Dưới đỉnh Ximon
Nhiều ngày đã qua, nhưng Thủy vẫn còn bị ám ảnh bởi những đôi mắt buồn rười rượi ở ngôi làng nhỏ nằm heo hút dưới chân đỉnh Ximon.
Đó là một ngôi làng nhỏ, nằm bên sườn núi Ximon, với những mái nhà vách đất, mái tôn và những đứa trẻ tóc khét nắng, chân trần, tay dính đầy bùn đất.
Lên làng chỉ có một con đường đất mảnh như sợi chỉ. Những con đường mòn quanh co trong làng quanh năm suốt tháng toàn thấy những bóng người lầm lũi đi bộ. Xa hơn nữa, là những vạt rừng đen sẫm trải dài tít tắp.
Chiều ấy, cửa hàng tạp hóa nhỏ ở đầu làng không có gì bất thường, trừ một cô khách đang ngồi trên cái ghế nhựa, con chó vện của chủ quán thỉnh thoảng chạy vào gừ gừ vài tiếng khiêu khích.
Như mọi khi, không gian yên tĩnh đến mức cô khách có thể nghe thấy tiếng hơi thở của mình. Ở đây chỉ có người mua hàng vào chiều tối, chủ yếu là đám thanh niên mua rượu. Bây giờ đi rẫy còn chưa về- chủ quán, một phụ nữ nhỏ bé mặc cái váy thổ cẩm kéo ghế lại gần bắt chuyện.
Cô khách cười, miết quai túi quàng qua vai, nhìn về ngôi nhà tranh thấp lè tè, có một cô gái trẻ dịu con đứng trước cửa.
Y Út đấy- chị chủ quán nói. Lấy chồng từ khi còn nhỏ xíu à, hình như học lớp 9. Nay 3 đứa con rồi.
Thủy- cô khách của quán gật đầu. Cô đã ở làng vài ngày nên biết Y Út. Trước đó, cơ quan lập đoàn khảo sát, xây dựng báo cáo về tình trạng tảo hôn ở vùng sâu vùng xa, vùng DTTS, và Thủy được phân công về làng này, nơi khá “nổi tiếng” về tảo hôn.
|
Chào chị chủ quán, Thủy đi nhanh về phía ngôi nhà tranh. Y Út thấy vậy muốn tránh, nhưng không kịp, vì Thủy đã gọi tên, nên đành đứng lại, ánh mắt chất chứa sự buồn bã. Năm nay mới 19 tuổi, nhưng Y Út đã làm vợ được 4 năm và là mẹ của 3 con.
Thủy biết, trong làng đâu chỉ có Y Út lấy chồng sớm, còn mấy cặp nữa. Hôm mới đến, chị chi hội trưởng phụ nữ từng nói qua với Thủy, và hứa sẽ dẫn đến từng nhà. Nhưng Thủy nói muốn tự mình tiếp cận, tránh gây căng thẳng cho các gia đình.
Suốt 2 ngày, Thủy và đồng nghiệp đã gặp gỡ gần như tất cả những cặp vợ chồng “tảo hôn”. Có vài cặp né tránh, có cặp lại khá cởi mở.
Như cặp Y Áp - A Nhum kia, mới hỏi chuyện là kể ngay, chẳng giấu giếm gì. Y Áp học đến lớp 6 rồi nghỉ ở nhà làm ruộng rẫy. Một lần đi trồng mì, gặp A Nhum, rồi thích. Hai tháng sau gia đình hai bên đồng ý, Y Áp về nhà A Nhum ở. Khi đó, cả 2 chưa đủ 16 tuổi. Năm sau, Y Áp sinh con gái, thế là ở nhà trông con, A Nhum đi làm.
Theo chị chi hội trưởng phụ nữ, phần lớn các trường hợp kết hôn ở tuổi vị thành niên đều tổ chức lén lút, không thông báo với thôn, xã. Thông thường là bọn trẻ thích nhau, sau đó được sự đồng ý của gia đình hai bên là về sống với nhau. Vì vậy, chính quyền cũng... bó tay.
Vì lập gia đình sớm, đang còn tuổi ăn tuổi chơi nên các cặp vợ chồng này đều không biết làm ăn, chủ yếu sống dựa vào bố mẹ, chuyện nuôi dạy con cái cũng chẳng biết gì.
Sau 2 ngày, Thủy gặp gỡ hầu hết trường hợp “bắt chồng” sớm trong làng. Chỉ có Y Út là khó tiếp cận nhất. Cô luôn tìm cách né tránh. Thủy đã nhờ cả mấy bạn của Y Út thuyết phục, nhưng vẫn thất bại.
Chiều nay, cô không đến nhà nữa, mà ngồi “phục” ở cửa hàng tạp hóa, thấy Y Út là chạy tới ngay.
Nở nụ cười ngượng nghịu, Y Út đẩy 2 cánh cửa ọp ẹp, mời khách vào nhà. Ngoài đứa con nhỏ đang địu trên lưng, còn một đứa con trai đang ôm chân mẹ, lom lom nhìn người lạ, con gái đầu đi chơi đâu đó trong làng.
Y Út vỗ vỗ lưng con: Ra ngoài chơi đi. Thằng bé ôm chân mẹ chặt hơn. Một nỗi xót xa dâng lên trong lòng Thủy. Ở tuổi này, lẽ ra Y Út đang vui vẻ cùng bạn bè, ngày lên rẫy, tối đốt lửa ở sân nhà rông đàn hát.
Thủy nhìn quanh ngôi nhà, tài sản chẳng có gì đáng giá, ngoài mấy cái ghế nhựa, cái giường gỗ tạp bừa bộn quần áo. A Giếng đâu rồi? Y Út lắc đầu: Không biết đâu. Nó đi đâu từ sáng sớm.
A Giếng là chồng Y Út, người xã bên. Hai đứa cùng học chung trường nội trú huyện. Gặp nhau ít ngày, A Giêng nói thích Y Út, thế là hai đứa bỏ học, dù thầy cô giáo vận động, thuyết phục mãi.
Khi A Giếng theo về nhà ở rể, Y Út mới 15 tuổi, A Giếng 17 tuổi. Chính quyền không cho đăng ký, nhưng hai bên gia đình vẫn tổ chức mổ heo đãi làng.
Hiện tại, vợ chồng Y Út và A Giếng sống chung với bố mẹ, anh trai, em gái và em trai của Y Út. Trong khi bạn bè cùng lứa tụ tập chơi đùa thì công việc hàng ngày của cô là trông nhà, nấu cơm và chơi với con.
Lấy chồng sớm, đẻ dày, đẻ nhiều nên Y Út gầy teo tóp, như cây nứa non cắt về phơi nắng vậy.
Còn A Giếng thì suốt ngày tụ tập chơi bời với mấy đứa bạn trong làng. Thỉnh thoảng lại bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở cả tháng mới quay lại. Em không muốn chồng đi chơi miết như vậy, nhưng nói không được, vì ở nhà cũng không có việc gì làm - Y Út buồn bã nói.
Thỉnh thoảng mấy bạn của Y Út có đến rủ đi chơi, nhưng Y Út lắc đầu, phần vì đã có chồng con, phần vì thấy mình già hơn nhiều nên ngại.
Nhắc đến chuyện đó, Y Út lặng lẽ thở dài. Và Thủy nhìn thấy rất rõ sự tiếc nuối, buồn bã chất chứa trong ánh mắt của người mẹ trẻ.
Trò chuyện với Y Út một lúc, Thủy lấy trong ba lô ra một gói bánh đưa cho thằng bé rồi bước ra cửa. Ánh nắng chiều vàng vọt hắt lên mái tranh, từng cơn gió quất ào ào trên những triền đồi.
Thủy chạy xe chầm chậm qua những ngôi làng bám bên đường. Sau lưng Thủy, trong tranh tối tranh sáng, khói đã tỏa ra từ các mái nhà, gặp sương đêm, không bốc lên cao được, cứ quẩn quanh dưới thấp. Hẳn là trong một mái tranh nào đó, có những tiếng thở dài và đôi mắt trầm buồn.
Trong đầu Thủy dần hình thành một kế hoạch mới. Cô sẽ sớm trở lại đấy, góp sức tuyên truyền để hạn chế và đi đến chấm dứt vấn nạn này.
HỒNG LAM