Đừng để sự dối trá “giết chết” tâm hồn con trẻ!
Đọc những dòng tâm sự của em Lưu Thị Phước – học sinh lớp 12A1, Trường THPT Kon Tum trong bài “Tâm sự của một học sinh Kon Tum trước những thông tin về kết quả thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018” đăng trên Báo Kon Tum online, tôi chợt thấy nghèn nghẹn, ngậm ngùi.
Phước cũng như các bạn vừa trải qua quá trình đèn sách 12 năm trời và kỳ vượt vũ môn để chọn lối đi vào đời. Những tưởng căn cứ vào điểm số đã có, tùy theo năng lực, theo sở thích, các em với biết bao ước mơ, hoài bão đẹp đẽ, trong sáng và thiện lương cứ thế mà chọn lựa con đường bước vào tương lai riêng của mình…
Nhưng, những lùm xùm quanh chuyện sửa điểm ở Hà Giang, Sơn La và Bộ GD&ĐT đang kiểm tra, cũng như dư luận cho rằng kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số địa phương (trong đó có Kon Tum) là bất thường đã khiến cho các em cảm thấy thật nặng nề, nhói đau, thậm chí suy giảm đi niềm tin bắt đầu từ những người thầy, người cô, những người lớn tuổi vào bậc cha chú – vốn cầm cân nảy mực, răn dạy mình bao điều hay lẽ phải.
Không nhói đau sao được, không suy giảm niềm tin sao được khi chẳng phải ở Hà Giang, có những thí sinh tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định… Chẳng phải ở Sơn La, cũng đã phát hiện có dấu hiệu can thiệp làm thay đổi kết quả của thí sinh, mà những người trực tiếp đứng ra “can thiệp” lại đang giữ trọng trách quan trọng của ngành Giáo dục tỉnh Sơn La hay sao.
Điều đáng mừng là qua thanh tra, những sai phạm phát hiện ở một số địa phương, đã đưa những điểm số ảo trở về với điểm số thật, khiến cho những học sinh có thực lực mà bị thua thiệt bởi những điều gian dối, đau đớn cảm thấy thỏa mãn.
Nhưng, cũng có những trường hợp ở một số địa phương dù ở trong vòng nghi vấn bất thường ấy, đã qua chấm thẩm định hoặc chưa được thẩm định lại cảm thấy sự nỗ lực của mình qua quá trình đèn sách, thi cử thiếu đi sự trân trọng, thậm chí tổn thương danh dự.
Dẫu biết “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng như em Lưu Thị Phước trong những dòng tâm sự của mình chỉ mong rằng, không chỉ riêng em mà những em học sinh Kon Tum khác nữa “muốn có sự trân trọng và có cái nhìn khách quan trước sự khẳng định năng lực của mình với các bạn học sinh trong cả nước”.
Phước và nhiều em khác nữa muốn có sự trân trọng bởi sự nỗ lực của em cũng như các bạn phải trải qua chặng đường dài, được thể hiện qua kết quả học tập của 12 năm học phổ thông, đặc biệt là năm lớp 12, qua các lần thi thử, qua các thành tích thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia…
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Phước nằm trong top 10 thí sinh có điểm thi tổ hợp Toán, Hóa, Sinh (khối B) cao nhất của tỉnh. Không chỉ Phước, có những em như Nguyễn Thị Thanh Trang từng đạt học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh; hay em Nguyễn Ngọc Uyên Phương, em Trần Công Kha đạt học sinh giỏi tỉnh đã không chỉ đạt điểm cao ở tổ hợp môn Toán, Lý, Hóa (khối A) mà còn đạt điểm cao ở tổ hợp môn Toán, Hóa, Sinh.
Cũng có rất nhiều em xét theo tổ hợp môn đạt ở mức 15, 16 điểm… Dù ở mức điểm nào, các em đều cảm thấy tự hào, tự tin vì là của chính mình để vững bước vào đời một cách chính trực nhất.
Và không chỉ riêng Phước, mà còn nhiều, rất nhiều em khác nữa muốn có cái nhìn khách quan. Các em không muốn “vơ đũa cả nắm” theo kiểu võ đoán, thông tin thất thiệt thiếu cơ sở khoa học. Vì vàng thau, thật giả lẫn lộn, sự nghi ngờ dễ khiến cho con người ta - đặc biệt những bạn trẻ như em trên con đường bước vào đời dễ bị tổn thương, thậm chí bị xúc phạm. Từ đó, các em thiếu đi sự tự tin, thiếu đi niềm tin và dễ trở nên mặc cảm.
Một điều nhân văn đơn giản mà hầu như ai cũng hiểu, mục tiêu của một nền giáo dục tử tế là để lớp trẻ trưởng thành và trở thành những công dân lương thiện, có trách nhiệm với quê hương, đất nước, có tình yêu thương với những gia đình và những người xung quanh. “Thành nhân” rồi mới “thành công”.
Nhưng, những lùm xùm đầy toan tính của người lớn quanh chuyện sửa điểm, nâng điểm, chuyện điểm thật - điểm giả, chuyện tăng điểm thần tốc… đâu đó xảy ra không chỉ để “mua danh”: tự hào con mình giỏi giang, đỗ điểm cao, mà còn “mua phận”: có nhiều cơ hội vào các trường đại học TOP cao. Mà vào được trường đại học TOP cao đồng nghĩa với tính chuyện lâu dài hơn chút nữa, các ông bố bà mẹ giỏi sắp xếp, “mua điểm” sẽ lại tiếp tục những “phi vụ” “mua - bán” cho tương lai tươi sáng cho con mình về sau…
Khi các em với những ước mơ vào đời trong sáng đã bắt gặp ngay những chuyện đắng lòng dễ khiến các em mất đi niềm tin, mất đi phương hướng. Các em cũng từ đó khó mà trong veo, khó mà hồn nhiên như cũ.
Hàng loạt câu hỏi được các em đặt ra: Nỗ lực với 12 năm đèn sách, rốt cuộc không bằng một học sinh khác chỉ sau 6 giây được phù phép, từ thi trượt trở thành thủ khoa? Nếu những điểm số “phù phép” này không được phát hiện sẽ lấy đi cơ hội vào các trường đại học của bao nhiêu học sinh học hành tử tế và thi cử bằng sự nỗ lực, năng lực của mình? Nếu những “phù phép” này được trót lọt cũng đồng nghĩa với việc có hàng trăm thí sinh được người lớn gian dối xếp đặt vào đời và liệu họ có đứng vững được trên đôi chân của mình hay lại phải bằng một chuỗi gian dối tiếp theo? Những người hàng ngày vẫn luôn răn dạy mình phải trung thực, phải chính trực lại chính là những người đổi trắng, thay đen? Và trong cuộc đời mình liệu sẽ còn phải gặp bao nhiêu lần, bao nhiêu chuyện đầy toan tính, “can thiệp”, dối trá để thay đổi kết quả như thế này nữa…?
Đừng để sự dối trá của người lớn “giết chết” tâm hồn con trẻ. Đừng để những lùm xùm, gian dối và cả không khí nghi ngờ thi cử kéo dài. Đừng để nỗi buồn khiến những em như Lưu Thị Phước mãi nhói đau…
Những chuyện buồn không thể buồn hơn trong môi trường Giáo dục và cả “không khí nghi ngờ thi cử không đáng có” như Phước đã bộc bạch nếu không giải quyết một cách minh bạch, căn cơ, tận gốc sẽ kéo theo những hệ lụy xảy ra.
Hệ lụy lớn nhất có lẽ là sự đổ vỡ niềm tin của thế hệ trẻ, của xã hội trong việc hình thành một thế hệ tương lai thiếu đi sự trung thực, thiếu đi sự vững vàng cất bước trên chính đôi chân của mình.
Và khi đó, vấn đề thời sự mà đề thi Văn đề cập (những day dứt, trăn trở về tiềm lực đất nước): “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/Tiềm lực còn ngủ yên” sẽ mãi vẫn là những câu hỏi bỏ ngõ(!?)
Liễu Hạnh