Đường về
Mấy hôm nay trời trở rét, lại có mưa. Nó ngồi co ro trên chuyến xe buýt cuối cùng lên huyện. Nghe gió lùa qua cửa kính mà xuýt xoa nghĩ: Hẳn là giờ này ba đã nhóm bếp lửa ở gian giữa ngôi nhà sàn cuối bãi sông rồi.
Chuyến xe cuối cùng trong ngày chạy từ thành phố về huyện cà rịch cà tang xuất bến khi chiều muộn. Nó xuýt xoa kéo chặt mép áo ấm, ngồi co ro trên ghế, ngắm phố xá lùi dần qua ô cửa kính, ngán ngại khi nghĩ đến đường về nhà xa hàng trăm cây số.
Xe dần đông khách. Chặng đường đủ dài để mọi người làm quen, trò chuyện râm ran. Và trong miên man câu chuyện không đầu không cuối ấy, có những lời rì rầm về tết nhất đã xồng xộc sau lưng.
Chỉ còn vài ngày nữa là tháng Chạp rồi, lụi hụi là tới Tết. Mau vậy. Mau quá ha- mấy người cùng nói. Rồi có người thở dài "đủ thứ phải lo".
Nó biết, tháng Chạp trên đường đi qua đã ghé lại từ mấy hôm trước. Nói như mẹ nó, tết nhất đã xồng xộc sau lưng. Mà nhắc đến Tết thì tụi nó thấy vui, chứ người lớn thì mệt bởi bao nhiêu chuyện cần làm.
Nói đến Tết, nó lại nhớ về ngôi làng nhỏ nằm gần biên giới của mình. Ở nơi ấy có những ngôi nhà vách gỗ, mái tôn tuềnh toàng giống nhau y chang, ngày cũng như đêm gió thổi qua khe ván vi vút.
|
Nơi ấy có những con người thật thà như đất, hiền lành như đất, quanh năm dầm dãi mưa nắng, chẳng mấy khi thảnh thơi.
Nghe gió lùa ù ù, nó chợt nghĩ: Hẳn là giờ này, ở ngôi nhà quay mặt ra sông, ba nó đã nhóm bếp lửa ở gian giữa rồi. Chút xíu nữa mấy bác, mấy chú sẽ tới chơi, vừa uống nước vừa bàn chuyện làm ăn.
Và hẳn rằng, ngoài chuyện tỉa cành, chống cháy cho vườn cao su, mọi người sẽ bàn đến chuyện tết nhất. Dù gì thì cũng là Tết, phải sửa sang nhà cửa đi, để xập xệ vậy coi sao được. Rồi chuẩn bị chút gì đó để cúng gia tiên, đãi xóm giềng. Rồi cũng phải chắt bóp sắm đồ mới cho tụi nhỏ.
Bao nhiêu chuyện đó thôi lo cũng đã bứt gân, tóc tai tơi bời rồi!
Vậy cho nên, Tết của người lớn cứ thấy dài thăm thẳm. Kể từ tháng Mười Âm lịch đã thấy mẹ nó rì rầm bàn tính chuyện Tết.
Chiếc xe vẫn lắc lư chạy trên đường. Nó bị hút theo câu chuyện của mấy mẹ, mấy chị ngồi phía trước. Trong đó một chị có dáng người nhỏ bé, gương mặt khắc khổ in hằn dấu vết những năm tháng vất vả, khó khăn, hầu như chỉ cười đôn hậu. Nghe một lúc, nó biết chị tên Bốn.
Năm nay nhà chị Bốn phải ăn Tết to đấy nhé- một chị vỗ vai chị Bốn, rổn rảng nói. Nghe chuyện thì biết chị Bốn giỏi lắm. Sinh được 2 cháu thì cháu gái đầu bình thường, cháu trai bị đa khuyết tật ngay khi sinh do ảnh hưởng chất độc da cam, sống thực vật cho đến nay.
Suốt 20 năm qua, chị đã vượt qua bao khó khăn vừa chăm con vừa làm đủ việc mưu sinh. Nay cháu đầu đã công ăn việc làm và lập gia đình, chị lại dành dụm xây được nhà mới kiên cố, tự thân nỗ lực thoát khỏi hộ nghèo.
Nó gọi điện cho mẹ nói sẽ về muộn vì xe đón trả khách nhiều. Trong điện thoại khá ồn ào, nó nghe mẹ nói tiếng được tiếng mất. Thì ra mẹ đang đi dự mừng nhà mới của anh Triều. Ở làng, mọi người vẫn vậy, vui cùng vui, buồn cùng buồn, sướng khổ có nhau.
Nó biết hoàn cảnh nhà anh Triều. Sau khi lấy vợ, anh vẫn ở chung với bố mẹ, vì gia đình đông con, bố mẹ không có đủ đất đai để chia. Thiếu đất sản xuất, thường ngày hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn.
Ba năm trước, xã vận động những gia đình có nhiều đất sản xuất nhường bớt (hoặc bán nợ) cho anh. Mọi người ủng hộ ngay,. Nhà nó cho anh 1 sào đất sản xuất và bán nợ 100m2 đất ở. Thế là vợ chồng anh có đất dựng căn nhà tạm để ở riêng; có đất để sản xuất.
Sau đó, anh được chính quyền tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò, nuôi cá lồng, trồng cà phê xen rẫy mì. Bây giờ, không chỉ trả được nợ mua đất, mà anh Triều còn làm được ngôi nhà cấp 4 vững chãi, điều mà cách đây ba năm có nằm mơ anh cũng không dám.
Nghe chuyện mà mừng cho anh Triều!
Cũng từ những câu chuyện như thế, nó nhận ra đang có sự thay đổi nơi xóm nghèo, tuy sự thay đổi ấy còn chậm rãi, nhưng có hề chi, chỉ cần cho thêm chút thời gian mà thôi.
Trên xe “nổ” ra một cuộc tranh luận thú vị giữa các mẹ, các chị và nhóm thanh niên. Các bạn trẻ thì cho rằng bây giờ có điều kiện, làm lụng vất vả cả năm, mấy ngày Tết nên đi du lịch “xả hơi”. Còn các mẹ, các chị thì nhất quyết rằng chẳng đâu bằng Tết ở quê mình, nhà mình!
Ông bà ta dạy rồi: “Dù ai buôn bán nơi đâu/ Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về”- một mẹ thủng thẳng nói.
Tiếng cười nở bung. Không khí trên xe thật vui! Dường như vào những ngày cuối năm này, ai cũng muốn mở lòng, ai cũng muốn cười.
Xe vẫn lắc lư trên đường. Thỉnh thoảng có người xuống, cũng có người lên.
Tranh luận chán, đám thanh niên chúi mũi vào điện thoại, mấy mẹ, mấy chị lại chụm đầu rì rầm về chuyện chuẩn bị Tết. Nào mứt, nào nếp, lá dong, lá chuối, dưa kiệu...
Có lẽ vài hôm nữa, mẹ nó cũng sẽ tất bật xếp lại mấy lọ dưa chua, hũ củ kiệu, mắt "nghía" từng tàu lá dong ngoài vườn để dành gói bánh chưng. Lúc nào cũng nghe mẹ rì rầm tính các thứ phải chuẩn bị trước.
Có lẽ vài hôm nữa, ở xóm nó cũng sẽ rộn ràng hơn. Bên bồn nước, mấy bà, mấy chị đang cọ rửa chén đĩa, cười cười nói nói, mấy đứa trẻ đùa giỡn dưới gốc bằng lăng già. Trên các mái nhà, khói ấm bốc lên, ánh đèn nhảy nhót ở các ô cửa sổ bé tẹo.
Xe băng qua trung tâm huyện. Nó vui vẻ ngắm quán xá bắt đầu lung linh sắc đỏ của bánh, mứt và những giò quà Tết tràn kệ hàng.
Nhờ chuyện tết nhất mà đường về nhà không hề xa!
THÀNH HƯNG