Do ai?
Vừa qua, trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã đi kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hôm đó, theo lịch, chúng tôi cùng một đoàn kiểm tra liên ngành đi hơn 100km đến kiểm tra tại một đơn vị trên địa bàn huyện Kon Plông. Trong quá trình đi, đinh ninh rằng công ty sắp kiểm tra có máy móc hoạt động bình thường, có công nhân lao động nên các thành viên vạch ra các câu hỏi, nội dung kiểm tra thực tế tại phân xưởng cho đến quản lý hồ sơ, sổ sách…
Tuy nhiên, khi đến nơi, cả đoàn mới “ngã ngửa” khi biết công ty này là chủ đầu tư, các nhà thầu nhận thầu các hạng mục công trình. Cả công ty chỉ có 8 nhân viên và 75 người lao động của các nhà thầu. Vì không có sự liên hệ trước với các đơn vị thầu nên buổi kiểm tra không đạt hiệu quả; đoàn chưa kiểm tra được tình hình thực hiện phòng hộ cho công nhân; chưa kiểm tra được độ an toàn của các thiết bị vì máy móc chưa được đưa vào vận hành.
Cũng trong ngày hôm đó, đoàn nhận được thông báo việc kiểm tra tại một công ty khác trên địa bàn xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi bị hoãn lại vì lí do công ty này đã ngưng hoạt động cả năm nay.
Cách vài hôm sau, một đoàn kiểm tra liên ngành khác cũng đến kiểm tra tình hình thực hiện an toàn vệ sinh lao động tại một công ty khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn thành phố Kon Tum. Các thành viên có mặt đầy đủ, đi rất đúng giờ nhưng khi đến nơi mới hay 2 năm nay công ty hầu như không có công nhân lao động, chỉ hoạt động về mặt hành chính. Tiếp tục không kiểm tra được, cả đoàn lại… về.
Sau 3 trường hợp, 1 câu hỏi đặt ra, tại sao các công ty, đơn vị đã ngưng hoạt động với một khoảng thời gian khá lâu nhưng cơ quan quản lý không biết?
Sự việc xảy ra, người thì cho rằng lỗi do các cơ quan quản lý chưa nắm chắc danh sách các đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh dẫn đến việc tham mưu, đề xuất đơn vị không phù hợp; người lại cho rằng lỗi của đoàn liên ngành không tìm hiểu kĩ thông tin về công ty, đơn vị trước khi đến kiểm tra… Bên này bảo rằng lỗi do bên kia và ngược lại.
Vậy đấy, lỗi do ai thì chưa rõ nhưng một điều chắc chắn là việc kiểm tra không hiệu quả vừa gây mất thời gian, vừa tốn công, tốn sức, tốn chi phí đi lại.
Một lần nữa, trong đợt tiếp xúc cử tri, có rất nhiều cử tri phản ánh về việc kê khai thuế đất nông nghiệp nhiều phiền hà, lắm rối rắm. Trước phản ánh của cử tri, đại diện lãnh đạo Chi cục Thuế thành phố Kon Tum trả lời rằng, vì Phòng Tài nguyên và Môi trường không cung cấp được hộ cá nhân kinh doanh, hộ sử dụng đất nên Chi cục Thuế phải dựa vào sổ mục kê để cung cấp thông báo kê khai; hơn thế, trước đây Phòng Tài nguyên và Môi trường cung cấp đất cho các hộ sử dụng nhưng không phối hợp với cơ quan thuế nên cơ quan thuế không nắm được các số liệu, thông tin chính xác, dẫn đến tình trạng sai sót, tồn tại.
Câu trả lời khá rõ ràng nhưng nhiều cử tri lại ý kiến rằng, tại sao khi thấy sự thiếu phối hợp, các cơ quan không có biện pháp xử lý, bây giờ lại gây phiền hà cho dân?
Nhìn nhận các vấn đề, dù do đơn vị nào, cơ quan nào thì cũng từ nguyên nhân: quản lý, làm việc chưa chặt chẽ. Chính điều đó, dẫn đến nhiều sai sót, gây rắc rối trong việc giải quyết các công việc. Và cũng chính việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng, khi các sự việc xảy ra, “quả bóng trách nhiệm” lại được chuyền qua chân; ngành này đổ lỗi do ngành kia, cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới...
Mỗi một cơ quan có một chức năng, nhiệm vụ nhất định, nếu như mỗi cơ quan, đơn vị làm đúng, đủ, tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, thắt chặt công tác quản lý thì những sai sót, những sự việc không hay có lẽ ít có cơ hội để xảy ra.
Thiết nghĩ các cơ quan liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động, để tránh tình trạng xuất hiện các điệp khúc đổ lỗi quen thuộc.
Bình An