Đôi “vầng trăng khuyết”
Phú ơi, có khách đến đặt làm cửa sắt nè! - Tiếng bà Thanh, mẹ Phú từ ngoài gọi vọng vào. Phú tập tễnh bước qua bục cửa quá cao so với đôi chân tàn tật của em.
Người khách lạ ngó lom lom vào Phú, không tin nổi đây là người chủ xưởng cơ khí mà ông được giới thiệu.
- Bị tàn tật thế này, sao mà em làm nghề được - ông khách lạ buột miệng hỏi.
- Dạ, ráng rồi cũng được mà anh - Phú nhẹ nhàng trả lời ông khách.
- Vậy sáng mai em đến nhà anh đo đạc rồi hàn cho anh cái vòm sắt che nắng nhé. Nhưng em đi bằng phương tiện gì?
- Dạ, em đi xe lăn ạ!
Người khách lạ hơi chút ngạc nhiên, để lại địa chỉ cho Phú rồi về.
Người khách ấy có biết đâu, để được như ngày hôm nay, Phú đã trải qua những tháng ngày dài nhiều mồ hôi và nước mắt cùng với nghị lực phi thường.
Ngược dòng thời gian trở lại hơn 30 năm trước, khi vừa mới sinh ra, cậu bé Nguyễn Hoàng Phú đã bị bại liệt đôi chân.
|
Là con trai cả trong một gia đình nông dân nghèo ở một xã vùng ven của thành phố Kon Tum, nhưng vì tàn tật, Phú không giúp được gì nhiều cho gia đình. Ba mẹ Phú phải chật vật chạy từng bữa gạo để nuôi 5 anh em Phú. Chuyện ước mơ được học hành tử tế, vươn xa như bao người khác đối với Phú sao mà quá xa vời.
-Nhà mình nghèo quá, mà con lại tàn tật nữa, thôi học lên cấp hai đi con nhé - có lần ba nói như vậy.
Thương ba mẹ lam lũ, thương các em còn nhỏ dại, Phú không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, nhiều đêm chỉ biết khóc một mình, ngậm ngùi gác lại nỗi đau riêng trong lòng để vượt qua mặc cảm số phận.
Và bằng niềm tin và nghị lực phi thường, Phú quyết định tìm một việc làm thích hợp, phụ giúp cha mẹ. Nhưng chuyện đời không đơn giản. Vừa tàn tật, vừa ốm yếu, mọi nỗ lực tìm kiếm việc làm của Phú đều không được đón nhận.
15 tuổi, Phú lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc. Lạc lõng nơi đất khách quê người với đôi chân tàn tật, Phú rong ruổi khắp nơi để xin việc, nhưng ở đâu cũng bị từ chối. Không nơi nương tựa giữa đô thị phồn hoa, nỗi nhớ nhà day dứt hàng đêm, nhiều khi Phú tưởng mình ngã gục giữa đời thường. Nhưng nghị lực còn sót lại trong tấm thân không lành lặn đã vực Phú dậy.
Cuộc đời vẫn còn những tấm lòng nhân ái! Phú đã gặp một phụ nữ tốt bụng, chị đã cảm thông với hoàn cảnh của Phú và giới thiệu Phú với một đại lý vé số để được đi bán vé số, kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Một năm sau, Phú cũng xin được học việc ở một cơ sở sản xuất xe lăn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, Phú gặp nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ, được chứng kiến sự lao động hăng say của những hoàn cảnh khuyết tật, giúp cho Phú niềm động viên, chắp thêm niềm tin để Phú hướng tới tương lai. Ban đầu, Phú chỉ làm những việc đơn giản như chà rửa ống sắt, lắp ráp từng công đoạn đơn giản. Và với sự mẫn tiệp, dần dà Phú cũng học thạo nghề.
Phú quyết định trở lại quê nhà làm cửa sắt với người cậu. Và từ đó, tay nghề Phú đã thành thạo hơn, lượng khách hàng đến với đôi bàn tay khéo léo của Phú ngày càng nhiều.
Cũng đã có vài người hàng xóm hỏi Phú: Với đôi chân tàn tật, làm sao mà Phú trèo lên cao để lắp đặt, hàn khung sắt được.
Phú cười hồn nhiên: Ban đầu cũng khó khăn lắm, bị ngã hoài nhưng em đã cố gắng, giờ đã leo lên thang được.
Hạnh phúc đến với Phú như một giấc mơ khi mà Phú gặp được cô gái trẻ tên là Thảo cũng tàn tật đôi chân. Khi mới gặp nhau, Thảo đã phải lòng người con trai có đôi bàn tay khéo léo tại một buổi giao lưu ở cơ sở khuyết tật Nguyễn Nga (Quy Nhơn). Sau một thời gian tìm hiểu, hai người đã quyết định đi đến hôn nhân. Mặc dù ban đầu gia đình Phú phản đối kịch liệt, nhưng sau vì thương con, thương cả người con gái bất hạnh kia nên đồng ý.
Ngày cưới của đôi vợ chồng trẻ khuyết tật tuy đơn sơ nhưng đầm ấm. Trong tiệc cưới, ai ai cũng chúc mừng cho vợ chồng Phú. Điều đó đã khiến Phú tự tin hơn để vững vàng bước tới tương lai, dù phía trước không ít chông gai, trắc trở.
Sau khi cưới, hàng ngày Phú đi làm cơ khí, Thảo thì làm KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) cho cơ sở. Thu nhập của hai vợ chồng đủ trang trải chi tiêu trong gia đình và trả tiền thuê nhà. Niềm vui của hai vợ chồng trẻ được nhân lên khi Thảo sinh đứa con trai đầu lòng vào năm 2008, lúc này vợ chồng Phú được bố mẹ đón về nhà ở cùng.
Năm 2010, được dự án VNH thông qua Quỹ hỗ trợ người khuyết tật ủng hộ số tiền 17,5 triệu đồng, Phú lập nhóm Tự lực, mở xưởng cơ khí người khuyết tật Hoàng Phú, nhận 5 người khuyết tật vào làm. Hàng ngày, mỗi sáng thức dậy, Phú chở con đến trường, ghé chợ mua thức ăn cho vợ, vì Thảo không đi xe máy được. Ngoài việc quán xuyến sổ sách, Thảo lo nội trợ, chăm lo từng bữa ăn cho con và chồng.
Trước đây, cơ sở của Phú chỉ sản xuất kiềng máng đựng mủ cao su, nhưng vì cơ sở nhỏ, vốn liếng ít, không cạnh tranh nổi với thị trường, Phú chuyển sang gia công cửa sắt, cổng tường rào, mái vòm sắt. Những lúc hết việc, rảnh rỗi Phú lại làm lồng chim để bán. Có người đặt hàng xe lăn, Phú cũng làm luôn, nhưng chỉ lấy giá “hữu nghị”.
Có đôi bàn tay khéo léo, giỏi nhiều việc, lại chăm chỉ và biết tiết kiệm, vợ chồng Phú đã dành dụm được một số vốn kha khá cùng với số tiền Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng làm nhà tình thương, vợ chồng Phú xây dựng được căn nhà nhỏ những ấm cúng.
Có nhà rồi, vợ chồng Phú quyết tâm mở rộng xưởng của mình để có thể nhận thêm nhiều người khuyết tật nữa vào làm việc.
Hàng ngày, trong ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng nói cười của con trẻ!
DƯƠNG ĐỨC NHUẬN