Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Để làm trong sạch, lành mạnh lĩnh vực báo chí, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của báo chí, nhà báo; có những biện pháp mạnh để loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng uy tín, nghề nghiệp của những người làm báo chân chính.
Tôi có một anh bạn mở công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản. Lâu ngày gặp lại, thấy anh có vẻ buồn buồn. Gặng hỏi mãi anh mới kể, đã vậy còn rào trước đón sau: Nói thật bạn đừng buồn vì nghĩ mình “vơ đũa cả nắm”, chứ mình “ớn” báo chí, ớn nhà báo lắm rồi! Mình và bạn chơi với nhau đã lâu, và chưa bao giờ thấy bạn xưng danh nọ kia, mà sao mấy ông xưng danh “nhà báo” ở tạp chí này, tạp chí kia, ở tít tận đẩu tận đâu về địa bàn, tìm mọi lý do (dù nhỏ) để hù dọa. Không hù dọa được lại “xin” được làm trang quảng cáo, tuyên truyền. Mà khổ, cái tạp chí ở đâu mình không biết, tuyên truyền chủ yếu về nội dung gì mình chẳng hay. Hơn nữa, mình giải thích là đợt này do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đơn vị làm ăn thua lỗ, không có kinh phí nên thông cảm. Đã nói vậy rồi nhưng sau đó cứ vài ngày lại gọi một cuộc điện thoại, nói thật mình rất khó chịu.
Chia sẻ của anh bạn khiến tôi không khỏi chạnh lòng, suy ngẫm. Không chạnh lòng sao được vì những tâm tình của anh bạn đã phần nào phản ánh thực trạng hiện nay. Một số người cầm bút, cộng tác viên mượn danh "nhà báo" để trục lợi đang dần làm mất thanh danh của người làm báo chân chính. Điều đáng nói, các trường hợp đó không chỉ vi phạm đạo đức mà cố tình lấy danh nghĩa nhà báo để trục lợi cá nhân như hù dọa, tống tiền doanh nghiệp, cá nhân.
|
Thỉnh thoảng, trong các cuộc trò chuyện, hoặc nơi này, nơi kia, chúng tôi lại nghe các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân phàn nàn về sự nhũng nhiễu của một số cộng tác viên, phóng viên lấy danh nghĩa nhà báo để hù dọa, trục lợi như câu chuyện mà anh bạn thân tôi tâm sự. Thậm chí, bị hù dọa, đeo bám đến mức khó chịu, một số chủ doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đã phản ánh tình trạng này với các cơ quan chức năng. Bởi vậy trong thời gian gần đây, trên các phương tiện đăng tải thông tin hết đối tượng này, đến đối tượng kia bị bắt khi lợi dụng danh nghĩa nhà báo tống tiền doanh nghiệp. Điều này đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đội ngũ những người làm báo; đồng thời, làm giảm sút niềm tin của công chúng vào những người cầm bút.
Thực tế, đại đa số nhà báo đều hành nghề đúng qui định pháp luật và có đạo đức nghề nghiệp; có ý thức phản ánh thông tin trung thực khách quan, kịp thời, chính xác, đầy đủ mọi mặt, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước tới người dân; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân để cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ.
Hơn ai hết, bản thân các nhà báo luôn ý thức được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình khi cầm bút: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào. Bởi vậy, không ít nhà báo đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, xông pha vào những điểm nóng để có những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến với công chúng. Đã có không ít nhà báo, bằng tất cả tình yêu nghề, trách nhiệm với nghề, vì sự thật, vì thông tin, vì bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải và bảo vệ tài nguyên đã không quản hiểm nguy, vào sâu tận sào huyệt của những ổ buôn bán ma túy, bãi khai thác vàng trái phép hay những cánh rừng sâu để tìm hiểu, phản ánh sự thật về buôn bán ma túy, khai thác vàng, khai thác rừng trái phép. Những thông tin mà họ thu thập, phản ánh đã tác động sâu sắc đến dư luận xã hội; là kênh thông tin quan trọng để các cấp, các ngành kiểm tra, giải quyết, xử lý.
Trong khi có những nhà báo lăn xả mình vì thông tin để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn thì lại có những trường hợp mượn danh “nhà báo” để hù dọa, tống tiền, tư lợi cho bản thân. Thật chạnh lòng khi thỉnh thoảng lại có thông tin phóng viên dính bê bối tống tiền doanh nghiệp, cá nhân. Và cũng thật chạnh lòng khi “con sâu” đã “làm rầu nồi canh”, chúng tôi trong quá trình liên hệ công việc hoặc trò chuyện với bạn bè, người thân đã được nghe hoặc nhận thái độ thiếu thiện chí, né tránh, ngờ vực, dè chừng của một số chủ doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân.
Nguyên nhân của thực trạng này một phần do một số cơ quan báo chí quá dễ dãi trong việc cấp giấy giới thiệu, cấp thẻ cộng tác viên mà thiếu đi sự giám sát, quản lý để những trường hợp này lấy danh “nhà báo” làm việc trái với lương tâm, trái với trách nhiệm để trục lợi. Mặt khác, cũng có số nhà báo vì hám lợi trước mắt mà đánh mất đi đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng vị trí nhà báo để tư lợi cá nhân. Cá biệt, có những kẻ giả danh nhà báo để làm tiền cơ quan, doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, để làm trong sạch, lành mạnh lĩnh vực báo chí, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của báo chí, nhà báo; có những biện pháp mạnh để loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng uy tín, nghề nghiệp của những người làm báo chân chính.
P.N