Để quy định không chỉ là... quy định
Đã có chế tài xử phạt nặng những trường hợp xả rác bừa bãi ra vỉa hè, đường phố, nhưng rồi, đây vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Làm thế nào để những chế tài ấy không chỉ nằm trên giấy, mà có hiệu quả răn đe thực sự, làm thay đổi thói quen khó bỏ của không ít người này?
Thùng một bên và... rác một bên
Nhà tôi nằm đầu 1 con hẻm nhỏ nhưng đông dân cư trên đường Duy Tân, nơi đầu hẻm có một gốc cây to, chiều chiều, các công nhân môi trường đô thị vẫn đẩy xe qua, cặm cụi gom rác. Và như một lẽ đương nhiên, đoạn vỉa hè có gốc cây to này bị biến thành nơi để cư dân trong hẻm "gửi tạm" những túi rác vào bất kỳ lúc nào họ muốn. Điều khiến tôi bất bình là thùng đựng rác được đặt ngay cạnh gốc cây.
Những gia đình sinh sống gần đó hiển nhiên phải hứng chịu mùi rác rất khó chịu và thường xuyên phải đóng kín mọi loại cửa. Đã có vài lần, tôi gõ cửa các nhà hàng xóm đề nghị họ không mang rác ra vứt ở vỉa hè nữa. “Anh chị hãy chờ đến giờ công nhân môi trường đi gom rác, từ 5 giờ chiều trở đi đấy, mới đem rác ra bỏ, chứ như thế này thì ô nhiễm lắm”- tôi đề nghị.
|
Nhưng ai cũng phủ nhận. Có người thậm chí còn nổi nóng vì bị tôi "đổ tiếng oan". Nhưng rác thì vẫn xuất hiện mỗi ngày, bất cứ khi nào, trong tình trạng “thùng một bên và rác một bên”.
Nhìn rộng ra, tình trạng này cũng khá phổ biến trên một số tuyến đường. Cùng cán bộ của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum, tôi thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ vào sáng chủ nhật trên đường Trần Văn Hai, Duy Tân, Đào Duy Từ, Trường Chinh…và thấy có rất nhiều nơi, túi nilon đựng rác chất đầy gốc cây, cột điện trước cổng nhà, kể cả khi có thùng rác ngay cạnh hay có biển báo cấm kèm theo quy định hình phạt đối với những người vi phạm.
Cụ thể, dọc đường Trần Văn Hai, mặc dù đã được đặt khá nhiều thùng, xe chứa rác, nhưng vẫn còn xuất hiện những bì rác được để bừa bãi, không đúng quy định. Đó là những bì rác thải sinh hoạt xanh, đỏ đủ màu, thậm chí là những món vật dụng bỏ đi trong gia đình như giường, tủ, ghế nệm... cũng được người dân khuân đến khu vực này để tập kết.
Tình trạng vứt rác bừa bãi còn len lỏi vào từng con đường vùng ven thành phố, gây cản trở hoạt động tham gia giao thông và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Như ở khu vực ngã ba đường Bắc Kạn- Bùi Đạt (thuộc địa bàn thôn Kon Tum Kơ Pơng, phường Thắng Lợi), mặc dù có biển cấm, nhưng hàng ngày hàng chục bì rác vẫn xuất hiện dưới chân biển.
Để quy định không chỉ là... quy định
Trở lại chuyện con hẻm gần nhà. Mấy lần “mật phục”, tôi đã “bắt quả tang” những người vứt rác ra đường. Một chị phụ nữ bịt kín khẩu trang, chạy xe máy từ trong hẻm ra, vẫn ngồi trên xe, quăng bì rác trong tay cái vèo xuống chân thùng rác rồi rồ ga định đi. Tôi níu lại hỏi: Chị không thấy ở đây có thùng rác hay sao mà lại vứt bì rác lăn lóc dưới vỉa hè như thế? Người phụ nữ nói: "Xe rác đến thu gom bây giờ mà". Người thứ 2 là một thanh niên, vẫn câu hỏi ấy, cậu ta phân bua: "Tại em thấy rác đều vứt ngoài thùng mà".
Không một ai nói từ xin lỗi, bởi họ không coi việc ném bì rác ra vỉa hè lúc nào thấy tiện nhất là hành vi có lỗi.
Và như đã nói ở trên, hành vi này không chỉ tồn tại ở con hẻm gần nhà tôi. Bởi vì đằng nào cũng sẽ có xe rác tới, đằng nào cũng sẽ có một người công nhân vệ sinh xuất hiện và cặm cụi dọn rác, nên vứt như thế có hại gì đâu? Nhiều người nghĩ như vậy.
Những đống rác tập kết tự phát trên đường phố ruồi nhặng bâu đầy, được chó, chuột cắn xé, rồi cả những người đi lục tìm phế liệu lật tung lên, rác bẩn bắn ra ngoài, trở thành môi trường lý tưởng để vi trùng, các mầm bệnh sản sinh và phát tán. Và cái giá phải trả cho một thói quen tưởng như vô hại là sự ô nhiễm, là sức khỏe của cả cộng đồng bị đe dọa.
Với những người chịu trách nhiệm “làm sạch phố phường” như ông Nguyễn Đình Chương- Giám đốc công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum và các cộng sự, câu hỏi làm thế nào để từng bước hạn chế và xử lý hiệu quả thói quen xấu xả rác bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người dân luôn đau đáu trong lòng. Bởi theo ông, khi một bì rác bị quẳng ra đường là môi trường đô thị thêm ô nhiễm, công nhân môi trường thêm phần nhọc nhằn.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó có tăng mức phạt đối với các trường hợp xả rác bừa bãi. Chúng tôi hy vọng, với mức phạt cao sẽ đủ sức răn đe, ngăn chặn có hiệu quả việc xả rác bừa bãi- ông Nguyễn Đình Chương bày tỏ.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chế tài đối với các hành vi này được đưa ra. Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 179 /2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó cũng quy định rõ mức xử phạt các trường hợp vi phạm. Nhưng sau 3 năm thực hiện, chưa ghi nhận được thông tin nào về việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Vì vậy, để quy định mới về xử phạt hành vi xả rác bừa bãi không chỉ là quy định, mà đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh chế tài nghiêm khắc, nên “đánh” vào ý thức của người dân, vì đó là hành vi xuất phát từ ý thức, vì nếu chỉ ra quyết định phạt, nộp tiền là xong, thì sẽ nảy sinh tâm lý “nhờn luật”.
Chính phủ đã thể hiện sự cương quyết trong xử lý hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường– thông qua Nghị định 155. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để người dân ai cũng thấy rằng không vứt rác ra đường, tức là đang góp phần bảo vệ sức khoẻ của xã hội và sức khoẻ của chính mình. Ngoài những đợt ra quân, những chế tài xử lý, thiết nghĩ, những hoạt động giáo dục làm thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi là quan trọng hơn cả- Giám đốc Chương kiến nghị.
Thành Hưng