Đảm bảo an toàn bếp ăn học đường
Bên cạnh việc đảm bảo cơ sở vật chất, bếp ăn đủ tiêu chuẩn, điều quan trọng cần chú trọng kiểm tra về nguồn nước, nguyên liệu chế biến thực phẩm cũng như việc lưu mẫu thực phẩm… Đặc biệt, nhà trường cần giám sát nghiêm ngặt, tuyên truyền để người chế biến thực phẩm nâng cao ý thức trách nhiệm, chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh.
Hàng năm bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh có con học bán trú lại lo cho con mình đến cơ sở có điều kiện học tập tốt, bảo đảm an toàn bếp ăn học đường và dinh dưỡng để nâng cao thể chất.
Tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Sau thời gian tìm hiểu, cuối cùng, tôi cũng yên tâm cho cậu con 20 tháng tuổi theo học tại một trường mầm non tương đối xa nhà. Vì con còn nhỏ nên ngoài môi trường học tập, tôi đặc biệt quan tâm về việc chăm sóc cũng như chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ. Vậy nên, khi đến ngôi trường này, quan sát thấy khu bếp sạch sẽ với kho chứa, khu vực sơ chế, khu vực nấu nướng, khu rửa… rộng rãi, thoáng mát, tôi cảm thấy an tâm phần nào về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các phụ huynh cũng có con gửi tại đây như tôi đỡ lo lắng hơn khi biết nhà trường tự dành một khoảng vườn để trồng rau sạch, nấu bữa ăn hàng ngày cho các cháu; hợp đồng với siêu thị Coopmart để cung cấp các loại củ, quả, trái cây an toàn; nhân viên cấp dưỡng, nấu ăn đảm bảo sức khỏe theo quy định. Bởi thế, dẫu nhiều người nói ra nói vào vì thu nhập của gia đình tương đối thấp, học phí ở trường lại cao, nhưng tôi vẫn quyết định cho con đi học tại đây với mong muốn con được chăm sóc tốt nhất, đảm bảo sức khỏe.
|
Không riêng tôi, khi có con đi học bán trú, nội trú, nhiều phụ huynh cũng “đứng ngồi không yên” lo lắng về việc ăn uống của con. Bởi lẽ, việc ăn uống ảnh hưởng trực tiếp tới thể chất và sự phát triển của các con. Đặc biệt, các con còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Trong những năm gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu do việc khó kiểm soát thực phẩm “đầu vào” ở các trường học. Nhiều trường, vì nhập các thực phẩm đã bị hư hỏng, dẫn đến tình trạng ngộ độc.
“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, cách đây vài năm, tại một trường Tiểu học ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, sau khi ăn cơm trưa, khoảng 70 học sinh của trường bị ngộ độc, cồn cào, đau bụng và nôn mửa. Dẫu không để lại hậu quả nặng nề, nhưng vụ việc đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học tập của học sinh. Đồng thời, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của trường. Sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường buộc phải dừng cho học sinh học bán trú vì bếp ăn chưa đảm bảo đúng quy định, yêu cầu.
Phải khẳng định rằng, đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là yêu cầu cấp thiết đối với các trường học có tổ chức bán trú cho học sinh. Chính vì vậy, không riêng nhà trường, các cấp, các ngành và phụ huynh cần lưu ý quan tâm tới vấn đề này.
|
Trong tháng 3/2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch số 46/KH/ATTP về xây dựng mô hình bếp ăn tập thể tại 4 trường học trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát tốt các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Mô hình trên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhà trường cũng như đông đảo phụ huynh học sinh. Và mới đây, theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong thời gian đến, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường có tổ chức bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động rất cần thiết để kiểm soát tốt về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Bên cạnh việc đảm bảo cơ sở vật chất, bếp ăn đủ tiêu chuẩn, điều quan trọng, cần chú trọng kiểm tra về nguồn nước, nguyên liệu chế biến thực phẩm cũng như việc lưu mẫu thực phẩm… Ngoài việc kiểm tra thường xuyên và đột xuất, nhà trường cũng như các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những đơn vị cung cấp thực phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt mạnh với các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, nhà trường cần giám sát nghiêm ngặt, tuyên truyền để người chế biến thực phẩm nâng cao ý thức trách nhiệm, chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh… Đối với người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe theo quy định Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Không riêng nhà trường, hội cha mẹ học sinh cũng như phụ huynh cần được tham gia trực tiếp vào việc giám sát chất lượng bữa ăn hàng ngày cho các em. Nếu phát hiện vi phạm, phụ huynh cần lên tiếng để sớm chấn chỉnh, qua đó đảm bảo sức khỏe cho con em mình.
Một năm học nữa lại bắt đầu, hy vọng rằng, cùng với việc nâng cao công tác giảng dạy, rèn luyện kỹ năng, các trường chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để góp phần giúp các cháu, các em học sinh có đủ sức khỏe, học tập, rèn luyện tốt và đạt kết quả cao.
Hoài Tiến