Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Qua việc tổ chức và tham gia Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, mỗi người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết. Từ đó, đoàn kết hơn nữa, tạo nên sức mạnh chung để thực hiện tốt nhất các mục tiêu của khu dân cư, hướng đến xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.
Những ngày này, ở nhiều nơi, người dân nô nức chuẩn bị cho Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư. Mọi người phân công nhau chuẩn bị các tiết mục văn nghệ mang đậm truyền thống văn hóa của địa phương, khu dân cư; lên danh sách các món ăn đặc trưng của địa phương để tổ chức “bữa cơm đoàn kết”.
Dễ nhận thấy, những năm trở lại đây, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư được quan tâm hơn, diễn ra với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn, phù hợp với điều kiện, văn hóa của từng địa phương. Từ thành thị đến nông thôn, đến tận những ngôi làng khuất trong màn sương, nơi đâu, Ngày hội đại đoàn kết cũng thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân; thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
|
Năm nay, từ ngày 31/10, các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh bắt đầu tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Mỗi nơi có một cách tổ chức khác nhau. Đơn cử như thôn Nông Nội (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) sẽ tổ chức ngày hội gắn với phục dựng lễ hội Cha Ran; các xã Sa Sơn, Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) tổ chức ngày hội liên xã. Song, nơi nào cũng hướng đến một ngày hội ấm cúng, đơn giản, phát huy bản sắc văn hóa và thắm tình đoàn kết giữa những người dân với nhau trong khu dân cư.
Ngày hội là dịp để mỗi người dân gặp gỡ, chia sẻ tình thân ái, thắt chặt hơn nữa tình làng nghĩa xóm. Ở đây, mỗi người được lắng nghe, nhìn lại những kết quả khu dân cư đã thực hiện được trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, nhìn nhận lại những hạn chế cần khắc phục, những việc chưa làm được; phát huy dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến, tinh thần sáng tạo, động viên, đồng tâm hiệp lực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Việc tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do khu dân cư phát động đã tạo được làn sóng mạnh mẽ, thúc đẩy ý chí, khơi dậy tiềm năng, nội lực của mỗi cá nhân, mỗi gia đình để thêm gắn kết, cùng thực hiện nhiệm vụ chung. Nhiều khu dân cư còn tổ chức các hoạt động thiết thực như trao nhà đại đoàn kết, tặng quà gia đình nghèo, gia đình chính sách, tạo sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Trong không gian đầm ấm, lãnh đạo các cấp được gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của người dân trong việc đoàn kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó thêm gần dân, hiểu dân, thắt chặt mối quan hệ với nhân dân, có những hoạt động kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khu dân cư phát huy tinh thần đoàn kết, đạt được những thành tựu trong đời sống.
Trong không gian ngày hội, người Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai… vui với tiếng cồng chiêng âm vang, nhịp nhàng theo điệu múa xoang; người Thái, Tày, Nùng... tổ chức ném còn, múa sạp, đàn tính; người Kinh nhẹ nhàng, uyển chuyển trong những bài nhạc dân ca với áo dài, áo quan họ, áo bà ba truyền thống. Sau cùng, tất cả cùng quây quần nhau trong “bữa cơm đại đoàn kết”.
Ngày hội đại đoàn kết với các hoạt động đơn giản, ý nghĩa đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua đó, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Và ngày hội thực sự ý nghĩa khi mỗi người dân phát huy tinh thần đoàn kết, tạo nên sức mạnh chung, khơi dậy động lực mạnh mẽ để thực hiện tốt nhất các mục tiêu của khu dân cư, hướng đến xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Hoài Tiến