Đạo hiếu không chỉ có ngày Vu lan
Lễ Vu lan là dịp để mọi người dành nhiều thời gian nghĩ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng đối với nhiều người, 365 ngày trong năm đều là ngày Vu lan, đều là dịp báo hiếu cha mẹ.
Tháng bảy âm lịch - mùa báo hiếu, tôi lại nghĩ ngay tới người mà tôi tiếp xúc hằng ngày- đó là cô bé đồng nghiệp, với tạng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhạy, tháo vát khó ai bì kịp. Điều tôi khâm phục ở cháu chính là lòng hiếu thảo với mẹ, những việc cháu làm cho mẹ, khiến tôi cũng phải ngẫm lại về bản thân mình.
Do mẹ cháu sống một mình, ba không còn, chị gái lại ở xa, dù đã có gia đình và ra ở riêng, nhưng lúc nào cháu cũng canh cánh lo cho mẹ.
Sáng nào cũng vậy, sau khi chở con đi học, cháu lại ghé về nhà mua bữa ăn sáng rồi cùng ăn với mẹ hoặc chở mẹ đi ăn, sau đó xem mẹ có cần giúp, hoặc ăn gì trong ngày không? Lúc nào cháu cũng mua thức ăn, sữa để sẵn cho mẹ. Những ngày sinh nhật, ngày phụ nữ, hay ngày lễ lớn cháu đều cố gắng tổ chức và tặng cho mẹ những món quà ý nghĩa, phù hợp với khả năng của mình. Biết mẹ sống một mình buồn, thỉnh thoảng cháu còn động viên mẹ đi cà phê hoặc tổ chức cho mẹ đi du lịch cùng với các hội bạn của mẹ cho khuây khỏa.
|
Tôi thấy với cháu 365 ngày trong năm đều là ngày Vu lan cả, bởi cháu quan tâm đến mẹ vì cái tâm của một người con luôn hết lòng hiếu kính với mẹ, chứ không như một số ít bạn trẻ bây giờ cứ lên mạng xã hội tự diễn, tự sướng vào những ngày tương tự thế này, và tưởng rằng mình đã quan tâm, hiếu thuận tới mẹ cha.
Chuẩn bị vào cấp III, gia đình bạn tôi gặp biến cố, cha bạn mất do tai nạn lao động, lao động chính trong nhà không còn, dưới bạn lại còn có 3 em nhỏ, vì vậy bạn phải nghỉ học, đi làm thêm kiếm tiền để phụ mẹ nuôi các em. Khi các em học hành ổn định, bạn tôi mới nghĩ tới bản thân, bắt đầu học lại bổ túc và nối lại ước mơ dang dở của mình là trở thành kỹ sư máy tính. Khi biết mình đã đậu đại học, xác định không tạo ra gánh nặng cho mẹ và các em, bạn vừa học, vừa tranh thủ làm để có tiền trang trải cho việc học và sinh hoạt hằng ngày.
Sau bao năm miệt mài, vất vả cuối cùng bạn tôi cũng cầm được tấm bằng cử nhân loại giỏi, và xin được việc ngay tại thành phố, muốn chứng minh năng lực của mình nên bạn dồn hết thời gian, công sức vào công việc, vì thế mà cũng không về thăm mẹ và các em thường xuyên được, nhưng bù lại tối nào bạn gọi điện thăm hỏi, quan tâm, động viên, mua những loại thuốc bổ tốt nhất về cho mẹ mình. Đến khi anh lập gia đình, để lo được cho vợ con có cuộc sống tốt, anh lại lao vào công việc như con thiêu thân, nên một năm anh chỉ về thăm mẹ vào ngày giỗ cha và ngày Tết.
Đến một ngày các em gọi điện, báo tin mẹ bệnh nặng, anh mới dứt khỏi công việc để thu xếp về, nhưng về chưa được bao lâu, mẹ anh đã trút hơi thở cuối cùng. Cảm giác đau đớn, mất mát bủa vây lấy anh. Lúc này bao nhiêu cái “giá như” không bù đắp được sự mất mát quá lớn này. Trong cuộc đời mỗi người, nỗi đau lớn nhất chính là khi cha mẹ mất đi. Và điều đau khổ lớn nhất chính là sẽ không bao giờ còn cơ hội để báo đáp được tình yêu thương đối với cha mẹ.
Hằng năm cứ đến lễ Vu lan, bạn tôi đều cùng gia đình nhỏ trở về thăm nhà, cùng với các em làm mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thành tâm cầu siêu cho họ được về cõi tịnh độ. Cùng với việc báo hiếu, anh không quên dạy dỗ các con mình phải luôn hiếu kính với tổ tiên, khắc ghi công ơn sinh thành, dưỡng dục đối với mẹ cha.
Vu lan về, với những ai may mắn còn cha mẹ thì tự nhắc nhở mình hãy cố gắng hết lòng hiếu kính, lễ phép, chăm sóc cha mẹ chu đáo. Thiết nghĩ, báo hiếu mẹ cha, tưởng nhớ tổ tiên không chỉ có ngày Vu lan mà cần dành cả cuộc đời. Vì thế, nếu có thể, hãy biến mọi ngày trong năm đều là ngày Vu lan báo hiếu. Bởi suy cho cùng, chúng ta chẳng thể sống mãi bên cạnh mẹ cha, hãy biết trân quý những phút giây quý giá khi còn có thể.
Gia Thịnh