Dưa kiệu đón tết
Theo làn gió sớm, mùi hăng hắc của củ kiệu đã lan tỏa khắp không gian. Mẹ nhìn sang nhà đối diện, nhà bên, nhà chênh chếch nữa… đã phơi củ kiệu trước sân. Những củ kiệu đã qua ngâm, cắt gọt, rửa sạch trắng nõn nà trên chiếc nong đan bằng tre.
Bác Nhân, đối diện nhà mình nay đã trên 70 tuổi vừa lật trở những củ kiệu trên nong cho se đều hai mặt vừa hồ hởi hỏi thăm mẹ đã mua củ kiệu chưa, tầm này làm đến Tết dưa kiệu thấm đều là ăn ngon đó. Món dưa hành, dưa kiệu không được thiếu đâu, nét đặc trưng ngày Tết mà. Thấy nhà nhà phơi củ kiệu trước sân là bác thấy Tết đã về ngang nhà, ngang xóm mình rồi đó…
Tết về ngang nhà, ngang xóm mình rồi. Chẳng phải mùi Tết – mùi hăng hắc củ kiệu tươi, mùi nồng nồng của củ gừng, mùi ngai ngái của sâm dây… đã về tới gian bếp từng nhà rồi hay sao. Chẳng phải không khí rộn ràng chuẩn bị cũng đã len lỏi tới từng xóm nhỏ…
|
Như giờ đây, trước khoảnh sân nhỏ, cả nhà cô Vân kế bên vừa cùng nhau cắt rễ, bóc bớt lớp vỏ bên ngoài củ kiệu vừa sắp xếp công chuyện: Cu lớn phụ ba quét mạng nhện, lau cửa nhà, cu út phụ mẹ lau bàn ghế; khoảnh đất trống trước sân ba đã cuốc xới phơi ải mấy hôm, ngày mai mẹ mua ít cây rau giống về trồng vừa đẹp sân vườn vừa có rau ăn Tết nhé… Thấy mẹ nhìn sang, cô góp chuyện, hàng củ kiệu nay đông khách rồi. Năm nay lũ lụt nên củ kiệu mất mùa, giá tăng cao. Các bà, các mẹ đi chợ xuýt xoa nhưng vẫn mua, thiếu củ kiệu, củ hành còn gì là phong vị ngày Tết... Nhà chị em mình ít người, mua ít thôi. Mà có ít thì cũng được hai ba hũ nho nhỏ, để các con được tận hưởng không khí sum vầy, xôn xao chuẩn bị Tết chứ!
Không khí sum vầy, xôn xao của xóm nhỏ mình những ngày này lại đưa mẹ về những ngày tháng chạp tưởng như xa mà thực ra lại gần, rất gần… Cũng là những hôm mấy chị em mẹ cùng ngoại xúm xít bóc vỏ củ kiệu, củ hành. Đâu phải chỉ làm một, hai cân, nhà đông con, ngoại mua cả chục cân. Năm nào ngoại muối củ hành khâu bóc lớp áo bên ngoài còn nhanh, chứ năm muối củ kiệu, củ nhỏ, cả mấy chị em tỉ mẩn mất cả buổi. Đã vậy, ngoại lại hay mua củ kiệu. Ngoại bảo dưa kiệu dai hơn, làm dưa món hay muối xổi đều ngon. Cứ đầu tháng chạp, tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật không phải đi dạy, mấy chị em mẹ không đi học là ngoại đi chợ mua củ kiệu. Sau một đêm ngâm nước hòa tro bếp cho bớt vị hăng là sáng mai cả nhà xúm xít cắt rễ, bóc lớp áo ngoài. Khi những củ kiệu được làm sạch, trắng nõn nà, ngoại đem phơi nắng cho heo héo để thêm vị giòn, dai. Phơi khoảng hai nắng, ngoại thêm cà rốt, ớt, đu đủ trắng được kỳ công cắt tỉa hình ngôi sao, bông hoa cũng đã được phơi heo héo qua rồi đem ngâm với đường, mắm đã được nấu sẵn. Sau mươi hôm, củ kiệu chuyển màu vàng nhạt. Tết, cứ đến bữa cơm, ngoại lấy đôi đũa tre gắp một ít bỏ ra chén. Củ kiệu được ngâm đã bớt đi vị nồng, qua thời gian thấm gia vị đường, mắm đậm đà quyện với mùi thơm của bánh chưng, bánh tét, cơm gạo mới. Hương và vị ấy - giá trị không thể gọi tên, sâu lắng, thiêng liêng mà gần gũi vô cùng - vẫn theo mẹ cho đến tận bây giờ.
Cuộc sống bây giờ khấm khá hơn, từ ăn Tết đã chuyển dần sang chơi Tết, vui Tết, các con không quá ngóng trông những bữa ăn ngon ngày Tết như mẹ năm nào. Công nghệ sinh học lại phát triển, củ kiệu có quanh năm nên khi nào muốn thưởng thức hương vị dưa kiệu muối đều có thể mua được, có được. Nhưng có lẽ để cảm nhận được hết vị thơm, vị ngon của dưa kiệu phải chờ đến ngày Tết cổ truyền, trong không khí ấm áp, đoàn viên, mỗi người như nhắc nhau nhớ về tổ tiên, về giá trị truyền thống của dân tộc.
Lắm khi mẹ vẫn hay tự hỏi: Dưa hành, dưa kiệu gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến dưa hành, dưa kiệu? Có lẽ sự hòa quyện đó đã khiến dưa hành, dưa kiệu biểu trưng cho văn hóa Việt mà ông cha ta từ xưa đã đúc kết về một ngày Tết sum vầy, đủ đầy: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Để rồi, không ai bảo ai, người có điều kiện tự tay mình làm hũ dưa hành, dưa kiệu cho con cháu; người bận rộn với công việc thì ngay từ rất sớm tìm một địa chỉ uy tín đặt làm hũ dưa ngon cho các con có được ngày Tết đủ đầy, ý nghĩa.
Nghĩ vậy, mẹ liền xách xe chạy vội xuống chợ...
Nguyên Phúc