Đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và cộng đồng
Nhiều ngày qua, nước ta không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Nhưng không có ca mắc mới không có nghĩa là dịch bệnh chấm dứt. Trong khi một số nơi như ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn thực hiện tốt việc bắt buộc bệnh nhân, thân nhân người bệnh khi vào bệnh viện khám chữa bệnh, thăm người bệnh phải đeo khẩu trang thì nhiều nơi công cộng khác còn không ít người vẫn chủ quan, thờ ơ không đeo khẩu trang.
Dịch bệnh Covid-19 dù đã được khống chế nhưng nguy cơ rất cao tái bùng phát trở lại nếu chúng ta không chủ động phòng chống. Thế nhưng, qua quan sát, tình trạng không đeo khẩu trang phòng dịch diễn ra ở nhiều địa điểm công cộng. Đặc biệt ở các khu vực chợ dân sinh, hầu như đại đa số người bán hàng không đeo khẩu trang trong quá trình chế biến thực phẩm, bán hàng. Có người thì có đeo nhưng lại đeo không đúng cách, kéo xuống cằm hoặc treo hờ hững bên tai…
Những người không đeo khẩu trang ở các nơi công cộng khi được hỏi thì lại đủ các lý do để biện minh. Người thì vội quá quên. Người thì đâu có ai bị mắc bệnh đâu mà phải đeo. Người thì chắc như đinh đóng cột là mình hoàn toàn khỏe mạnh, chẳng bị dịch bệnh gì, đeo làm gì vừa tốn khẩu trang vừa vướng víu khó chịu, khó thở…
Mỗi người một lý do biện minh cho việc không đeo khẩu trang nhưng điều mà chúng tôi nhận thấy là tâm lý chủ quan, cho rằng dịch bệnh đã được kiểm soát, không phải quá đề phòng. Điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và điều đó đồng nghĩa với việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều thách thức.
|
Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát diện rộng kể cả ở nước ta vẫn có thể xảy ra. Và điều đáng nói, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, virus Sars-Cov-2 phát tán mạnh vào mùa đông; hơn nữa vào mùa lạnh sức đề kháng của mỗi người cũng yếu hơn nên dịch bệnh Covid-19 sẽ càng có thể bùng phát mạnh hơn. Trong khi đó, số các ca mắc bệnh Covid-19 qua nhập cảnh vẫn không ngừng tăng. Dù nước ta đang triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh, các ca bệnh nhập cảnh đã được cách ly ngay từ đầu nhưng không vì thế mà chúng ta có thể chủ quan.
Cũng vì thế, mới đây, Bộ Y tế đã có thông điệp thực hiện 5K: “Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế” để giữ an toàn cho mỗi người trước đại dịch Covid-19, trong đó khẩu trang là nội dung được lựa chọn đầu tiên.
Ngày 28/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, không đeo khẩu trang nơi công cộng bị áp dụng mức xử phạt về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 12, quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (mức phạt tăng gấp 10 lần so với quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP trước đây. Như vậy, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch, có thể bị phạt tới 3 triệu đồng. Và ở thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, xử phát các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn có những diễn biến phức tạp, chiếc khẩu trang phải trở thành vật bất ly thân của mỗi người. Mỗi người cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng để không chỉ “tiền mất”, khỏi “tật mang”, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người thân và cộng đồng.
Phúc Nguyên