Dân dã bún cá ngừ
Trong “gia đình” bún cá, thì tôi “nghiện” nhất là bún cá ngừ. Một món ăn dân dã, dễ nấu, tuy có hơi lạ với người ở 2 miền Nam- Bắc, nhưng lại rất quen thuộc, mang đậm hương vị quê hương của miền Trung nắng gió.
Hôm rồi, trên đường đi làm về, tôi tình cờ gặp một chị đồng hương. Chị em ríu rít trò chuyện, chợt chị rủ: “Hôm nào mua được cá ngừ tươi hoặc có người nhà ở dưới quê gửi lên, chị sẽ gọi sang nhà nấu món bún cá ngừ nhé!”. Chỉ vậy thôi mà đã dội lên trong ký ức nồi bún cá ngừ đang bốc khói, với miếng cá mềm ngọt, quyện với vị chua chua, cay cay của cà chua, thơm, ớt trái, rau thơm.
Rồi chợt thấy ruột cồn cào đói!
Có lẽ, với nhiều người, món ăn này không có gì hấp dẫn, bởi cá ngừ chẳng phải đặc sản gì. Ngay cả, ở “phố núi” Kon Tum này, muốn ăn cá ngừ, chỉ cần ra chợ, tìm đến các hàng cá biển gần như đều có bán, tất nhiên không phải lúc nào cũng được tươi ngon như ở chợ quê.
Mà lạ nhen, người ta có thể sử dụng cá thu, cá cờ, cá bớp để nấu bún và đều cho vị thơm, ngon, nhưng yêu thích nhất với người miền Trung vẫn là món bún cá ngừ. Có lần tôi thắc mắc điều này, các bà, các cô ở quê giải thích là, có lẽ vì khi nấu ngọt để ăn bún, thịt cá ngừ chắc hơn, cho vị thơm, ngon đặc trưng hơn.
Không biết có phải được thiên nhiên ưu đãi hay không, mà cá ngừ ở vùng biển quê tôi rất nhiều. Sáng nào, cá ngừ cũng được chở từ biển lên chợ quê rất sớm. Cá đựng trong những chiếc mẹt đan bằng tre, con nào con nấy tươi roi rói, con mắt còn óng ánh xanh. Người ở quê cũng chẳng phải đắn đo mấy khi chọn mua cá ngừ, vì giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng đã mua được con cá ngừ to hơn bắp tay người lớn. Có hôm “được cá”, đi quanh chợ đâu đâu cũng thấy cá ngừ, bán với giá rất rẻ.
|
Cá ngừ được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau, như cá ngừ kho, cá ngừ hấp hoặc nướng cuốn bánh tráng, trong đó cá ngừ nấu ngọt ăn với bún thì phải nói là thơm, ngon hết sảy.
Mùa lạnh, có nồi cá ngừ kho mẳn mẳn, cay cay, ăn với cơm thì không gì ngon bằng. Nhà có khách, các gia đình thường mua cá ngừ về cắt lát mỏng, rửa sạch, ướp ít nước mắm pha với ớt bột rồi nướng cuốn bánh tráng kèm rau sống.
Nhưng món quen thuộc nhất, và bây giờ còn trở thành “đặc sản” với người miền Trung, vẫn là cá ngừ kho ngọt ăn kèm với bún. Một món ăn dân dã, dễ nấu, tuy có hơi lạ với người ở 2 miền Nam- Bắc, nhưng lại rất quen thuộc, mang đậm hương vị quê hương của miền Trung nắng gió.
Đây cũng là một trong những món ăn mà tôi “nghiện” nhất!
Cách làm món ăn này khá đơn giản. Nguyên liệu để nấu món ăn gồm cá ngừ, nước dừa, thơm, cà chua, ớt, hành ngò. Cá mua về, cắt lát, rửa sạch, ướp gia vị cho thấm rồi chiên cho cá hơi vàng thì vớt ra đĩa. Cà chua, thơm xắt miếng nhỏ rồi cho vào chảo dầu nóng xào chín, nêm thêm ít gia vị vừa ăn, sau đó cho cá ngừ đã chiên và nước dừa vào đun sôi. Công đoạn này để lửa liu riu cho cá thấm gia vị rồi tắt bếp, xắt rau thơm, thêm vài lát ớt vào rồi chan bún tươi dùng nóng. Vị cá mẳn mẳn thơm ngon, thịt cá dai dai, quyện với vị chua chua, ngọt ngọt của cà chua, thơm và vị cay cay, thơm thơm của ớt, của hành ngò, ăn tới đâu, thấm tới đó.
Tôi chẳng biết món bún cá ngừ có từ khi nào. Chỉ nhớ là, từ hồi còn nhỏ, khi gia đình còn khó khăn, lâu lâu nhà có việc gì vui là mấy chị em tôi được má nấu cho nồi bún cá ngừ ăn thay cơm. Còn món cá ngừ kho thì gần như một tuần cũng “có mặt” đến ba, bốn lần trong mâm cơm.
Sau này lớn lên, đi học, đi làm xa nhà, lại thấy thèm món cá ngừ kho, bún cá ngừ quá đỗi. Mỗi lần về quê, biết tôi thèm món ăn này nên má thường nấu; rồi còn kho sẵn một ít để đem theo ăn dần.
Bây giờ, hình ảnh nồi cá ngừ má kho ngọt để chan ăn bún được má nhấc từ trên bếp xuống bốc khói nghi ngút tỏa một mùi thơm sực nức vẫn luôn in trong tâm trí tôi mỗi khi nhớ quê, nhớ nhà.
Ở “phố núi” Kon Tum bây giờ cũng có nhiều quán bán bún cá. Gọi chung chung là bún cá vì nguyên liệu chế biến món ăn “thập cẩm” lắm, nào là cá tươi, chả cá, sứa. Nhưng có một điều rất đặc trưng mà nếu để ý mới biết đó là nguyên liệu chính để tạo nên “thương hiệu” bún cá vẫn là cá ngừ. Để món ăn thêm đậm vị, chủ quán thường nấu cá ngừ tươi rồi còn có cả cá ngừ kho mẳn mẳn nữa để phục vụ sở thích của từng thực khách.
Biết tôi thích món bún cá ngừ là vậy nên lâu lâu có người dưới quê gửi lên ít cá ngừ hoặc có khi ra chợ gặp được cá ngừ tươi ngon, chị đồng hương lại không quên đãi món bún cá dân dã mà thấm đượm tình quê này.
Đó, mới nhắc đến lại thấy dư vị của miếng cá mềm ngọt, quyện với vị chua chua, cay cay của cà chua, thơm, ớt trái, rau thơm trong miệng rồi!
SÔNG CÔN