Giao thông ở Làng nghề H’Nor: Làm khó các hộ sản xuất kinh doanh
Cử tri là chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực làng nghề H’nor (thành phố Kon Tum) bức xúc phản ánh, giai đoạn 2011- 2015, UBND thành phố triển khai xây dựng Đề án làng nghề H’nor ở tổ dân phố 2, phường Lê Lợi. Quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông trong khu vực này gồm 4 tuyến đường với tổng kinh phí đầu tư 20,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 6 năm triển khai, chỉ có 1 trong 4 con đường được hoàn thiện, còn lại đường chỉ san ủi mặt bằng, thảm đá dăm gây khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở tại đây.
Sau cơn mưa chừng 30 phút, con đường đất N5-4 dài 1km trước cửa hàng sửa chữa ô tô, tiệm điện cơ khí của ông Võ Thanh Lưu đã có ngay ao nước đọng sâu chừng 40cm. Các phương tiện tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp di chuyển ngược chiều phải giảm tốc độ, nhường nhau để khỏi bị nước bẩn bắn tung tóe xung quanh.
Ở đầu tuyến đường này, các xe ô tô, xe tải nhỏ 2,5 tấn vừa chớm quay xe vào ngõ, nhưng phát hiện ao nước, tài xế đã quay ngược phương tiện, tìm hướng khác để đi, hoặc đỗ xe ngoài đầu đường nhựa duy nhất N5 - 1. Sau đó, huy động các nhân công khuân nguyên vật liệu, hàng hóa đến giao bạn hàng trong các tuyến đường nham nhở đất bùn, lầy lội.
|
Ông Lưu – một cơ sở sản xuất ở đây ca thán: Tôi vốn sống bằng nghề sửa chữa máy móc, hàn tiện đồ cơ khí ở đường Đoàn Thị Điểm (phường Quyết Thắng). Năm 2012, UBND thành phố Kon Tum vận động cơ sở vào sản xuất tập trung ở làng nghề H’nor, gia đình là một trong những hộ đầu tiên tự giác di dời vào nơi đây. Trước khi vào đây, cũng nghe hứa sẽ làm đường giao thông hoàn thiện, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con yên tâm tạo dựng, thu hút công việc, tăng thu nhập ổn định trong khu sản xuất mới. Nhưng gần 6 năm qua rồi, toàn đường đất, lắm hố voi, hố trâu. Mùa khô, phương tiện qua lại cứ xốc nẩy lên, đất cát mủn cứ bay mù mịt gây mất an toàn, vệ sinh môi trường. Mùa mưa thì lắm hồ, ao chứa nước bất đắc dĩ...
Anh Nguyễn Văn Thiệu, chuyên kinh doanh mặt hàng gia dụng nhôm sắt đã đếm khoảng 50 hộ có cơ sở sản xuất dọc 2 bên đường N5-4. “Chị cũng thấy rồi đó, mưa gió đường đi không có được, từ khi thành lập làng nghề đến nay, tôi ra vô ngõ còn ngại, huống chi khách đến giao dịch càng sợ bẩn. Mỗi năm, mùa mưa, xe vào chở hàng bị dính lầy đường đất, báo hại tụi tui phải chạy đi gọi thợ làm công ở các cửa tiệm khác đẩy xe giúp cho khách. Mà con đường này dài chừng 1km đã ủi đất bằng thì thảm nhựa, hay bê tông hóa cho dân được nhờ, chứ để lâu quá đường càng hoang hóa.
Đường sá khó khăn, khiến công việc kinh doanh trì trệ, nhiều bạn hàng cũng bỏ họ mà đi. Ông Lưu tính, trước kia mỗi ngày ở nội thành khách đông, công việc thuận lợi có 3-4 khách hàng và cho thu nhập 700 ngàn - 1 triệu đồng. Gia đình đủ sống và nuôi thêm 1 thợ giúp việc. Nhưng 6 năm nay vào làng nghề kinh doanh, khách vắng lặng, cơ sở thu nhập chỉ 200 – 300 ngàn đồng/ngày, nếu là mùa khô; còn mùa mưa, thợ làm nghề được chơi dài dài, do không có hàng, nhưng vẫn cố phải vay mượn trả công.
Suốt thời gian qua, nhiều hộ đề nghị thành phố bê tông các tuyến đường không được, họ đã tự ý chở đất xà bần về tôn nền nhà cao hơn mặt đường tránh nước mưa trào ngược, lấp ao hồ, hố sâu nham nhở trước mặt nhà. Vì thế, con đường đất càng thêm nhớp nháp. Góp lời nói phản ánh thực tế, chủ hộ làm nghề mộc dân dụng Trương Văn Chánh còn cho biết, mỗi năm gia đình mất 2- 3 triệu đồng/năm để tự khắc phục đoạn đường đi trước mặt tiền kinh doanh bằng cách thuê xe chở sỏi đá, nguyên vật liệu xà bần. Sau đó, huy động thợ làm công của mình xúc xà bần đổ vào các hố voi, hố trâu do xe tải chở hàng làm sụt lún tạo nên, để san bằng phẳng, cải thiện mặt tiền con đường đi ngang cửa hàng dễ dàng hơn.
Trước phản ánh của các chủ cơ sở về tình trạng hạ tầng giao thông chưa đầu tư đồng bộ và ngày đang xuống cấp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng nghề H’nor, ông Hồ Kim Tuyến - Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp thành phố cung cấp số liệu, giai đoạn 2011-2015, hệ thống giao thông khu làng nghề có 4 tuyến đường: N5-1, N5-2, N5-3, N5-4 và được phê duyệt thực hiện đến cuối năm 2015, tổng kinh phí đã giải ngân hết 20,5 tỷ đồng. Tuy nhiên cả quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng các tuyến đường này đã bị ảnh hưởng trượt giá, do đó khối lượng hoàn thành chỉ đạt như sau: tuyến đường N5-1 hoàn thành 100% khối lượng công trình giao thông; N5-2 và N5-3 chủ yếu san ủi mặt bằng, đầm nền, rãi đá dăm; N5-4 mới san ủi mặt bằng.
“Năm 2017, địa phương cũng có khó khăn về nợ xây dựng cơ bản hơn 46 tỷ đồng. Thành phố đang quyết tâm ưu tiên bố trí vốn xử lý dứt điểm khoản nợ này, tiếp đến từng bước xem xét đầu tư các công trình xây dựng mới. Trong đó, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố đã có chủ trương quý II năm 2018, thực hiện đầu tư giai đoạn 2 đối với các phần khối lượng còn lại của hệ thống đường giao thông làng nghề H’nor” - ông Tuyến cung cấp thêm thông tin và mong các hộ sản xuất, kinh doanh nơi đây chia sẻ khó khăn chung với địa phương.
Mai Trâm