Đừng để các em lạc bước
Năm nay, từ ngày 1- 20/4, các em học sinh lớp 12 sẽ phải hoàn tất hồ sơ dự thi THPT Quốc gia và nộp tại trường THPT theo học. Vậy nên, thời điểm này, các em đang bước vào giai đoạn ôn tập “nước rút” và đứng trước nhiều con đường lựa chọn, nhiều ngã rẽ để đi: lựa chọn ngành, nghề.
Nhưng, cũng chính trong thời điểm các em và các bậc phụ huynh đứng trước sự lựa chọn nhiều trăn trở này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố thông tin về xử lý vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La. Không ít người cho rằng, thông tin này có tác động không nhỏ đến nhận thức, cũng như sự lựa chọn ngành, nghề của các em.
Chắc hẳn đi cùng với những câu hỏi muôn năm cũ: ngành nào, nghề nào “hot”, nhàn nhã, dễ xin việc, thu nhập cao…, các em và các bậc phụ huynh sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc ngành nghề nào phù hợp với năng lực, sở thích của các em.
“Hot” nhưng liệu có phù hợp với lực học, với sở thích, với đam mê của chính em đó? Và cũng vì chạy theo “hot”, mà đã có những người lớn (các bậc phụ huynh và các thầy, cô giáo) sẵn sàng làm việc khuất tất, trái với pháp luật, trái với luân thường đạo lý.
Thực tế là kiểu “ăn xổi ở thì” đó buộc phải trả cái giá quá lớn. Vì để được nâng điểm, để có nhiều cơ hội vào các ngành “hot” nên đã có những cái bắt tay đầy toan tính từ các người lớn như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Sự việc vỡ lở, không chỉ hứng chịu sự chỉ trích của dư luận, là xấu hổ, là buồn đau mà con đường bước vào đời của không ít em trở nên gập ghềnh, lạc bước.
Sẽ có những ăn năn, những hối hận từ phía những người lớn. Cứ tưởng mọi chuyện êm xuôi, cứ tưởng những gian dối được trót lọt; nhưng rồi, gian dối thường khó che đậy, hư học dẫn đến ảo tưởng, kiểu “xây lâu đài cát” thiếu đi căn cơ, bền gốc dễ sụp đổ hơn bao giờ hết.
Sẽ là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh kiểu vì khát khao “điểm đẹp” hơn là thực học, sẵn sàng bất chấp đúng sai, bất chấp luân thường đạo lý.
Sẽ có những băn khoăn, lo lắng, không chỉ của các em học sinh 12, phụ huynh mà cả các thầy cô giáo. Vì không có gì đau lòng hơn khi dự dễ dãi, thiếu trách nhiệm hoặc là sự né tránh, thương cảm của chính người lớn đã khiến cho các em - “sản phẩm giáo dục” lạc bước.
Nên vượt qua những băn khoăn ban đầu, nhiều người cho rằng, thông tin mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong thời điểm này buộc các bậc phụ huynh, các em học sinh cân nhắc hơn, tỉnh táo hơn trước lựa chọn ngành nghề.
Có người ví von, chọn ngành học cũng giống như chọn quần áo vậy. Nếu chọn một bộ quần áo sành điệu, đắt tiền mà mặc không vừa, không hợp với vóc dáng, với tính cách, với tuổi tác thì cũng phí hoài. Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa. Không vừa ở đây được hiểu là không vừa với sức học, không vừa với tính cách, với đam mê… Không vừa ở đây còn được hiểu là đừng vì “điểm đẹp”, ngành nghề “hot”… mà cố “chạy”, không chỉ “tiền mất tật mang” ngay trước mắt mà còn khiến cho các em bị tổn thương, bị lạc bước ngay khi mới bắt đầu trên con đường vào đời.
Không thể “đại học” là “học đại”; và càng không thể đi đến “đại học” bằng con đường gian dối, toan tính…, các em nên được đứng đúng ở bậc thang kiến thức của chính mình. Các em không cần phải bằng mọi giá để bước chân vào một trường đại học danh tiếng. Các em học để hiểu biết, để tìm kiếm sự đam mê đích thực, để từng bước vượt qua những giới hạn năng lực của bản thân. Và khi xác định được như vậy, thì trước nhiều con đường lựa chọn, nhiều ngã rẽ để đi, dẫu không phải là ngành nghề “hot”, dẫu không phải là một trường đại học để “học đại”, chắc chắn các em sẽ bước những bước đi tự tin vì phù hợp.
NGUYÊN PHÚC