Đi qua mưa bão
Đi qua mỗi mùa mưa bão, chỉ biết dặn lòng cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Chỉ biết nhắc nhau trồng cây gây rừng để thiên nhiên bớt đi cuồng nộ. Và con cũng chỉ biết thầm mong bão ơi nhẹ bớt để những giọt mồ hôi nhọc nhằn hòa cùng với nước mưa lũ vơi bớt trên chiếc áo bạc màu của mẹ cha, của người dân quê mình...
Con gọi điện cho mẹ. Mẹ thở dài, lại một mùa mưa bão. Già cả rồi cha mẹ chẳng thể leo lên mái. Bão đi qua, hàng xóm láng giềng giúp kiểm tra lại mấy chỗ dột, đảo lại mấy viên ngói. Giờ vẫn còn mưa, cha đang lội mưa lội gió đi kiểm tra cửa ngõ, cây cối quanh nhà. Mẹ thì lo chuẩn bị mấy món đồ ăn khô để dành, chứ sau bão là mưa, quê mình hay lụt lớn... Tiếng thầm thì của mẹ bỗng nghèn nghẹn, hòa trong tiếng gió, tiếng mưa…
Rồi mẹ thủ thỉ kể chuyện mưa bão quê mình. Nhà mình còn đỡ, chứ nhiều nhà thương lắm. Nhà cô An mẹ góa con côi ở cuối xóm đó, bao năm vất vả lo miếng ăn qua ngày nên chưa làm được nhà kiên cố, cơn bão đi qua, căn nhà tạm bị tốc mái. Nhà chú Minh gần nhà mình, thuê đám đất sau sũng đào ao thả cá, trồng chuối, mưa to gió lớn, chuối đổ ngã, ao cá vỡ đê bao, mất nhiều lắm con à…
|
Nào đâu mỗi nhà chú Minh, cô An, cả mấy hôm rồi, người dân quê mình đâu được ngon giấc. Nghe tin bão, bà con nơm nớp lo chằng chống nhà cửa, mua sắm đồ ăn thức uống, lo củi lửa, đèn dầu… Quê mình không phải là tâm bão mà gió cũng giật mạnh, mưa xối xả. Ai nấy chỉ biết thầm mong bão ơi nhẹ bớt, mưa ơi ngừng rơi cho bao cảnh nhà, cảnh người bớt khổ. Bão đi qua, cây cối ngã đổ, nhà cửa tốc mái. Xóm làng cùng nhau giằng lại mái nhà, buộc lại cánh cửa, níu lại những bức tường đã lung lay theo thời gian, vội vàng miếng cơm sống miếng cơm khê ra đồng vớt vát ít lúa, ít rau đang chực chờ ngập úng…
Con đi làm xa. Mỗi năm đến tháng chín, tháng mười, nghe tin mưa bão, lòng lại ngổn ngang trăm mối. Cứ nghĩ cảnh cha mẹ già đơn côi chống chọi với bão lụt. Cứ nghĩ đến bao người miền Trung quê mình và cả người dân Tây Nguyên nơi rừng sâu núi thẳm còn đang sống tần tảo với bão mưa. Đất núi đồi no nước theo những cơn mưa xối xả. Nhìn ánh mắt thất thần của cụ già bên ngôi nhà tạm bị tốc mái, nhìn những đôi chân của các em nhỏ ngập sâu trong bùn đất quánh đặc, nhìn những ruộng rẫy bị bồi lấp, cuốn trôi, ngập úng, nhìn những con đường bị ngập sâu, bị sạt lở… mà lòng rưng rưng.
Người dân vùng sâu, vùng xa nơi con ở còn lắm khó khăn. Chân lấm. Tay lấm. Kế sinh nhai trông chờ cả vào rẫy mì, vào đám lúa, đám cà phê, vào con bò, ao cá... Hết cuốc xới, trồng cây, lại đến nhổ cỏ, bón phân; hết chăn dắt lại lo bò, lo cá nhiễm bệnh… Ngày ngày ngóng đợi đến kỳ thu quả ngọt, vậy mà cơn cuồng nộ của thiên nhiên phút chốc khiến họ trắng tay. Thất thần khi sinh kế bị mất, nguy cơ tái nghèo hiển hiện. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, những ánh mắt vời vợi lo toan…
Càng nghĩ con càng thương mẹ cha, thương người dân quê mình, thương người dân nơi con đang sống. Thương cái dáng gầy gầy của những người đàn ông như cha, sùm sụp trong chiếc áo mưa, tay chân thoăn thoắt chằng chống nhà cửa. Thương cái tần tảo của những người phụ nữ như mẹ chẳng nề hà gió mưa, nước ngập, ráng vớt vát mớ rau, hạt lúa cho bữa cơm của cà nhà thêm ấm. Con thương cả tiếng thầm thì của mẹ thỉnh thoảng đứt đoạn, hòa trong tiếng gió, tiếng mưa.Thương những tháng ngày phải vật lộn, đau thương vì bão lũ. Thương cả đức kiên cường, cả niềm lạc quan, hy vọng. Thương những ngày biết bao nhà ngủ không ngon giấc, cơm ăn không trọn bữa, lòng như lửa đốt, nơm nớp dõi theo hướng đi của bão, dõi theo những cơn gió rít liên hồi qua mái nhà, dõi theo mực nước đang ngấp nghé sau vườn...
Cơn bão đi qua, biết bao lo toan, mất mát ở lại. Nhìn những con số thống kê thiệt hại nhà cửa, ruộng đồng, hoa màu, đường sá… ngày càng dày thêm mà xót xa. Đúng là con người mình quá bé nhỏ trước thiên nhiên mẹ à. Đi qua mỗi mùa mưa bão, chỉ biết dặn lòng cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Chỉ biết nhắc nhau trồng cây gây rừng để thiên nhiên bớt đi cuồng nộ. Và con cũng chỉ biết thầm mong bão ơi nhẹ bớt để những giọt mồ hôi nhọc nhằn hòa cùng với nước mưa lũ vơi bớt trên chiếc áo bạc màu của mẹ cha, của người dân quê mình, của người dân vùng sâu núi thẳm con đang sống mà thôi.
NGUYÊN PHÚC