Đất chuyển mình
Tôi sẽ khó có thể quên được nụ cười rạng rỡ của già A Nung khi nói về sự thay đổi của nhà mình, của làng mình bây giờ. Càng không thể quên được câu nói đầy tự hào của già: Làng mình ấy à, thay đổi nhiều rồi.
Tôi không chạy xe thẳng vào nhà già A Nung, mà dừng lại ở con dốc đầu làng ngắm nhìn những mái nhà lô xô quần tụ quanh nhà rông cao vút.
Buổi sáng, trời trong xanh và cao vời vợi. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe. Trong làng vắng vẻ. Giờ này hẳn là mọi người đã đi làm rẫy hết. Già A Nung không biết còn sức đi lên chốt sâm không.
Mới đó mà đã 5 năm.
Ngày ấy, trong chuyến công tác lên chốt sâm Ngọc Linh ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tôi dừng nghỉ chân tránh mưa ở nhà già A Nung. Trò chuyện một đêm, tôi đã thành người thân của gia đình.
Sáng hôm sau già A Nung và cháu nội là A Vơng trực tiếp dẫn đường cho tôi. Không chỉ nhiệt tình giúp đỡ tôi hoàn thành công việc mà còn cùng tôi rong ruổi nhiều nơi, thỏa mãn sự tò mò với đại ngàn và cây sâm quý.
Ngày ấy, tôi đã có được những tình cảm đẹp, hồn hậu và chân thành!
Vậy mà 5 năm trôi qua, tôi chưa một lần trở lại thăm già A Nung. Nghĩ lại mà áy náy.
Ngắm con đường chạy qua làng đã trải bê tông phẳng phiu mà tôi thấy xốn xang lạ. Trong chuyến đi trước, nó còn ngập trong bụi trắng, mảnh như sợi chỉ, quanh co theo sườn núi, xe máy chạy ì ạch. Xương cốt tôi như muốn rớt ra theo từng cung núi.
|
Hôm qua, khi tôi có ý định lên thăm, có gọi điện trước cho A Vơng, cháu trai của già A Nung, 5 năm trước làm cán bộ văn hóa xã. Gọi mà thắc thỏm không biết A Vơng còn ở làng không, còn giữ số điện thoại cũ không, còn lưu số điện thoại của mình không.
Ai dè, chuông mới đổ 2 hồi, đã nghe bên kia rổn rảng tiếng cười: “Lâu quá rồi anh mới gọi, tưởng quên em rồi chứ. Thỉnh thoảng ông nội vẫn nhắc đến anh”. Tôi mừng quýnh.
Nghe nói tôi sắp trở lại làng, A Vơng mừng lắm: Em sẽ thông báo ngay cho ông nội. À, mà anh còn nhớ đường về nhà em không đấy?
Nhớ chứ, sao quên được- tôi nói, mà lòng thêm áy náy.
Chao ôi. Ký ức về làng, về già A Nung! Nó đã và luôn đong đầy trong tôi. Tôi biết chắc là thế. Đôi khi, trong mê mải công việc, tôi lại nhớ đến đỉnh núi mờ sương; nhớ bếp lửa ấm áp trong nhà sàn; nhớ dáng ngồi vững chãi của già A Nung và tiếng cười phóng khoáng, hồn hậu của A Vơng.
Cho đến lúc yên vị bên bếp lửa nhà sàn rồi, tôi vẫn còn cười chưa khép miệng được. Bên trái tôi là già A Nung, bên phải tôi là A Vơng. Xung quanh là nhiều người khác. Câu chuyện lúc rì rầm, lúc ồn ào, phấn chấn.
Ly rượu truyền tay nhau, chạy vòng quanh bếp lửa. Rượu được ủ lâu năm, thơm lừng, sóng sánh như hổ phách, uống vào ngòn ngọt, sau thì nóng râm ran trong người.
A Vơng nói khẽ: Hôm nay anh về, ông nội mới cho uống hết ghè rượu đấy. Mọi khi, chỉ có việc, ông nội mới đem rượu ra thôi. Ông nói, uống nhiều rượu hư người.
Tôi ngạc nhiên nhìn A Vơng. Chuyện này có vẻ lạ. Hèn chi, nãy giờ tôi để ý, cái ly rượu xoay cả vòng mới hết; uống cả chục vòng rồi mà cái ghè rượu vẫn còn. Khác hẳn trước kia. Ly đến tay là cạn. Loáng cái nước nhạt, phải thay ghè khác.
Lần trước, ở lại nhà già A Nung mấy ngày là từng ấy đêm tôi “dự” những bữa rượu dài đằng đẵng. Mà không riêng gì nhà già, ở đây, đến mùa mưa, trời lạnh giá, nhà nhà đóng cửa… uống rượu. Chỉ cần trong nhà còn có cái để ăn, người già sẽ ở bên bếp lửa nhà mình uống rượu, thanh niên cũng tụ tập uống rượu.
A Vơng cười thích thú: Trước khác, nay khác. Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” như một luồng gió mát lành thổi tới, xua đi những hủ tục, những thói quen xấu ở làng. Ông nội ủng hộ lắm.
Việc đầu tiên là già A Nung “cấm uống rượu liên miên trong nhà, chỉ uống khi có việc, có khách, cũng không được uống nhiều”. Việc thứ hai là không tổ chức đám cưới, ma chay dài ngày, không cúng ma rừng, không mời thầy cúng khi đau ốm.
Ông nói “tao là già làng, thằng Vơng là cán bộ xã, phải gương mẫu đi trước thì bà con mới nghe”- A Vơng hào hứng kể.
Không chỉ vậy, già A Nung còn vận động người già giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; khuyên bảo người lớn bài bỏ hủ tục, tích cực làm ăn; dạy dỗ thanh thiếu niên không rượu chè, cờ bạc, không bỏ học, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục ăn bậy nói bạ.
Chưa kể, gia đình già còn là gương sáng cho dân làng noi theo trong phát triển kinh tế. Không chỉ tích cực trong áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới vào trồng lúa nước, chăn nuôi bò, già còn đi đầu trong liên kết với doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh. Bây giờ gia đình già đã có mấy ngàn gốc sâm Ngọc Linh từ 1-10 năm tuổi.
Và gần đây, già đang tích cực phối hợp với chính quyền xã vận động mọi người đóng góp, hỗ trợ các gia đình khó khăn xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Đó, như A Díp kia kìa- A Vơng chỉ người đàn ông gầy gò ngồi dựa lưng vào vách, nhà của A Díp đã dột nát lắm rồi, ai cũng lo không biết có qua được mùa mưa này hay không. Chính quyền xã hỗ trợ xi măng và tấm lợp, già A Nung vận động thanh niên giúp công sửa lại nhà, bây giờ đã vững chãi rồi, không lo mưa dột nữa.
À, A Díp, tôi nhớ rồi. Đó là một gia đình có đông con, A Díp lại bị tàn tật, ruộng đất ít, nên gia đình thuộc diện hộ nghèo. Lo ăn hàng ngày còn vất vả, nói chi đến sửa nhà.
Ly rượu cứ xoay quanh bếp, mỗi người chỉ nhấp một ít. Già A Nung bày tỏ băn khoăn, khi vẫn có gia đình làm ma mấy ngày liên; vẫn còn thanh thiếu niên hư hỏng, trộm cắp, lười làm, ham chơi.
Nhìn dáng ngồi vững chãi của ông, tôi muốn ôm lấy ông và nói rằng, dù còn có những hạn chế đấy, nhưng đất cũng đã chuyển mình rồi, già A Nung à. Đã nhìn thấy no ấm ở nhiều mái nhà. Và sẽ thấy no ấm ở tất cả các mái nhà thôi.
HỒNG LAM