“Con người ta”
Nghe cu con kể chuyện “con người ta” - con người hoàn hảo, tôi nhớ đến bóng tối mênh mang trong đôi mắt chị bạn khi nhắc đến con mình: Anh chị đã lao lực thật nhiều để cho nó một cuộc sống không thiếu thứ gì, vậy mà nó mãi cứ lẹt đẹt. Nhìn con người ta thiếu ăn nhưng thừa học mà chị giận nó, giận cả mình…
Mẹ, hôm nay ở lớp, khi cô giáo đặt câu hỏi, ai là người hoàn hảo nhất, bạn con đã trả lời: Con người hoàn hảo nhất chính là “con người ta”.
“Là con người ta” - tôi hỏi? Vâng, là con người ta mẹ à. Khi bạn trả lời như vậy, cả lớp con ai cũng gật gù đồng tình. Các bạn còn kể ra một lô một lốc chuyện để thấy “con người ta” là con người hoàn hảo. Nào là, “con người ta” nhà khổ cực, thiếu thốn vậy mà chăm ngoan, năm nào cũng học sinh giỏi, hết đạt giải nọ đến giải kia, còn con nhà mình đủ đầy, chẳng thiếu thứ gì mà học mãi vẫn cứ lẹt đẹt. “Con người ta” X được giải học sinh giỏi cấp tỉnh, “con người ta” Y thi đỗ vào trường chuyên, “con người ta” Z đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tỉnh, khu vực… còn con nhà mình mãi chẳng đỗ đạt được gì. “Con người ta” ngoan lắm, biết vâng lời, phụ bố mẹ làm bao nhiêu là việc nhà…, còn con nhà mình đi học về chẳng giúp được việc gì, đến ăn cũng chẳng xong, học cũng chẳng xong. “Con người ta” chẳng học thêm gì cả vẫn giỏi ngời ngời, con nhà mình hết học lớp nọ đến lớp kia, tốn bao nhiêu là tiền, mất bao nhiêu là công đưa đón mà dốt vẫn hoàn dốt. “Con người ta” biết chăm lo học hành để sau này sung sướng, làm ông nọ bà kia đỡ đần bố mẹ, còn con nhà mình học hành lười biếng, chẳng đâu vào đâu, mai mốt đi làm phụ hồ, nuôi thân còn chẳng xong, lấy đâu mà giúp bố mẹ được…
Mẹ, còn có bài hát chế “Con người ta” nữa đó. Khi nghe cô hỏi vậy, có bạn còn ư ử hát: “Buổi chiều đó nằm ở trên giường… nghe ba la. Mày cũng chẳng bằng con người ta. Ai nấy ôm con cầm hoa, còn tao phải nghe cô rầy la”, chúng con ai cũng cười lăn.
Nghe cu con kể chuyện, chợt nhớ, cũng đã có đôi lần lấy “con người ta” để so sánh. Có lần, cu con phản ứng dữ dội, khác với bản tính hiền lành vốn có. Mẹ, con muốn được là con. Con có giá trị của riêng con. Con không muốn mẹ so sánh con với bất kỳ ai. Mẹ có biết mẹ so sánh vậy, khiến con trở nên mặc cảm, cảm thấy mình thấp kém và vô tình đẩy con trở thành người xấu tính: ích kỷ, đố kỵ hay không… Phản ứng của con lần ấy đã khiến tôi không khỏi giật mình.
Nghe cu con kể chuyện “con người ta” - con người hoàn hảo, tôi nhớ đến bóng tối mênh mang trong đôi mắt chị bạn khi nhắc đến con mình: Anh chị đã lao lực thật nhiều để cho nó một cuộc sống không thiếu thứ gì, vậy mà nó mãi cứ lẹt đẹt. Nhìn con người ta thiếu ăn nhưng thừa học mà chị giận nó, giận cả mình…
Những nỗi niềm đó, những âu lo đó nào đâu của riêng chị, mà còn của nhiều ông bố, bà mẹ khác nữa. Chợt thầm hỏi, nỗi niềm đó đến từ đâu? Và vì sao bao nhiêu ông bố, bà mẹ vẫn mãi lấy “con người ta” làm con người hoàn hảo để so sánh?
|
Có lẽ, bản thân tôi, chị bạn và bao nhiêu ông bố, bà mẹ đã áp đặt những kỳ vọng, những mong cầu lên con mình. Vì suy cho cùng, làm bố, làm mẹ, ai chẳng mong con tiến bộ, cả trong học tập lẫn trong sinh hoạt, lối sống. Lắm khi bực bội vì chưa hài lòng về con, lấy biện pháp so sánh “con người ta” như một cách “khích tướng” để con có sự thay đổi.
Nhưng, lắm khi “khích” để “đạt”, để tốt lên đâu chẳng thấy, mà như cu con phản ứng, vô tình khiến con trẻ trở nên mặc cảm, đố kỵ bạn bè… Và bản thân các ông bố, bà mẹ có thể nghĩ đã cho con mình những thứ tốt nhất nhưng đó lại chưa chắc là thứ con trẻ đã cần.
Mỗi đứa trẻ đều có xu hướng phát triển riêng nhưng phần lớn các ông bố, bà mẹ đều lấy khuôn mẫu “con người ta” áp đặt lên con mình. Thậm chí, trong mắt bố mẹ nhà khác “con người ta” X là hoàn hảo, còn trong mắt bố mẹ X, “con người ta” Y mới hoàn hảo; rồi bố mẹ Y cũng không thấy con mình hoàn hảo mà lại nhìn sang “con người ta” Z hoàn hảo hơn… Vậy là, chẳng riêng các ông bố, bà mẹ khổ, suốt cả đời cứ mãi trong âu lo, áp đặt kỳ vọng, mà ngay cả các đứa con được đem ra so sánh với “con người ta” cũng khổ.
Hệ lụy của khổ ấy là khoảng cách giữa các bậc phụ huynh với con cái ngày càng xa. Thiếu sự đồng cảm, con cái khó tâm sự với bố mẹ. Thiếu đi sự chia sẻ, con cái sống thế giới riêng, cách biệt với bố mẹ. Nhiều câu chuyện buồn mà báo chí đưa ra trong thời gian gần đây: gia tăng số học sinh bị trầm cảm, cực đoan, thậm chí tìm đến cái chết…, rất cần phải suy ngẫm
Nghĩ cho cùng, con đường sáng sủa hay chông gai sẽ tùy thuộc vào sự nỗ lực của các con trong suốt cả chặng đường dài. Bố mẹ nên là người hướng dẫn chứ không là người dắt tay, lại càng không áp đặt. Các con cần bố mẹ quan tâm, sẻ chia, làm bạn với con hơn là kiểu so sánh “con người ta”, nhiều nhất là vào dịp cuối năm học như hiện nay - khi mà có điểm số tổng kết, đi cùng là khen và thưởng. Vì nói như cu con: Con có giá trị của riêng con mẹ à!
NGUYÊN PHÚC