Gió nước lòng hồ
Kon Tum đã có những cơn mưa đầu mùa nhưng tiếp theo vẫn là những buổi nắng hanh. Người bạn thiếu thời đi xa trở về, loanh quanh thế nào cứ mong được đến với vùng hồ Đăk Loy năm xưa.
Chiều lòng bạn, và cũng vui cho mình, nên chỉ một loáng, chiếc xe máy nhẩn nha đã đậu bên thân đập. Xã Đăk Cấm cách phố thị chẳng mấy xa, bao năm rồi vẫn dáng vẻ nông thôn bình lặng. Xuôi con dốc quanh co một thời chúng tôi hay thả phanh mỗi lần đi lao động cho trường cấp 3 ở Kon Sơ Tiu, là cánh đồng ngút mắt lúa đang thì. Lúa đồng ngoài và lúa đồng trong đều được nuôi nấng nhờ nước hồ chứa Đăk Loy trong mát.
Chớm qua cuối khô, nhưng mùa mưa năm rồi qua muộn nên nước đập vẫn tràn tung. Nắng sớm hiu hiu trên lòng hồ thoáng đãng. Gió nước lao xao đem thư thái đến rất gần. Người đàn ông chèo thuyền độc mộc có nụ cười hiền vừa cập bờ. Câu chuyện cá tôm như đã quen tự khi nào đem lại cho chúng tôi những điều thú vị. Càng may mắn hơn được anh hào phóng cho lên thuyền, dạo nửa vòng trên lòng hồ xanh tươi. Nhẩn nha nhịp chèo khoan khoái, độc mộc rẽ nước lững lờ.
|
Gần 20 năm đã qua rồi, chúng tôi mới được trở về những phút giây thư thái lạ lùng trên lòng hồ Đăk Loy ngày ấy. Nhớ về những kỷ niệm xưa, cuộc sống khó khăn nhưng nhờ chút quen biết nên gia đình bạn tôi mới được nhượng lại hơn sào ruộng để cấy lúa “cải thiện”. Thủy lợi Đăk Loy là nơi chúng tôi thường hay lại qua. Vốn dân làm rau, chẳng rành bùn đất, nhưng chịu khó dãi nắng dầm mưa nên nhà bạn cũng thu đủ hai vụ mỗi năm. Hồ chứa nước không chỉ nuôi cây lúa, mà còn là nguồn cá tôm dưỡng nghề cho những “tay” chài lưới siêng năng, cần mẫn.
Và không chỉ lúa cùng cá tôm, Đăk Loy gọi mời cả những bước chân thư giãn. Cuối tuần nghỉ ngơi, thêm kỳ lễ tết. Gió nước Đăk Loy lao xao đợi chờ. Cảnh đẹp thiên nhiên cho lòng thêm xao xuyến...
Sau nửa vòng dập dềnh cùng gió nước, chúng tôi cập bờ và bệt ngồi bên vệ cỏ. Đăk Loy té mát bàn tay. Bạn xưa vẫn nhắc, ngày trước, Đăk Tía, Cà Tiên là nơi hồ, đập mà đám học trò chúng tôi thi thoảng vẫn lóc cóc đạp xe từ thị xã bên sông Đăk Bla sang chơi mỗi kỳ hè, ngày nghỉ. Nhiều năm trôi qua, những con đập xưa bây giờ đã khác. Vượt qua mỗi chặng khan khô, hồ chứa Đăk Yên vẫn bình yên con nước dạt dào. Kon Tum ngày nào chỉ đôi ba con đập nhỏ. Vùng cực Bắc Tây Nguyên bây giờ lớn bé đến hàng trăm công trình cấp nước phục vụ tưới tiêu.
Ngược đường Hồ Chí Minh thênh thang về vùng địa linh kháng chiến Đăk Ui một thời liệt oanh ghi nhớ, đập nước mang tên Mùa Xuân mênh mông gió nước cuốn hút bao người. Những người quen của tôi là dân Xơ Đăng gốc gác đã lâu và cả đồng bào Thái, Tày... từ Cao Bằng di cư vào vùng đất mới. Gió nước nơi này thẫm vào màu da. Gió nước nơi này cho cuộc sống sinh sôi dưới ngay chân đập... Bao nhiêu năm giải phóng miền Nam là gần bấy nhiêu năm tuổi đời con đập lớn, là mong ước, khát khao và hiện thực ấm no của lớp lớp người lính Cụ Hồ. Đập Mùa Xuân đúng như tên gọi, đem nguồn nước trào dâng nuôi hàng trăm héc ta lúa và cà phê của quê hương kháng chiến năm nào.
Xuôi đường về hồ thủy điện, công trình bề thế Ya Ly gợi lại ký ức đón năm 2000, người dân Kon Tum đã được trải nghiệm ngồi trên ca nô ngược dòng gió nước bao la.
Vùng cực Bắc Tây Nguyên tự bao giờ đã được ghi dấu bằng địa hình núi non, sông suối; giờ đây càng được biết đến nhiều hồ chứa mênh mông. Hồ chứa thủy điện Ia Ly, Plei Krông tầm vóc lớn lao; hồ chứa thủy điện Sê San, Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh quy mô không kém; cùng những lòng hồ Cà Sâm, Đăk Hniêng, Đăk Hna... mỗi nơi một nét rất riêng.
Lúa, bắp và cà phê, cao su xanh tươi. Cá tôm cùng nguồn thủy sản dồi dào. Cảnh sắc thiên nhiên hiền hòa, gần gụi lôi cuốn. Chẳng riêng Đăk Loy khiêm nhường, kỷ niệm. Những mong gió nước bao lòng hồ còn thổi mãi với thời gian...
Thanh Như