Đâu rồi lòng trắc ẩn, yêu thương?
Không lâu sau mùa tri ân thầy cô với hàng loạt câu chuyện đẹp về những người “gieo hạt” cho bao mầm xanh bén rễ tri thức, thì những cái tát dành cho học sinh hết từ Quảng Bình đến thủ đô Hà Nội như một nốt trầm của giáo dục những ngày cuối năm, khiến bao người chùng lòng và đặt ra câu hỏi về đạo đức nhà giáo.
Vụ cô giáo ở Quảng Bình chỉ đạo các bạn trong lớp tát 230 cái tát và cô là người tát cái tát cuối cùng, nâng tổng số lên 231 cái tát cho một học sinh lớp 6 chưa nguôi, thì lại đến cô giáo ở Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhưng ít hơn một chút… 50 cái tát cho một học sinh lớp 2!
Thông tin đăng tải, cũng lắm người cảm thấy băn khoăn. Cô giáo ở Quảng Bình đang bị dư luận và ngay chính những người đồng nghiệp của cô lên án vì làm méo mó đi hình ảnh của người thầy, người cô, không lẽ cô giáo ở Hà Nội không hề đọc báo, xem ti vi, không hề nghe các đồng nghiệp của mình lên tiếng như là một cách rút kinh nghiệm?
Vì áp lực thành tích, áp lực nghề nghiệp, áp lực cuộc sống, vì nóng nảy khiến các cô “cả giận mất khôn”, không làm chủ được bản thân, dùng vũ lực để uy hiếp với những em học sinh còn nhỏ, không đủ khả năng tự vệ?
Hay vì lớp học đông quá, vì có quá nhiều thành phần “con cưng”, thiếu đi sự quan tâm, uốn nắn của gia đình, đã vậy lại còn theo trào lưu chung nếu không nói tục, không quầy quậy một tí là không sành điệu nên khi đến lớp học thiếu đi sự tôn trọng giáo viên, bạn bè, nên cô giáo cũng khó mà nhẹ nhàng, mềm mỏng?
Nhưng nói gì thì nói, nhiều người cho rằng, những tiêu cực trong quan hệ thầy – trò hiện nay không phải vì đói cơm lạt muối như những ngày gian khó mà do lạt cái tình, do “sư” (thầy) nhưng chưa “phạm” (khuôn thước, mẫu mực).
Nên dù có biện minh như thế nào đi nữa, áp lực thành tích, học trò quậy phá, và cả những sâu xa riêng về hoàn cảnh đời tư của chính các cô giáo… thì cũng khó mà cảm thông với những hành động phi giáo dục và phản giáo dục lại xảy ra trong môi trường giáo dục!
Vì thầy cô phải luôn là tấm gương sáng để học trò học và làm theo. Thầy cô thiếu chuẩn mực, nổi nóng, hành xử bằng bạo lực cũng dễ khiến con trẻ chai lì và có suy nghĩ mọi chuyện đều được giải quyết bằng bạo lực.
Nhưng, câu chuyện có lẽ đã không dừng lại ở tát mấy trăm hay mấy chục cái, tát nặng hay tát nhẹ, tát khi có cô giáo hay không có cô giáo, rồi sau khi tát má bạn có đỏ không… như cô hiệu trưởng ở Quảng Bình phát phiếu điều tra cho học sinh.
Những cái tát cộng với hàng loạt lùm xùm của mối quan hệ thầy - trò xảy ra trong năm nay: cô giáo im lặng mấy tháng trời, cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, phụ huynh ăn thua với thầy cô chỉ vì… chiếc quần đùi, đã cho thấy có những lỗi nhận thức căn bản trong giáo dục.
Chẳng nói đâu xa, ngay trên địa bàn tỉnh cũng vậy, đã xảy ra những câu chuyện thiếu đi lòng trắc ẩn, yêu thương, lạt đi cái tình thầy – trò. Không đến mức vài chục, vài trăm cái tát phải nhập viện, không phải đến mức quỳ lạy…, nhưng cũng đã có cô giáo tát bôm bốp vào mặt trẻ, cô giáo đánh học trò tím bầm, hay nhè nhẹ hơn là những cư xử thiếu đi sự công minh, rồi mình là thầy, là cô thì có quyền nói những lời “có gang, có thép”…., gây ít nhiều hoang mang, thất vọng trong chính học sinh, phụ huynh và quần chúng nhân dân về hình ảnh người thầy, người cô.
Không để những câu chuyện buồn đến không thể buồn hơn xảy ra trong môi trường luôn lấy tiêu chí “trồng người” làm đầu, ngày 6/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi tới Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành chỉ đạo về việc đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Công văn một lần nữa cho thấy sự cấp thiết trong việc chấn chỉnh đạo đức nhà giáo mà nhiều người cho rằng đang có sự “xuống cấp”, “thoái trào” trong giai đoạn hiện nay.
“Thương cho roi, cho vọt”, câu nói của người xưa không dừng lại ở nghĩa đen roi vọt thông thường, mà sâu xa hơn mang ý nghĩa tinh thần - sự nghiêm khắc, chuẩn mực, nhân văn của người thầy, người cô, người cha, người mẹ. Vì suy cho cùng, giáo dục đâu chỉ là những bài học trong sách giáo khoa. Giáo dục bằng tình cảm chân thành, bằng yêu thương, bằng lòng trắc ẩn bao giờ cũng hơn những khẩu hiệu sáo rỗng và sự áp đặt từ ý chí của người lớn.
Thầy, cô! Vẫn biết “con sâu làm rầu nồi canh” và cũng không thể “vơ đũa cả nắm”, nhưng đừng để các em học sinh phải băn khoăn, phải đặt những câu hỏi cho ngay chính người thầy, người cô của mình: Đâu rồi lòng trắc ẩn, yêu thương? Đâu rồi tấm gương sáng cho chúng em học tập?
Liễu Hạnh