Đường chưa thông, hè chưa thoáng
Với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, chiến dịch “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ đã có lúc mang lại những chuyển biến lớn cho thành phố Kon Tum. Thế nhưng, sau một thời gian, đường vẫn chưa thông, hè vẫn chưa thoáng.
Giờ tan tầm buổi trưa và buổi chiều, khu vực đường Hoàng Văn Thụ trước trung tâm thương mại tỉnh và chợ 16/3, vẫn là tình trạng kẹt xe vì... chuyện mua bán. Rõ ràng, chợ 16/3 được xây dựng, có chỗ gửi xe đàng hoàng, nhưng ở vỉa hè xung quanh chợ vẫn dày kín các sạp hàng tự phát, tràn ra cả lề đường, lòng đường. Còn người mua thản nhiên dựng xe dưới lòng đường để tiện cho việc mua thực phẩm. Trong khoảng đường hẹp, còi xe bấm inh ỏi. Chỉ khi nào phát hiện lực lượng đảm bảo trật tự đô thị xuất hiện, người bán mới vội vã dọn hàng chạy; còn người mua thong dong lên xe phóng đi, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Không chỉ chợ 16/3, vài năm trước, chợ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai được xây dựng lên để giải quyết tình trạng “chợ cóc”, chợ tạm ở quanh Quảng trường 16/3, đường Trường Chinh, thành phố Kon Tum. Các sạp hàng bày biện, cung cấp nhiều loại thực phẩm cho người dân. Chợ mọc lên nhưng thực tế vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường ở khu vực quảng trường.
Vào chiều tối hoặc tầm trưa, nhiều hộ dân vẫn tự ý bày biện trái cây, các mặt hàng rau bán hai bên lề đường. Việc mua bán gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến việc lưu thông xe cộ. Đặc biệt, tại vị trí chợ, dù bên trong chợ rất thông thoáng, nhưng người dân vẫn bày biện hàng hóa, bán trên vỉa hè.
|
Nhiều lần trò chuyện, những người bán hàng bên lề đường tâm sự rằng, vì tâm lý người mua muốn mua nhanh, gọn, lẹ, không muốn đi xe vào chợ hoặc gửi xe ở chợ nên thường tấp vào mua hai bên lề đường. Và khi người mua có nhu cầu, người bán cũng bất chấp các quy định để bày bán. Một số người khác, vì không muốn thuê mặt bằng, vì lý do mưu sinh, họ vẫn bày bán, bất chấp lệnh cấm. Còn buôn bán bên lề đường tất yếu sẽ còn việc đỗ xe, dựng xe dưới lề đường. Và nếu không xử lý dứt điểm, chuyện ùn tắc, va chạm giao thông cũng không tránh khỏi.
Không phải đến bây giờ chuyện làm cho đường thông, hè thoáng mới được đề cập. Nhiều năm nay, UBND thành phố Kon Tum đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để làm cho đường thông, hè thoáng. Và việc xây dựng một số chợ dân sinh để chuyển, bố trí, sắp xếp và đưa các hộ kinh doanh tự phát vào kinh doanh trong chợ theo đúng quy định được xem là giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm vấn đề người dân tự ý họp chợ, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Nhưng vì nhiều lý do nêu trên, mọi việc, đâu lại vào đó.
Lập lại an toàn giao thông cho người đi bộ, quyết tâm xử lý tình trạng chợ tự phát, chợ tạm là câu chuyện dài hơi, đòi hỏi quyết tâm cao. Việc thực hiện công tác quản lý và kiểm tra xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn phải được triển khai thường xuyên, quyết liệt, dứt điểm để tránh lập lại. Bởi có thời điểm, khi lực lượng chức năng làm “gắt”, vỉa hè ở khu vực gần các chợ đã thoáng, đường đã từng thông, nhưng chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, vỉa hè lại bị xâm chiếm.
Bên cạnh lực lượng chức năng, đường có thông, hè có thoáng hay không cũng phụ thuộc vào ý thức của người dân. Chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để người dân có địa điểm kinh doanh, buôn bán, thì mỗi người nên nêu cao ý thức chấp hành. Thiết nghĩ, nếu chợ đủ rộng, các sạp hàng được xây dựng bài bản đảm bảo cho việc buôn bán sẽ thu hút tiểu thương vào chợ. Và khi mọi người đều vào chợ bán, không một ai bày bán ở vỉa hè, thì người mua chắc chắn sẽ không thể mua hàng ở lề đường. Lúc đó, tình trạng bát nháo, lấn chiếm lòng và lề đường sẽ hạn chế.
Làm cho đường thông, hè thoáng là góp phần xây dựng thành phố sạch đẹp, văn minh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực mà đối tượng thụ hưởng đầu tiên chính là người dân. Do đó, mỗi người nên ý thức, cùng góp sức để các tuyến đường, hè thông thoáng, sạch đẹp hơn.
Hoài Tiến