“Đất có chủ quyền” bỗng chồng lấn đất rừng
Hơn 10 ha trong tổng gần 28ha đất trồng cây lâu năm tại thôn 14, xã Đăk Ruồng (thửa đất số 06, tờ bản đồ số 00, do UBND huyện Kon Rẫy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 22/10/2013) của gia đình ông Vũ Xuân Toản thường trú ở thôn 1, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà bỗng dưng chồng lấn lên đất rừng do UBND xã Đăk Ruồng quản lý. Mua đất nhưng không được trồng trọt, sản xuất khiến gia đình ông Toản lao đao.
Trong đơn thư phản ánh, ông Vũ Xuân Toản nêu rõ, tháng 10/2017, ông có nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Quốc Tài (địa chỉ 21/1 Trần Cao Vân, thành phố Kon Tum) diện tích đất 279.709,4m2 tại thôn 14, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng. Thửa đất này đã được UBND huyện Kon Rẫy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 22/10/2013.
Sau khi hoàn tất thủ tục sang nhượng đất, gia đình ông Toản tiến hành phát dọn, canh tác. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 12/2017, UBND xã Đăk Ruồng đã đề nghị gia đình tạm dừng các hoạt động sản xuất vì nghi ngờ diện tích đất của ông sở hữu chồng lấn lên diện tích rừng do xã quản lý. “Gia đình tôi vẫn thực hiện theo yêu cầu của xã nhưng rất bức xúc. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, toàn bộ diện tích có mục đích sử dụng để trồng cây lâu năm chứ không hề chồng lấn đất rừng” – ông Toản nói.
|
Trước thực trạng trên, ông Toản đã làm đơn gởi đến các cơ quan chức năng, trong đó có UBND xã Đăk Ruồng nhờ xác định lại ranh giới thửa đất. Sau khi nhận đơn, cuối tháng 3/2018, UBND xã Đăk Ruồng đã phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Kon Rẫy, Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện Kon Rẫy thực hiện đo đạc, xác định lại ranh giới đất sản xuất của gia đình và diện tích đất rừng do xã quản lý. Kết quả đo đạc cho thấy, hơn 10ha đất hiện gia đình ông Vũ Xuân Toản sở hữu chồng lấn lên đất rừng sản xuất do UBND xã Đăk Ruồng quản lý.
Ông Hoàng Minh Tuấn – Cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Kon Rẫy xác nhận: Theo đo đạc, tổng diện tích ông Toản đã phát dọn là 120.100m2, trong đó diện tích được cấp giấy chứng nhận là 279.709,4m2. Như vậy, thực tế hộ gia đình ông Toản còn thiếu 159.609,4m2 so với diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua việc lồng ghép giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với kết quả đo đạc và kết quả kiểm kê rừng năm 2014, xác định, trong tổng diện tích đất gia đình ông Toản còn thiếu, có khoảng hơn 10ha chồng lấn lên đất rừng và hiện ông Toản còn có thể sử dụng 48.139m2.
Sau khi có kết quả đo đạc chính thức từ phía đơn vị chức năng, đại diện UBND xã Đăk Ruồng đã có buổi làm việc cùng ông Vũ Xuân Toản và chủ sở hữu cũ của thửa đất là ông Nguyễn Quốc Tài. Tại buổi làm việc này, một lần nữa, lãnh đạo xã Đăk Ruồng đã xác nhận diện tích đất nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Vũ Xuân Toản chồng lấn lên đất rừng xã hiện đang quản lý.
Tại buổi họp, ông Đinh Ngọc Hải – Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng đề nghị ông Toản và chủ đất cũ là ông Nguyễn Quốc Tài thỏa thuận lại việc mua bán đất, tránh dẫn đến tranh chấp. Đồng thời yêu cầu gia đình ông Toản sử dụng đúng diện tích khoảng 12ha đã phát dọn và phần 4,8ha chưa phát không chồng lấn với đất rừng. Nghiêm cấm hộ gia đình xâm phạm vào đất rừng của xã quản lý. Đề nghị cán bộ địa chính hoàn thiện biên bản và cung cấp vị trí diện tích đất có thể sử dụng được để hộ gia đình tiếp tục sản xuất.
Cũng trong buổi họp, ông Vũ Xuân Toản và ông Nguyễn Quốc Tài đều ý kiến, đề nghị UBND xã làm rõ nguyên nhân vì sao gần 28ha đất trồng cây lâu năm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lại có đến hơn 10ha đất rừng. “Tôi mua đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đùng đùng bảo hơn 10ha đất chồng lấn với đất rừng, không được sản xuất, vậy bây giờ tôi phải đi đâu, làm như thế nào để có đủ số đất như trong giấy chứng nhận cấp?” – ông Toản hỏi.
Xung quanh vấn đề này, UBND xã Đăk Ruồng cho rằng không thuộc thẩm quyền của xã và không thể trả lời trong buổi làm việc.
Được biết, hiện tại, gia đình ông Vũ Xuân Toản đã sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp, vay vốn ngân hàng và nhập hàng nghìn cây giống các loại để kịp sản xuất trong vụ mùa 2018. “Nếu tình hình này kéo dài, không xuống giống kịp, cây giống chết. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có hướng giải quyết để gia đình tôi sớm đi vào sản xuất” – ông Toản lo lắng.
Bình An