Cung đường Đông Bắc
Cung đường này trên bản đồ giao thông Việt Nam là Quốc lộ 40B, nhưng gọi theo vị trí của người đang ở Kon Tum, là “Cung đường Đông Bắc”!
Trong khi Quốc lộ 14 thẳng bắc về thành phố Đà Nẵng và Quốc lộ 24 thẳng đông về Quảng Ngãi ngày đêm ầm ào xe cộ lại qua, thì ở khoảng giữa hai cung đường ấy, Quốc lộ 40B lặng lẽ rẽ hướng đông bắc về thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam, ít được mọi người biết và nhớ đến, vì không mấy khi đi lại, nếu không có việc! Do vậy, cũng có thể nói cách hình tượng, thì đây là “cung đường lãng quên”!
Không rõ “lý lịch” đường 40B có từ bao giờ, chỉ biết ở Quảng Nam gọi là “Đường Nam Quảng Nam”. Nó xuất phát từ biển Tam Thanh - Tam Kỳ chạy lên các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, rẽ lệch về hướng nam, luồn lách quanh mạn sườn đông núi Ngọc Linh để nối lên tỉnh Kon Tum.
Trên địa phận Kon Tum, Quốc lộ 40B qua các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô, rồi nhập chung một đoạn với đường Hồ Chí Minh chạy đến thị trấn Plei Kần huyện Ngọc Hồi, rồi rẽ về Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
Người tìm hiểu về cung đường chỉ đọc được trong loạt bài “Kon Tum tỉnh chí” của tác giả Võ Chuẩn, viết vào tháng 12/1933, có mấy dòng ngắn ngủi: “Đường Psi, về ngã Faifoo (Hội An – NV), ngang qua Đăk Tô 12 cây số. Lại đương trù một đường Đăk Tô về Trà My nữa”.
Như vậy, tính đến hết năm 1933 thì ở phía Kon Tum chưa có đường này. “Đường Psi” không phải là nó, bởi kèm theo phần bài viết của Kon Tum tỉnh chí có in thêm 2 bức sơ đồ đường sá Kon Tum lúc bấy giờ cho thấy Đường Psi ở bên dưới (tức phía nam theo hướng bản đồ) trung tâm Đăk Tô một tí, và chỉ được thể hiện một đoạn ngắn (12 cây số). Và như vậy, có lẽ cung đường 40B này đã được thực hiện sau năm 1933, bởi lúc bấy giờ nhà cầm quyền đương cục “đương trù một đường Đăk Tô về Trà My”.
Như đã nói, vì đường 40B ít được sử dụng, thậm chí nhiều người chưa một lần qua lại, nên không mấy ai nắm biết tận tường. Chúng tôi hỏi thăm tìm hiểu thì được “tư vấn” chung chung rằng nó xa xôi heo hút, rất xấu, lầm bụi ngày nắng, lầy lội ngày mưa, quanh co đèo dốc, rất nguy hiểm.
Không cưỡng được tò mò, chúng tôi quyết định làm một chuyến “khảo sát” nho nhỏ đoạn trên địa phận Kon Tum cho được tận tường. (Vì đi từ Kon Tum nên những ghi chép sau đây đều ngược chiều với thứ tự cột cây số trên đường để bạn đọc dễ theo dõi).
Thú thật, khi lên đường, trong lòng không khỏi ít nhiều “lăn tăn”. Tuy nhiên, thực tế lại rất khác xa những lời “tư vấn” (dường như hoàn toàn là “sản phẩm” của trí tưởng tượng) kia! Đường 40B không xấu, nếu không nói là tốt đối với miền núi. Đường rộng, thông thoáng, nhiều đèo dốc quanh co nhưng không đến nỗi ghê gớm, nếu khách du không chủ quan; lại còn thêm cảnh quan của quần sơn Ngọc Linh đại ngàn trùng điệp vây quanh vô cùng… bắt mắt.
Khởi đi từ cột km 205 tại trung tâm thị trấn Đăk Tô về hướng bắc (đoạn này ngày xưa là một phần đường 14 cũ). Đến khoảng km 198 (xin dùng từ “khoảng” ước lệ cho dễ nhớ, trên thực địa có cộng – trừ dăm ba trăm mét), đường bẻ ngoặt về hướng đông bắc tại ngã ba Ngọc Tụ.
Đến khoảng km 191 là xã Đăk Trăm, gặp tỉnh lộ rẽ trái, về các xã thuộc huyện Tu Mơ Rông.
Đến khoảng km 188 là chân đèo Văn Rơi. Đèo Văn Rơi dài 6km, chân đèo phía bên kia là xã Đăk Hà trước khi vào thị trấn trung tâm huyện lỵ Tu Mơ Rông (khoảng km 177-178).
Đi tiếp, gặp xã Tu Mơ Rông (khoảng km 170). Đến khoảng km 165 gặp ngã ba rẽ phải, vào các xã Văn Xuôi và Ngọc Yêu.
Đến khoảng km 161 gặp ngã ba (km 44 tỉnh lộ 672) rẽ trái vào các xã Tê Xăng và Măng Ri, nơi có Di tích lịch sử cách mạng Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum thời đánh Mỹ.
Khoảng giữa km 156-155 là làng Kô Xia như neo mình nơi sườn núi.
Đến km 154 là trung tâm xã Ngọc Lây với hai làng Đăk King 1 và Đăk King 2 ở sát liền nhau.
Xã Ngọc Lây là địa danh cuối cùng (thuộc Tu Mơ Rông) của Kon Tum. Đi thêm 13km nữa - đến km 141 – là đụng ranh giới đất Quảng Nam.
Sẵn đà, quanh queo thêm chừng vài mươi cây số nữa dưới bóng rừng mát lạnh, vẳng vẻ tiêu sơ, thuộc nam xã Trà Nam của huyện Nam Trà My – Quảng Nam, để được dõi ngắm sườn đông núi Ngọc Linh cho “nư mắt”. Vậy là đã vượt gần nửa đường 40B.
Về, ngồi ngẫm lại, thấy những lời “tư vấn” trước đây chỉ đúng ở yếu tố “xa xôi, heo hút” mà thôi. Bởi trên thực tế, đoạn từ thị trấn Đăk Tô đến huyện lỵ Tu Mơ Rông lưu lượng người và xe qua lại thường xuyên; đoạn từ huyện lỵ Tu Mơ Rông đến xã Ngọc Lây thì thưa thớt hơn; riêng đoạn qua khỏi xã Ngọc Lây về xã Trà Nam thì hoàn toàn thưa vắng bóng xe bóng người, chỉ thi thoảng có vài chiếc xe máy của những người gác rừng qua lại.
Sự thưa vắng bóng xe bóng người này được minh chứng rất rõ bằng một dọc dài cung đường nơi đây chỉ thấy xanh rì một màu rêu phủ trên mặt đường hai phía, chỉ lõm giữa đường là lộ ra màu đen hắc ín.
Ấn tượng nhất là khi dừng chân nơi trung tâm xã Ngọc Lây, ngắm đỉnh Ngọc Linh sừng sững giữa khói mây, giữa lô xô bao nhiêu đỉnh cao ngút ngát ngàn xanh khác.
Mang tiếng là người sinh sống ở Kon Tum - nơi có ngọn núi cao thứ nhì cả nước này - từ đầu đời đến nay đã sắp cuối đời người, mà nay mới tận mắt được nhìn thấy đỉnh Ngọc Linh một cách… “cận cảnh”.
Là cũng bởi, Ngọc Linh tiếng là cao nhất, nhưng loanh quanh khắp Kon Tum cũng không bao giờ thấy được đỉnh, bởi điệp điệp trùng trùng những đỉnh khác trong dãy quần sơn luôn che chắn tầm nhìn. (Ở xã Măng Ri cũng thấy đỉnh Ngọc Linh, nhưng xa xa, không rõ như ở Ngọc Lây. Từ Măng Ri đi thêm vài mươi cây số nữa theo tỉnh lộ 672 sẽ đến xã Ngọc Linh huyện Đăk Glei).
Nói như chú Dế Mèn trong truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”, rằng sau mỗi chuyến đi xa trở về càng thấy yêu quê hương mình hơn. Tôi cũng vậy, không những yêu, mà còn tự trách mình sao lâu nay “ru rú” xó nhà, để đến nỗi không biết rằng quê mình có một cung đường lớn (quốc lộ mà!) tốt và đẹp đến thế! Chẳng qua vì địa thế địa lý nên “Cung đường Đông Bắc” này phải chịu cảnh “cung đường bị lãng quên” như lâu nay.
Tạ Văn Sỹ