Đất ngập nước, người dân Kon Hra Chót khó canh tác
Nhiều năm nay, người dân tại làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) sống chủ yếu bằng nghề trồng rau. Năm nay, dù đã qua mùa mưa nhưng nhiều người vẫn “ngồi trên đống lửa” vì đợi mãi nước vẫn chưa rút để lấy đất sản xuất.
Tại làng Kon Hra Chót có khoảng 60 hộ dân sống bằng nghề trồng rau la ghim. Trong đó, có khoảng 15 hộ trồng tại khu dưới xoài (khu này bị trũng, hay úng nước - PV).
Theo lời người dân, trước đây, dù là khu vực trũng nhưng chỉ đến mùa mưa mới xảy ra tình trạng ngập úng, còn sang mùa khô, bà con có thể sản xuất, trồng rau bình thường.
“Khi chưa làm đường bao khu dân cư phía bắc, sau mùa mưa, đến khoảng tháng 10 dương lịch, khu dưới xoài nước sẽ rút hết, bà con liền trồng rau để bán. Từ khi làm đường bao, dù có 2 cống thoát nhưng cống nhỏ lại đặt chưa hợp lý nên nước không thoát nước kịp, gây úng không thể trồng rau được” – ông A Đưng - thôn phó làng Kon Hra Chót phản ánh.
|
Cả tháng nay, hộ gia đình ông A Zúp ở làng Kon Hra Chót ăn không ngon, ngủ không yên khi thấy gần 2 sào đất trồng rau vẫn trũng nước. “Khoảng 2 năm trở lại đây, khi làm đường bao, nước không thoát được nên đất nhà mình hay bị ngập úng. Đáng lẽ giờ này rau cải đã xanh tốt nhưng bây giờ vẫn chưa làm được. Cứ đà này phải mất hơn 1 tháng nữa mới hi vọng đất khô để làm” – ông Zúp nói.
Hộ A Huy cũng vậy, có 2 sào đất trồng rau nhưng vì đất đang trũng nên ông đành ngậm ngùi đợi đất ráo.
Trước phản ánh của cử tri, phóng viên Báo Kon Tum trao đổi với Ban Quản lý các dự án 98 - Chủ đầu tư tuyến dự án đường bao khu dân cư phía bắc.
Ông Võ Đại Tân - Trưởng bộ phận Quản lý dự án, Ban Quản lý các dự án 98 cho biết, dự án đường bao khu dân cư phía bắc triển khai theo đồ án quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình khảo sát, thiết kế, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã tính toán, bố trí các cống thoát nước ngang dọc tuyến một cách hợp lý, đặt tại vị trí thấp nhất, đảm bảo thoát lưu lượng nước toàn bộ khu vực từ phía trong ra ngoài và chảy ra sông Đăk Bla nhanh nhất. Vì vậy, chúng tôi khẳng định khẩu độ cống và các vị trí cống thoát nước ngang dọc tuyến đảm bảo thoát nước trong mùa mưa lũ.
|
Phạm vi cử tri phản ánh nêu trên thuộc đoạn đầu tuyến của dự án đường bao khu dân cư phía bắc (bên trái theo hướng từ đường Trần Phú về hướng cầu treo Kon Klor). Ngay từ khi khảo sát lập dự án, Ban quản lý đã xác định phần diện tích này đa số là vùng trũng, đầm lầy (có mạch nước ngầm), xen kẽ một số thửa có vị trí cao hơn.
Tại vị trí này trong dự án có bố trí cống thoát nước ngang đặt tại điểm thấp nhất và đã phát huy hiệu quả thoát nước trong mùa mưa lũ. Cụ thể, đoạn tuyến dự án này được thi công đắp đất từ năm 2014 và đảm bảo thoát nước qua 3 mùa mưa.
Mặc khác, qua kiểm tra thực tế, ngoài phạm vi đầm lầy trồng rau muống nước, một số vị trí (theo phía ruộng giáp nhà các hộ dân thuộc hẻm 555, tổ dân phố 2, phường Thống Nhất) xảy ra ứ đọng nước cục bộ xen kẽ những thửa đất cao khô ráo và bờ vùng, bờ thửa.
Nguyên nhân ứ đọng không phải do cống không thoát nước mà do thời tiết mùa mưa kéo dài, lưu lượng mưa nhiều hơn mọi năm dẫn đến việc rút nước chậm. Và đặc biệt, tại khu vực này, người dân chưa đào mương dẫn thoát nước ra đến vị trí cống.
“Từ việc kiểm tra thực tế, chúng tôi khẳng định phần diện tích ứ đọng nước cục bộ không phải do đầu tư dự án. Để giải quyết vấn đề này đề nghị các hộ dân tại khu vực tiến hành đào mương thoát nước để dẫn dòng chảy ra cống thoát nước phía ruộng trồng rau muống đã đầu tư” – ông Tân cho hay.
Hoài Tiến