Giọt tranh
Mưa dần nặng hạt, rồi bất chợt ào ạt. Mưa lớn thế này, mái ngói, mái tôn, thể nào mà chẳng ầm ầm xối xả. Mưa trên mái tranh thì lại khác hoàn toàn. Chị nghe rõ tiếng giọt tranh thấm vào trong đất, êm êm.
Căn nhà xây khang trang đã được hoàn chỉnh lâu rồi, song mỗi lần trở về thăm mẹ, chị vẫn giữ nguyên nếp cũ, không chỉ nấu nướng, dọn cơm, mà còn trải chiếu, mắc màn, ngủ luôn trong gian bếp ngày nào. Gian bếp cũ chỉ tranh tre, nứa lá, sàn liếp không cao, song thỉnh thoảng lại được sửa, dặm cẩn thận. Riêng những cây cột gỗ lâu năm thì vẫn được giữ nguyên.
Bây giờ, làng đang vào cuối mùa mưa. Mẹ đã thong thả ngả lưng, sau bữa tối. Chị ngồi cùng vợ chồng cậu em trai chuyện trò bên bếp lửa và lắng nghe mưa. Mưa dần nặng hạt, rồi bất chợt ào ạt. Mưa lớn thế này, mái ngói, mái tôn, thể nào mà chẳng ầm ầm xối xả. Mưa trên mái tranh thì lại khác hoàn toàn. Chị nghe rõ tiếng giọt tranh thấm vào trong đất, êm êm.
Tiếng giọt tranh làm sao lẫn vào đâu được?! Chị nhớ về một thời gian nan, vất vả đã xa.
Chẳng biết tự bao giờ, những đồi cỏ tranh đã gần gũi, quen thuộc theo từng bước chân bám đất. Cây tranh mọc lên tự nhiên, đến kỳ phát rẫy, phơi khô, châm chút lửa to, chẳng mấy chốc đã phủ lên mặt đất lớp tro dày. Rẫy lắm tro tranh rất thích hợp để trỉa lúa, trồng mì.
|
Nơi kề núi thẳm rừng cao, lá tranh thường dùng lợp mái nhà sàn, nhà rông, nhà chòi, kho lúa. Chị nhớ, có lần đã lâu, đến kỳ mẹ cha lợp lại mái cho nếp nhà sàn thân thương. Do không thể thiếu lá tranh, nên thay vì phải nhanh tay phát, đốt chờ vào vụ rẫy, cả nhà đã phải tập trung cắt, buộc cẩn thận, theo ý cha là. “để đây, sắp đến lúc cần”. Hồi ấy, công việc nặng nhọc thì một đứa bé con như chị chưa thể cáng đáng được, song cắt cỏ tranh thì vẫn có thể đỡ đần. Hồi ấy, xây cất bằng cát - đá - xi măng còn là điều lạ lẫm và xa xỉ, chỉ có mái tranh là thứ rất gần.
Cứ theo tập tục của người Ba Na từ thuở xa xưa, hầu hết công đoạn để làm nhà sàn, nhà rông đều do đàn ông đảm nhận. Riêng phần “đánh tranh” được linh động giao cho con gái, đàn bà.
Cũng nhớ, có lần, dẫu đã đi xa, chị vẫn trở về, góp sức chung tay cùng mọi người dựng lại nhà rông sau thời gian dài hư hỏng. Ngày trước, lấy tranh “như trở bàn tay”, song đến sau này, lại được xếp vào hàng công việc nặng. Bởi vì mỗi ngày, vùng cỏ tranh lại càng lùi xa, để lấy được một ít “ôm”, không những mất nhiều sức lực, thời gian, mà còn cần thêm kiên trì, chịu khó. Tranh được dùng liềm cắt rời gốc, bó lại, buộc sau xe cọc cạch chở về. Tuy vậy, đường xa càng xa, mỗi lúc kiếm tranh càng thêm trở ngại, nên mỗi nhà, mỗi khu dân cư phải cậy nhờ đến từng chuyến xe công nông, xe đầu kéo mới thuận lợi.
Cho dù lợp mái nhà sàn hay nhà rông, nhà chòi hay kho lúa, thì lá tranh lấy về luôn được tập kết vào một chỗ, trước khi bó được dỡ ra, để đánh thành từng tấm phên tranh cho hợp với yêu cầu sử dụng.
Mọc ở rừng sâu, cỏ tranh đã tốt lại cao, lá dài bình thường đều trên cả mét. Vì vậy, để “đánh” nên một tấm tranh, độ dài luôn được giữ nguyên theo chiều vốn có. Khi lớp lá tranh được trải ra với độ dày thích hợp, người ta dùng đoạn le (hay tre, lồ ô) dài chừng 80 phân đến một mét để nẹp chặt. Không chỉ nẹp kỹ ở phía đầu liếp bằng những sợi lạt, tấm tranh chỉ thực sự hoàn chỉnh sau khi được đan thêm một đoạn nan song song với đường nẹp đầu tiên cho thêm chắc chắn.
Trải qua tháng năm, hầu như các DTTS anh em trong tỉnh đều có chung kỹ thuật ứng dụng, khi lợp mái tranh luôn được coi là một khâu khó trong quá trình dựng nhà, nhất là lợp mái nhà rông. Liếp tranh không chỉ dài, rộng và kín bưng, mà sao cho lợp lên, không thể lọt vào ánh sáng. Gặp mưa, nước chảy theo dòng, tạo thành giọt tranh rất riêng, ngấm vào lòng đất. Điểm chung trong dựng nhà rông, là để lợp mái tranh, khung phụ bao giờ cũng được dựng cùng giàn khung chính. Và chỉ khi toàn bộ mái tranh đã được “lên hình” kỹ càng, đủ sức để mưa không dột, nắng không dọi thì khung phụ mới được dỡ ra, chấm dứt vai trò của mình.
Đi theo thời gian, nhà đã được xây khang trang, song những lần về đây, chị vẫn nhẹ nhàng niềm vui cùng căn bếp cũ. Chỉ khẽ đưa tay, mái tranh thật gần.
Vẫn biết rằng, cuộc sống ngày càng đi lên, nhà xây mái ngói mái tôn, mái đổ bê tông đã dần thay thế. Tuy vậy, cỏ tranh thì vẫn còn đây, gần gũi, đơn sơ trong nếp sống hằng ngày. Cuộc sống, sinh hoạt ngoài kia cho dù có hiện đại đến đâu, thì bà con nơi này vẫn nuôi dưỡng những dáng hình năm xưa, bao đời gắn bó.
THANH NHƯ