Gieo yêu thương sẽ gặt yêu thương
Cho dù tôi không theo nghề giáo nhưng cuộc sống của tôi lại gắn bó nhiều với những người làm nghề giáo. Tôi sinh ra trong một gia đình có mẹ, anh chị đều làm nghề dạy học và “bến đỗ” của đời tôi cũng là một “kỹ sư tâm hồn”. Lần đầu tiên đến chơi nhà anh, tôi thực sự ấn tượng bởi những dòng chữ được khắc trên mảnh gỗ xinh xắn:“Ai tin vào thầy thì người đó sẽ luôn làm được những việc thầy làm”.
Giờ đây anh đã đi qua hơn hai mươi năm trên bục giảng thấm đẫm bao niềm vui, nỗi buồn, trăn trở của nghề dạy học. Làm vợ của người mang nghiệp làm thầy, những câu chuyện nghề giáo của anh luôn thường nhật trong mâm cơm, trong những giờ phút tản bộ của vợ chồng, và cả bên tách cà phê thư giãn cuối tuần.
Chiều nay tan sở, tôi ghé mua một ít lê và táo - là hai món trái cây tôi dành cho anh. Bởi nghe nói, lê, táo có tác dụng bổ tim và phổi. Mà nghề giáo thi thoảng không đau tim thì cũng tổn thương phổi. Ví như cả đêm qua anh không ngủ được chỉ vì nghe thông tin từ nhà trường, rằng có phụ huynh phản ánh về việc thầy giáo dạy Toán đánh học trò! Thế là đồng nghiệp xôn xao, lo lắng hỏi “anh có đánh học trò không?”. Anh hơi lo lo vì tổ Toán chỉ có 3 thầy, còn toàn bộ là nữ. Mặc dù anh vẫn nhận thấy bản thân rất kinh nghiệm trước cái độ nghịch “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”; thầy cô thì muốn trò chăm chỉ học hành mà không ít trò lại lười biếng không chịu học. Anh trộm nghĩ, có khi nào bực quá mình vỗ vai hơi mạnh một cậu nào đó cũng bị quy vào tội bạo lực học trò không nhỉ? Thế là anh mất ngủ! Kể ra anh mất ngủ cũng chẳng có gì lạ, vì cứ suy ra từ những câu chuyện trên các trang mạng xã hội; ví như vụ cô giáo nọ tự tử vì buồn bực, vì áp lực cuộc sống, trong đó có nguyên nhân từ việc học sinh đến lớp không ghi bài, về nhà không chịu làm bài tập nên bực quá cô đánh. Thế là phụ huynh tố, hiệu trưởng bắt làm kiểm điểm, giải trình, xin lỗi phụ huynh.
May thay, anh không phải là người bị phụ huynh phản ánh. Hay nói chính xác là anh chưa phạm quy - chưa đánh học trò.
|
Đẩy ly nước ép táo về phía anh, tôi dịu dàng: bây giờ văn bản Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hẳn hoi là không được đánh học sinh dưới bất kỳ hình thức nào, cho dù chỉ là cái nhéo tai hay quất thước vào tay, vào chân. Nói một cách đầy đủ, chuẩn theo từ ngữ của luật học là “không xâm phạm thân thể của người học”.
Có hôm gần 7 giờ tối anh mới về tới nhà, nằm vắt tay lên trán chả thiết ăn uống gì. Tôi gặng hỏi mãi, anh mới tâm sự: Lớp anh nhiều đứa hoàn cảnh quá. Đứa thì ba mẹ ly hôn, ở với cha dượng, bị cha dượng la hoài, thậm chí cấm cản không cho đi đá bóng; mẹ buồn, thương con mà không nói được chồng, phải nhờ thầy giáo tranh thủ thời gian nói chuyện với dượng nó. Đứa thì nghèo, nghèo đến mức không có tiền mua sách vở, quần áo, may có mạnh thường quân ủng hộ. Có đứa vừa lười vừa quậy, con gái chẳng kém gì con trai, mới lớp 10 mà yêu đương, ghen tuông hẹn đánh nhau, đủ thứ chuyện. Anh buồn tụi nó ghê, ngọt nhạt, nghiêm khắc đủ cả.
Hơn hai mươi năm làm nghề “đưa đò”, không ít lần, anh rưng rưng xúc động khi nhận được món quà nhân ngày 20/11. Quà chỉ là một quyển sổ của học trò cũ. Điều đặc biệt là quà đến tận tay anh thì ngày 20/11 đã trôi qua hơn một tháng. Bởi người học trò ấy ở rất xa trung tâm thành phố, tít tắp nơi xã của một huyện nghèo.
Năm nay, sắp đến ngày nhà giáo Việt Nam, anh lại buồn buồn vì nghe loáng thoáng những câu chuyện vỉa hè, kiểu như “cứ đến ngày 20/11, mấy thầy cô lại trúng mánh”. Tôi nhẹ nhàng: Ai đó vô tâm, vô tình nên nói vậy thôi, chứ đâu phải suy nghĩ của phụ huynh nào cũng giống phụ huynh nào! Trân trọng thầy cô thì họ đến thăm. Như em đây vẫn đến thăm các thầy cô dạy dỗ các con anh đó thôi. Mình đến thăm bằng cả tấm lòng, bằng sự chân thành mà.
Chẳng phải người trong ngành nhưng khi nghe những chuyện vỉa hè như thế và cả những chuyện mà thỉnh thoảng truyền thông đưa tin nơi này xảy ra bạo lực học đường, nơi kia áp lực nghề nghiệp cũng cảm thấy buồn buồn. Nhưng tôi vẫn luôn tin, những câu chuyện đó chỉ là một mảng màu xám rất rất nhỏ trên bức tranh rộng lớn của môi trường sư phạm. Tôi vẫn tin và mãi tin về truyền thống, về đạo thầy trò của dân tộc Việt Nam từ nghìn đời nay. Có lẽ vì thế nên tôi vẫn thường chia sẻ với anh: Nghề giáo vất vả, áp lực nhưng đã chọn nghề, thì mình phải hết lòng với nghề. Vui hay buồn, sướng hay khổ, tự hào hay chán nản, hạnh phúc hay mệt mỏi đó là do cách mình nhìn nhận. Anh cứ bước những bước chân tràn đầy tình thương, trách nhiệm trên con đường dạy học, như lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Hãy bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng bàn chân của mình”. Chắc chắn, anh gieo yêu thương sẽ gặt yêu thương, điều vô giá mà anh nhận được từ tình yêu thương đối với nghề, đối với trò, đó là sự thanh thản trong tâm hồn.
HẠNH PHƯỚC