“Của nhà trồng được”
Sáng nay, lướt facebook thấy trang bán hàng online với “nickname” thật ấn tượng “Của nhà trồng được” rao bán đủ các mặt hàng thực phẩm, từ rau xanh (dưa leo, bắp cải, bí xanh, bí đỏ, mướp…), đến các loại trái cây (bơ, xoài, mít, sầu riêng, bưởi…) khiến tôi chợt nhớ đến “cửa hàng” rau xanh cũng “của nhà trồng được” của vợ chồng chị Bé (cách gọi thân mật của tôi với chị) mà trước đây tôi cũng từng là khách hàng thân thiết.
Cách nói “của nhà trồng được” đôi khi cũng khiến nhiều người “bắt chữ” kiểu rau nào mà chẳng “của nhà trồng được”, bởi nếu không phải của nhà này trồng được thì cũng của nhà kia trồng được. Nhưng ngụ ý của cách nói dân giã xưa nay của người Việt Nam mà ai cũng ngầm hiểu ở đây là “cây nhà lá vườn” và ý nghĩa sâu xa hơn đó là mục đích trồng để ăn, để cho, để biếu, để tặng hơn là mang tính chất thương mại.
“Cửa hàng” rau sạch của chị Bé nằm trên đường Nguyễn Viết Xuân (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum). Gọi là “cửa hàng” vậy thôi chứ thật ra chỉ một ít rau xanh được bày bán cạnh cửa hàng tạp hóa của gia đình - do ông xã chị chăm chút trồng để ăn, còn dư chút ít thì mang bán để vừa chia sẻ với nhu cầu dùng rau sạch của nhiều người tiêu dùng, vừa lấy lại ít tiền vốn để mua giống cây trồng, phân bò, phân gà, vôi về ủ tiếp chuẩn bị cho vụ rau sau. Bởi vậy, mang tiếng là rau sạch nhưng giá cả thì vợ chồng chị Bé cũng tính như các loại rau bán bên ngoài thị trường, thậm chí còn rẻ hơn chút đỉnh.
Từ khi chuyển về nơi ở mới, do “trái đường” nên tôi ít có dịp ghé cửa hàng rau “của nhà trồng được” của chị Bé. Nhớ ngày trước, mỗi buổi sáng chạy xe đi làm ngang qua nhà thấy chị Bé lúi húi bó rau, tôi đều tranh thủ ghé vào chọn mua. Có hôm, chị bán rau mồng tơi, có hôm thì đọt bí, đọt su su, rau muống, rau dền… Mỗi loại rau chị chỉ ưu tiên được cho vài ba khách là hết hàng. Vậy nên, nếu muốn mua rau sạch của nhà chị Bé trồng phải ghé sớm, còn không thì phải dặn trước để chị phần cho.
Tôi nhớ, có hôm ghé hàng rau của chị Bé mua, do bận công việc nên chị đưa cái rổ cho tôi ra vườn - khoảnh đất nhỏ kế bên nhà để hái giúp. Những luống rau không xanh mướt, trên lá cây rau còn bị sâu đục loang lổ, nhưng lại mang cho tôi cảm giác yên tâm đến lạ.
|
Ở trong phố, đôi khi tôi cũng bắt gặp một số gia đình trồng rau ăn không hết mang đi bán giống như gia đình chị Bé. Tất nhiên, số lượng mang bán như vậy không nhiều. Có nhiều người không phải vì tiền, nhưng vì tiếc cái công chăm sóc, bởi nếu không ăn hết bỏ rất phí nên mới mang bán. Vì vậy, có khi tôi mua được rau sạch từ một vườn nhà ai đó trong phố với giá rất rẻ, có khi còn không mất tiền mua vì được biếu.
Trong thời buổi hiện nay, khi mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động, bệnh tật xuất hiện nhiều, người tiêu dùng ai cũng lo ngay ngáy cho sức khỏe của mình và người thân. Vì vậy, dù có phải mua rau ở các nhà vườn trồng rau sạch, ở các cửa hàng rau an toàn, rau sạch ở các siêu thị… đắt một chút, rau xấu một chút nhưng miễn là sạch thì ai cũng chấp nhận.
Có lẽ nắm bắt được tâm lý sợ rau bẩn, rau phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích…, mà câu nói “của nhà trồng được” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người buôn bán các loại trái cây, rau xanh. Bằng chứng là bây giờ, nhan nhản ở các chợ, các góc đường, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ, thậm chí là các em bé đứng bán những mớ rau nhặt sẵn với lời mời chào “của nhà trồng được”. Lạ ở chỗ là, “của nhà trồng được” nhưng sản phẩm bày bán thì lúc nào cũng dồi dào (?) Ừ thì, “của nhà trồng được” cả nhưng trồng để bán hay trồng để ăn mới là điều quan trọng? Vì trên thực tế có một số vườn rau trồng để bán cách chăm sóc khác mà trồng để ăn thì cách chăm sóc khác.
Cách đây không lâu, tôi nghe một anh bạn thân kể câu chuyện bi hài liên quan đến chủ đề này. Chuyện là, một người hàng xóm của anh trồng rau ăn không hết mang ra trước nhà bán. Lâu dần, hàng rau của bà hàng xóm cũng xây dựng được “thương hiệu” rau sạch. Từ đó, khách hàng ghé đến càng đông, đến nỗi có khi nguồn cung không đủ cầu. Vậy là, để đáp ứng nhu cầu của khách, bà hàng xóm nghĩ ra cách đi thu gom rau của những nhà xung quanh, thậm chí là các vườn rau lớn để mang về bán. Lần một, lần hai, khách hàng còn ghé đến, dần dà cũng thưa khách dần đến mức phải dẹp tiệm…
Xem lại cái facebook “của nhà trồng được” kia không ít người sẽ đặt những dấu chấm hỏi: Đây là những mặt hàng có thể do nhà ấy trồng được hoặc cũng có thể nhà ấy đặt hàng từ các nhà trồng rau sạch đáng tin cậy để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng? Hoặc đó cũng có khi là cách đặt tên để đánh vào tâm lý người tiêu dùng như một chiêu trò trong mua bán?
Cho dù là sản phẩm của nhà mình trồng được hay của nhà người này, nhà người kia trồng được đi nữa, nhưng đứng ở góc độ người tiêu dùng, vẫn mong sao mọi người đừng vì lợi nhuận mà xem thường sức khỏe, tính mạng con người và cộng đồng.
Sông Côn