Dung dị mà cao quý
Tuần qua, sự kiện có lẽ được nhiều người quan tâm nhất chính là Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 10 diễn ra tại thủ đô Hà Nội (ngày 10/12). Hơn 2.000 đại biểu chính thức được tôn vinh tại Đại hội là những tấm gương bình dị mà cao quý trên các lĩnh vực đời sống xã hội luôn nỗ lực làm việc, cống hiến và hy sinh cho quê hương, đất nước.
Trong số ấy, 2 đại biểu được nhiều người nhắc đến nhiều là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (95 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh) và em Phan Nguyễn Thái Bảo (10 tuổi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Họ đặc biệt không phải bởi là đại biểu cao tuổi nhất và nhỏ tuổi nhất mà chính là ở những việc làm hàng ngày.
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng suốt 20 năm qua, đều đặn hằng ngày, mẹ Ngô Thị Quýt cần mẫn may chăn gửi tặng người dân nghèo ở các vùng khó khăn. Đặc biệt, khi dịch Covid -19 xảy ra, mẹ Quýt đã góp sức cùng với người dân cả nước chung tay chống dịch bằng việc làm hết sức thiết thực, đó là cùng bà con xóm phố may khẩu trang tặng miễn phí cho người cần dùng. Mẹ làm với suy nghĩ giản đơn, chân chất như tấm lòng của mẹ xưa nay với những mảnh đời còn gặp khó khăn trong cuộc sống, đó là “thấy mình giúp được gì thì giúp thôi”. Công việc tuy không khó, nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe, thời gian và quan trọng hơn cả là tấm lòng của mẹ. Chính vì vậy, nên dù mẹ không ra Hà Nội tham dự Đại hội, nhưng câu chuyện của mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt vẫn có sức lay động trái tim của mọi người.
Còn cậu bé Phan Nguyễn Thái Bảo lại xây ước mơ được trở thành Đại kiện tướng cờ vua quốc tế để về dạy cho trẻ em ở quê mình bằng sự cố gắng mỗi ngày. Nhờ đó, Thái Bảo có một bộ sưu tập huy chương đáng nể về cờ vua cùng với thành tích học tập xuất sắc. Em là tấm gương sáng về tinh thần phấn đấu học tập.
|
Trong hơn 2.000 gương mặt điển hình, tỉnh ta có 11 đại biểu. Họ là những con người hết sức dung dị, mộc mạc ở nhiều lĩnh vực công tác mà tôi từng gặp gỡ, tiếp xúc nhiều lần, ở nhiều nơi. Đó là Đại tá Trần Minh Lợi (Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) - người được mệnh là “khắc tinh” của tội phạm ma túy vùng biên; hay “ông vua cá” Nguyễn Hữu Tá (thị trấn Đăk Hà - huyện Đăk Hà) với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vươn lên trở thành “tỷ phủ chân đất” và giúp đỡ được nhiều người dân cùng làm giàu; đó là thôn trưởng A Hai (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei) luôn đi đầu và tích cực vận động người dân trong làng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
Mỗi đại biểu là một câu chuyện về sự nỗ lực cống hiến cho quê hương, đất nước bằng những việc làm hết sức cụ thể. Và, tôi chắc rằng mỗi người được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước lần này cũng không ai coi việc được nhận phần thưởng là cái đích của mình. Đơn giản họ chỉ nghĩ là mình phải luôn nỗ lực làm tốt công việc hằng ngày, bất kể tuổi tác hay ở cương vị công tác nào. Và chính những suy nghĩ như vậy đã giúp họ tự tỏa hương sắc ngào ngạt trong vườn hoa “ngàn việc tốt”, góp phần đem lại cho đời sống xã hội ngày càng tươi đẹp, giúp chúng ta thêm tin yêu vào cuộc sống này.
Bỗng dưng tôi lại nhớ có nhiều người hay than thở rằng “cuộc sống bây giờ ít người tốt và muốn làm người tốt cũng khó”... Nhưng từ những tấm gương bình dị, những điều tốt đẹp được ghi nhận và tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước cho thấy làm “bông hoa đẹp” xem ra không phải quá khó hay là điều gì quá xa vời. Chỉ có điều, đôi khi chúng ta cứ mải lo toan, tính toán chuyện riêng mà không nhận thấy những điều tốt quanh ta và nhất là chưa hiểu rõ giá trị của người tốt, việc tốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua”. Thi đua yêu nước không phải là việc xa lạ hay phải lên gân mà đơn giản là làm tốt hơn công việc hàng ngày của mỗi người, trước hết là để mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình mình và đặt trong lợi ích chung của xã hội và đất nước.
Thùy Hương