Còn những "cánh cửa" khác
"Em sẽ đi học nghề may mà em thích. Bố mẹ không cho, em sẽ thuyết phục đến khi bố mẹ đồng ý mới thôi"- Y Luyên nói. Nhìn đôi môi mím lại kiên quyết của cô bé, tôi đã ủng hộ quyết định ấy...
1. Năm năm trước, khi tôi còn làm ở bộ phận bạn đọc, một cậu học sinh lớp 12 rụt rè tìm đến nói rằng muốn xin một lời khuyên về việc lựa chọn hướng đi cho mình, khi mà kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cận kề.
Hôm ấy, với sự chân thành, tôi ngồi nghe cậu ta kể câu chuyện của mình. Câu chuyện về sự đấu tranh tư tưởng của tuổi trẻ, khi mà xung đột giữa lựa chọn cá nhân với áp lực từ gia đình đang làm cậu mệt mỏi, có cảm giác không lối thoát.
Nhà em ở Đăk Cấm anh ạ - cậu vào đề một cách lúng túng - Bố mẹ làm nông, quần quật nuôi 3 anh em ăn học, cuộc sống cũng khó khăn. Năm nay em tốt nghiệp THPT, bố mẹ muốn em đăng ký dự tuyển vào đại học, dù biết học lực của em cũng bình thường.
"Con phải vào đại học cho bằng bạn bằng bè, và làm gương cho các em", bố em đã nói với em như vậy.
Khác với những gì bố mẹ kỳ vọng vào mình, cậu học sinh nói trên lại ước mơ được học nghề cơ khí. Thế là lựa chọn mang tính áp đặt của bố mẹ lại “xung đột” với mơ ước của con trẻ, điều này làm cho cậu học sinh băn khoăn, trăn trở trong việc lựa chọn cho hướng đi tương lai.
"Từ nhỏ, em đã có đam mê nghề cơ khí và em thường mò mẫm chế tác những vật dụng thường dùng trong nhà từ phế liệu. Em luôn muốn trở thành một thợ cơ khí tay nghề cao"- cậu kể.
Và cậu tìm đến tôi để xin lời khuyên về việc có nên cố vào một trường đại học không hề liên quan đến mơ ước để bố mẹ vui lòng, hay là theo đuổi niềm đam mê của mình.
Lúc ấy, tôi đã không đủ can đảm để khuyến khích cậu tự thân lựa chọn cánh cửa vào đời cho mình. Tôi xoa dịu rằng, học đại học cũng tốt, và biết đâu đấy, em sẽ gặp cơ hội để phát triển bản thân. Tôi không nhận thức được rằng, cậu chỉ cần một lời động viên, một lời khích lệ để dũng cảm vượt qua sức ép và sự kỳ vọng của bố mẹ.
Thời gian trôi qua, tôi quên bẵng câu chuyện năm nào, dù nó từng làm tôi mất ngủ mấy đêm. Cho đến một ngày gần đây, tại một buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh do địa phương tổ chức, tôi tình cờ gặp lại cậu học sinh ấy. Cậu không đi một mình, mà có cả bố và em trai út - cũng là một học sinh đang đứng trước cánh cửa vào đời.
Câu chuyện được nối lại sau năm năm gián đoạn. Chàng trai trẻ ấy trúng tuyển một trường đại học công lập thuộc tốp trung bình. Nhưng giảng đường đại học không tạo cho cậu niềm hứng khởi trong học tập. Trong cậu ta vẫn cháy bỏng ước mơ trở thành thợ cơ khí. Gia đình tất nhiên không ủng hộ mơ ước ấy, và cậu đã phải cố gắng hoàn thành 4 năm học, vì “tấm bằng đại học”.
Sau khi tốt nghiệp, chàng trai gõ cửa nhiều nơi xin việc nhưng không được. Sau một thời gian ở nhà với bố mẹ, cậu quyết định đăng ký vào học trường cao đẳng nghề ở tỉnh Bình Dương. Để có tiền học, chi phí sinh hoạt hàng ngày, ngoài giờ học cậu làm thêm nhiều việc, từ phụ bếp, phục vụ bàn... "Nhưng không hề gì, miễn là em được theo đuổi ước mơ từ bấy đến nay"- cậu nói.
Mừng cho cậu khi còn mấy tháng nữa là tốt nghiệp, nhưng đã có một số doanh nghiệp có ý mời cậu về làm việc.
Và hôm nay, cậu dẫn bố và em trai đến dự buổi tư vấn hướng nghiệp này, với mong muốn em trai sẽ không lặp lại sai lầm từ mình; để bố mẹ, không vì cái danh "nhà có con học đại học" mà ép con mình vào đại học bằng mọi giá.
2. Tại buổi tư vấn hướng nghiệp ấy, tôi thấy không ít học sinh mới tốt nghiệp Trung học cơ sở tới dự. Đi cùng các em là bố hoặc mẹ. Những gương mặt non nớt háo hức lắng nghe những tư vấn viên trò chuyện.
"Em nghe tin về buổi tư vấn này, và muốn bố đi cùng để nghe, và hy vọng bố mẹ có thể thay đổi suy nghĩ, ủng hộ em đi học nghề, thay vì phải cố vào đại học - cô bé có mái tóc ngắn tên Y Luyên nói.
Y Luyên vừa tốt nghiệp lớp 9. Cô bé muốn được đi học nghề may như chị Y Vân - một thợ may có tiếng trong làng. Trong lời kể của Luyên, thì chị Y Vân may rất giỏi, có thể may được những váy áo thổ cẩm đẹp.
Quan trọng nhất là, chị Y Vân rất dũng cảm, khi học xong lớp 9 đã đăng ký đi học nghề tại Trường Trung cấp Nghề Kon Tum (nay là Trường Cao đẳng Cộng đồng), sau khi tốt nghiệp, có tay nghề vững, chị Y Vân trở thành trụ cột của gia đình, nuôi bố mẹ già và các em ăn học.
Trong những lần đến nhà chị Y Vân chơi, Y Luyên bước đầu hình thành và ấp ủ suy nghĩ về "cánh cửa" vào đời sau này của mình. Đó là học nghề may. Khi đã giỏi nghề rồi thì không lo đói - Luyên nghĩ vậy.
Nhưng điều làm Y Luyên trăn trở là, bố mẹ em luôn muốn em thi đậu vào một trường đại học nào đó, dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đông con. "Bố mẹ luôn cho rằng, học đại học là cách duy nhất để sau này em đỡ khổ. Trong tính toán của bố mẹ, mấy năm nữa, sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ thi vào Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum"- Y Luyên kể.
Y Luyên lại nghĩ khác, vào đại học sẽ là một gánh nặng quá sức với gia đình. Đó là chưa kể, học xong liệu có xin được việc hay không? Y Luyên từng biết nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn phải làm tiếp thị, công nhân, bán hàng, thậm chí lại quay về quê… làm ruộng.
Thật may thay, tại buổi tư vấn hướng nghiệp này, Y Luyên được nghe các tư vấn viên phân tích kỹ để có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện và niềm đam mê của mình.
"Em sẽ đăng ký học nghề may tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum. Bố mẹ không cho, em sẽ thuyết phục đến khi bố mẹ đồng ý mới thôi"- Y Luyên bật thốt với vẻ mặt nghiêm túc. Đôi môi cô bé mím lại.
Đăng ký vào Trường Cao đẳng Cộng đồng, em sẽ vừa được học nghề vừa học văn hóa. Khi tốt nghiệp lớp nghề, em cũng sẽ có bằng tốt nghiệp THPT. Quan trọng hơn, khi ấy em đã có nghề trong tay, có thể tự nuôi sống mình, giúp đỡ bố mẹ. Nhà trường cũng sẽ hỗ trợ trong việc giới thiệu, tìm việc làm.
Nhìn đôi môi mím lại kiên quyết của cô bé, tôi đã ủng hộ quyết định ấy... Nhiều khi, “Nhất nghệ tinh” sẽ tốt hơn một tấm bằng đại học.
Nếu cho tôi được trở lại 5 năm về trước, khi cậu học sinh lớp 12 rụt rè bước vào xin một lời tư vấn về lựa chọn "cánh cửa" vào đời, tôi sẽ đủ can đảm để nói với em rằng: Ngoài đại học, còn có những "cánh cửa" khác...
Thành Hưng