Để không còn nỗi đau tai nạn bom mìn
Chiến tranh đã đi qua non nửa thế kỷ, nhưng những đau thương, mất mát do mìn còn sót lại gây ra vẫn chưa dứt, vấn đề bom mìn hậu chiến tranh vẫn còn nhiều điều phải trăn trở.
Từ năm 2005, ngày 4/4 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống bom, mìn, hay còn gọi là Ngày quốc tế nâng cao nhận thức về bom, mìn. Đây là dịp đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức trong phòng tránh bom, mìn, tích cực xử lý bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bom mìn.
Có một sự trùng hợp không vui là khi chúng ta khi đang triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4/4/2023) thì ngày 25/3, tại làng Kon Đao Yốp (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) đã xảy ra vụ tai nạn nổ đầu đạn thương tâm khiến 5 người trở thành nạn nhân của bom mìn, vật liệu nổ. Trong đó, có 3 người đã tử vong, 2 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Vụ việc một lần nữa cho thấy bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh thực sự là mối nguy hiểm, đe dọa sự sống của con người và ảnh hưởng tới cả an ninh trật tự, sự bình yên của những vùng quê.
|
Việt Nam là một trong số những nước có tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề, trong đó, Kon Tum được đánh giá là một trong những địa phương có lượng bom, mìn sót lại sau chiến tranh khá lớn. Theo thông tin công bố tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động giáo dục phòng tránh nguy cơ bom mìn, vật nổ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức tháng 12/2022 thì Kon Tum là một trong 19 tỉnh, thành trong cả nước có 100% xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ.
Vì vậy, suốt nhiều năm qua, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh nói chung, trong đó, có khắc phục hậu quả bom mìn luôn được tỉnh ta quan tâm, dành nhiều nguồn lực để làm sạch đất đai, xoa dịu nỗi đau do bom mìn gây ra. Đặc biệt, các lực lượng vũ trang tỉnh đã nỗ lực dò tìm và tháo gỡ nhiều loại bom mìn, vật liệu nổ, từng bước “hồi sinh” các vùng đất “chết” do bị ô nhiễm bom mìn để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kiến thiết, xây dựng.
Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả khả quan trong việc làm sạch bom mìn, nhưng trên thực tế, những tàn tích của chiến tranh vẫn còn sót lại ở nhiều nơi, luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại có thể gây nổ bất cứ lúc nào, đe dọa tới sự an toàn tính mạng của người dân và làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích do bom mìn gây ra, nhưng nguyên nhân khiến chúng ta trăn trở đó là sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về phòng chống bom mìn, vật liệu nổ của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhiều người khi phát hiện bom, mìn thì tự ý tháo gỡ, mang về mà không ý thức được mức độ nguy hiểm và dự lường được hậu quả mà nó gây ra. Vì vậy, có những người vĩnh viễn mất đi mạng sống chỉ sau một tiếng nổ, người may mắn thoát chết thì cũng tàn phế, mang thương tật suốt đời.
Đau xót hơn là trong số những nạn nhân của bom mìn có không ít các trường hợp là trẻ em. Vì tính tò mò, hiếu động, vì chưa được giáo dục kiến thức phòng tránh bom, mìn, vật nổ hay sự bất cẩn của người lớn đã gây ra tai nạn đáng tiếc cho các em.
Nói đâu xa, ngay như trong vụ nổ đầu đạn tại tại làng Kon Đao Yốp (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) vừa qua, trong 5 nạn nhân có tới 3 nạn nhân là trẻ em.
Chính vì vậy, để giảm thiểu tai nạn do bom, mìn cho người dân và cộng đồng thì cùng với nỗ lực rà phá bom, mìn của các cơ quan, lực lượng chức năng thì việc nâng cao nhận thức, ý thức phòng tránh tai nạn bom, mìn, vật nổ do chiến tranh để lại cũng là giải pháp rất quan trọng. Trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục về mối nguy hiểm, trang bị kiến thức để người dân có khả năng tự nhận biết, ứng phó khi phát hiện, tiếp xúc với bom, mìn, vật liệu nổ, hạn chế tối đa những hành động tùy tiện. Từ đó, giúp mỗi người bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Thiên Hương