Đề án Văn hóa công vụ- góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Đây là quy định mang tính pháp lý, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước...
Từ trước đến nay, vấn đề văn hóa công sở luôn được xã hội quan tâm. Đâu đó trong công sở vẫn còn có những công chức có biểu hiện thiếu chuẩn mực, gây khó chịu cho đồng nghiệp, hoặc cho người dân đến liên hệ công việc.
Có những vụ việc, cán bộ, công chức giải quyết chưa thấu tình, đạt lý, hoặc hợp lý mà chưa hợp tình, nên không làm người dân hài lòng.
Ngay trong nội bộ một vài cơ quan, đơn vị đôi lúc cũng có vấn đề, rõ nhất là không tôn trọng hoặc xem nhẹ kết quả làm việc của đồng sự.
Và đặc biệt là còn có một số công chức hạn chế trong văn hoá giao tiếp, chào hỏi khi người dân đến liên hệ công việc. Ví như: “Có việc gì không?”, “Ði đâu đó?”, “Ðến có việc gì?”...
Cách chào hỏi, giao tiếp kể trên không những làm mất đi thiện cảm của công dân với cơ quan nhà nước, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng môi trường văn hoá công sở thân thiện, văn minh, lịch sự.
Với mục tiêu hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ..., Đề án quy định, cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với Nhà nước; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân; không chọn việc dễ, bỏ việc khó; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”...
Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.
Khi giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ...
Triển khai thực hiện tốt Đề án Văn hóa công vụ, sẽ góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ, công chức, viên chức; tạo niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với cơ quan nhà nước...
Thành Hưng