Gió chuyển mùa
Không hiểu sao cứ mỗi lần nghe những cơn gió mùa thổi hun hút qua mái nhà, tôi lại nhớ quê nhà, nhớ mẹ cha, nhớ những điều xưa cũ, nghĩ về quãng đường đã qua, nghĩ về quãng đường sẽ tới và cả nỗi tiếc nuối thời gian chẳng bao giờ đợi, chẳng bao giờ chờ.
Tôi nhớ lắm dáng mẹ cha lủi thủi vào ra trong căn nhà nhỏ, mỗi khi bước lên thềm phải đưa tay lên vịn gối. Nhớ cái lạnh đầu mùa khiến cha vội mở tủ đem mấy tấm chăn ra đắp, mẹ thì xuýt xoa, thỉnh thoảng lại xoa chút dầu nóng bóp đôi bàn tay, bàn chân già nua theo năm tháng như đang dỗi hờn với gió, với mưa, với lạnh. Nhớ đến bật khóc những chiếc áo bông dày sụ, chiếc áo len lắm khúc nối mà mẹ đan bằng cả yêu thương sưởi ấm những mùa Đông cũ, những chiếc áo như gói chặt tuổi thơ qua bao mùa Đông lạnh giá. Nhớ đến nao lòng chiếc lồng ấp sưởi ấm những đêm lạnh học bài. Nhớ hình bóng tôi nằm cuộn tròn trong chiếc chăn bông có hình chú chim công to tướng, chỉ he hé cái đầu dưới vành chăn mà lắng nghe Đông về, mà mơ màng về những thế giới riêng đẹp đẽ, bay bổng, lung linh, rực rỡ sắc màu. Và nhớ lắm ngày vô tư, hồn nhiên như cỏ cây hoa lá, chẳng bao giờ nghĩ đến ngày cũng sẽ già đi theo năm tháng, cũng sẽ bộn bề lo toan với cơm áo gạo tiền, sẽ chỉ cần chút gió lạnh về là nghe nhịp thời gian thấm vào da thịt, phải quàng thêm khăn, mặc thêm chiếc áo và cũng sẽ sống dậy những kí ức, rầm rì kể những chuyện mà sắp trẻ nghe cứ ngỡ xưa ơi là xưa.
|
Mà nhắc đến chiếc lồng ấp mới nhớ. Trẻ nhỏ sau này cũng khó mà hình dung diện mạo của nó ra sao vì sản phẩm của những ngày gian khó ấy nay đã “thời xa vắng”. Chiếc lồng ấp tự chế ngày ấy chẳng cầu kỳ gì mà hữu dụng vô cùng. Bên trong chỉ cần chiếc nồi, chiếc tô không dùng tới, mẹ quạt ít than gắp bỏ vào. Bên ngoài là chiếc lồng cha chẻ nan đan từ đoạn tre thừa đầu ngõ, để ôm giữ chậu than bên trong vừa không bị nóng tay, vừa xách đi đâu cũng tiện. Ngày ấy, tôi cùng sắp nhỏ trong xóm ban ngày chạy nhảy tưng bừng, người nóng sực, nhìn các cụ già đi đâu cũng kệ nệ xách theo chiếc lồng ấp, vừa bưng chén trà nóng vừa rầm rì kể chuyện xưa chuyện nay mà lạ lẫm. Vậy mà về đêm, sợ trời lạnh khó học bài, mẹ hì hụi quạt mớ than bỏ vào chiếc lồng ấp, đặt ngay dưới gầm bàn, tôi cũng học theo các cụ già, hơ hơ đôi bàn chân, xòe xòe đôi tay lại thấy thích thú, ấm áp vô cùng.
Đến tận bây giờ, mỗi khi lặng nghĩ về sự lớn lên, trưởng thành, tôi lại nhớ day dứt đến những ngày lạnh giá. Nhớ về những chiếc áo ấm, những chiếc lồng ấp xưa cũ năm nao là lòng lại lấp lánh những ánh lửa nối đuôi nhau đi qua bao mùa Đông lạnh giá, sưởi ấm qua bao năm tháng cuộc đời. Tự nhủ lòng, có lẽ qua năm, qua tháng, qua bao nhiêu buồn, vui, qua những gần gũi và chia xa của cuộc đời mà mỗi người trở nên mẫn cảm hơn với bước chuyển của mùa. Chỉ cần một cơn gió, chỉ cần những hạt mưa, chỉ cần một mùi hương quen thuộc, vậy là khoảng lặng tâm hồn đối diện với miền bình lặng cùng niềm thương, cùng nỗi nhớ trong veo cứ hiện về, cứ dâng dâng.
Năm tháng đến rồi lại đi. Gió chuyển mùa vẫn thổi, tuổi theo mùa vẫn về. Trẻ nhỏ thêm khôn. Người già thêm tuổi, hằn thêm những nếp chân chim trên đuôi mắt, đong đầy thêm kho ký ức cuộc đời. Và tôi chỉ có ký ức về những ngày xưa ơi vẫn dâng đầy như dòng sông. Chỉ có nỗi nhớ mẹ cha, nỗi nhớ quê nhà luôn là mạch nguồn thao thiết chảy.
Lắng nghe gió chuyển mùa vẫn thản nhiên thổi, lắng nghe đôi chim cu đất mặc những cơn gió, mặc những chiếc lá vàng xào xạc rơi vẫn ríu ran chuyện trò trên vòm cây trước ngõ, lại thấy “lòng như khăn mới thêu”. Thanh âm của mùa hòa trong nhịp bước thời gian. Cuộc sống nhẹ nhàng trôi, thời gian nhẹ nhàng qua. Thầm nghĩ mọi sự chuyển trôi là tất yếu giữa vô biên. Đi qua những cơn gió chuyển mùa đông lạnh giá, mai kia hẳn là bước tới những ngày xuân nắng ấm tràn về.
NGUYÊN PHÚC