường được đầu tư cơ bản về hạ tầng kỹ thuật cũng phải gồng mình chi trả “tiền đấu nối” trước khi được lắp đặt nước máy.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở đường Trần Văn Hai cho biết gia đình bà vừa lắp đặt đồng hồ nước máy. Chi phí lắp đặt trên 3.700.000 đồng, trong đó số tiền phải trả đường ống chung 2.000.000 đồng.
Trước những bức xúc của người dân về dịch vụ cung cấp nước sạch, ông Văn Hải Chánh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Kon Tum giải thích: Thực hiện Văn bản số 818/UBND-HTKT của UBND tỉnh, công ty đang xây dựng giá thành nước máy có tính tới chi phí đấu nối với khách hàng để giảm chi phí lắp đặt hệ thống cấp nước, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không riêng gì phường Duy Tân mà các phường khác như Lê Lợi, Thống Nhất nhiều người dân ở các phường này cũng mong muốn có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Đáp ứng nguyện vọng của nhiều hộ dân, công ty đang xây dựng phương án cấp nước sạch cho dân. Phương án này tính toán sẽ giảm chi phí lắp đặt cho các hộ dân bằng cách giảm chi phí nhân công, dịch vụ và tính toán hợp lý chi phí đường ống dẫn nước cự ly từ nơi đấu nối đến nơi lắp đặt đồng hồ nước… Theo đó, ước tính chi phí lắp đặt bình quân một đồng hồ nước khoảng 3,2-3,5 triệu đồng (giảm 1,2- 1,5 triệu đồng/đồng hồ so với trước).
|
Bên cạnh đó, công ty cũng đang triển khai dự án nâng cấp mở rộng mạng lưới cấp nước với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng, nâng công suất cấp nước từ 12.000m3 lên 17.000m3/ngày đêm. Dự án này sẽ mở rộng mạng lưới cấp nước cho khu vực xã Đăk Cấm, khu vực đô thị Nam Đăk Bla và đón đầu khu Trung tâm hành chính mới của tỉnh. Như vậy, việc đưa nước sạch đến người dân là nhiệm vụ và cũng là mong muốn của công ty cấp nước chúng tôi - ông Chánh khẳng định.
Nước sạch là một nhu cầu căn bản nhất của con người và là trọng tâm của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nó còn là yếu tố thiết yếu để xoá đói giảm nghèo. Nước sạch góp phần nâng cao sức khoẻ, giảm thiểu bệnh tật, tăng sức lao động, cải thiện điều kiện sống và mang lại một cuộc sống văn minh đang là đòi hỏi bức bách của người dân sống trong các khu dân cư nghèo. Vì vậy, cần sự chỉ đạo linh hoạt hơn của thành phố Kon Tum và của Công ty TNHH MTV Cấp nước Kon Tum trong việc áp dụng các chính sách, đưa nước sạch đến khắp các xã, phường nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch trên địa bàn thành phố.
Dương Lê