Điều ước mùa Xuân
Khi những nụ hoa bắt đầu chúm chím như gọi mời, khi tiếng chim lảnh lót như vang xa hơn mọi ngày, khi nắng bắt đầu hưng hửng, bầu trời trong và xanh hơn thì đó là lúc ta biết rằng Xuân đã về. Thường thì ai nấy đều rộn ràng đón Xuân bởi mùa Xuân là mùa hy vọng, là mùa đẹp nhất trong năm, là mùa khởi đầu của một năm mới.
Vậy mà mấy năm trở lại đây, xen lẫn với niềm chộn rộn đón chào năm mới Xuân sang thì tôi lại có cảm giác sợ Tết đến, Xuân về. Ấy là khi tôi nghĩ về mẹ!
Bởi bước sang năm mới nghĩa là mẹ thêm một tuổi, tóc thêm nhiều sợi bạc, gương mặt hằn thêm nhiều vết nhăn theo thời gian. Lòng chợt rưng rưng khi nghe ai đó cất tiếng hát: “Mỗi mùa Xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa Xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần”.
|
Vẫn biết rằng sinh - lão - bệnh - tử là quy luật đời người, song nếu nghĩ về mẹ thì tôi chỉ ước mong sao mẹ luôn mạnh khỏe để ở bên con cháu mỗi ngày. Nếu một ngày nào đó không còn mẹ? Nghĩ vậy nên nhẩm đếm tuổi khi tết đến, Xuân về tôi chợt giật mình thảng thốt.
Đúng là càng lớn tuổi, con người ta càng sâu sắc với mọi thứ trong cuộc đời. Ngay cả việc đơn giản nhất là hoài niệm về tết. Nếu thuở bé thì tết là niềm vui được mặc quần áo mới, được ăn nhiều món ngon, miệng ngập bánh kẹo. Lớn thêm tí nữa thì tết là những ngày thoải mái vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Lúc ấy niềm vui ngày tết chỉ là niềm vui rất hồn nhiên, vô tư. Còn bây giờ khi đã bước vào tuổi trung niên thì tết là lúc mong ước được trở về với mẹ dài ngày, chỉ để ngồi bên mẹ, ăn những món ăn quê, nghe đi nghe lại những câu chuyện thời xửa thời xưa của mẹ.
Vẫn là mấy món ăn quen thuộc của ngày tết như dưa món, chả ram, chả lụa, thịt thưng, canh măng, bò bắp ngâm dấm nhưng dưới bàn tay mẹ nó bỗng trở nên thơm ngon nhất, đậm đà nhất và nhớ lâu nhất. Có lẽ bởi món ăn của mẹ luôn đong đầy thứ “gia vị” đặc biệt, đó là tình yêu thương. Và tôi nghĩ, chính tình yêu thương ấy đã làm nên hương vị tết đặc biệt trong mỗi gia đình.
Dù tết bây giờ gọn nhẹ, đơn giản hơn xưa rất nhiều, chỉ cần ra chợ, vào siêu thị hoặc nhấc điện thoại alo là có người mang đến tận nhà đầy đủ không thiếu thứ gì. Vậy mà năm nào mẹ cũng lục đục phải có món này, món kia cho con cháu. Ví như thằng Hai ăn chay thì mẹ làm riêng một hũ dưa kiệu muối chay, con Ba mê tơi món bò bắp ngâm xì dầu thể nào mẹ cũng dành riêng cho cả một hũ to; rồi bò khô, gà khô thì phải làm thật nhiều vì là món sở trường của mấy đứa cháu.
Không biết vì thói quen hay vì mẹ muốn con cháu tập trung đông vui mà năm nào mẹ cũng chọn mua nếp, đậu xanh, thịt heo, lá chuối, dây lạt để gói bánh tét. Mẹ bảo có cái nồi bánh tét mấy đứa cháu mới có cớ tụ tập vừa trông chừng bánh vừa trò chuyện rỉ rả suốt đêm. Cháu chắt cả năm đứa đi học, đứa đi làm xa suốt ngày bên sách vở, điện thoại, máy tính; giờ là dịp chúng tạm buông những thứ ấy mà ngồi với nhau một hôm trong ánh lửa bập bùng, trong mùi thơm lừng của bánh và cả thoang thoảng hương đêm quê nhà.
Tết bây giờ dù mọi thứ đơn giản hơn xưa hoặc theo thời gian có tập tục không còn nữa nhưng có một thứ không bao giờ đơn giản, không bao giờ mất đi. Đó là sự chờ đợi, ngóng trông các con trở về của mẹ. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, dẫu bận rộn ngược xuôi giữa dòng đời, ta vẫn cố gắng tranh thủ sớm trở về với mẹ mỗi mùa tết đến để niềm vui của mẹ đong đầy, trọn vẹn trong những ngày đầu Xuân năm mới.
Đi giữa những ngày mùa Xuân rực rỡ, là mùa vạn vật đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái, là mùa căng đầy sự sống, của ước mơ khát vọng. Và tôi ước mùa Xuân sẽ mãi mãi được ở bên mẹ.
Hạnh Phước