Cơm gạo mới
Năm nào vào vụ gặt, tôi cũng về đồng đất Đoàn Kết. Về vựa lúa của tỉnh, chỉ nhìn thôi cũng thấy mê. Nhớ ngày mới vào Kon Tum, mỗi lần ngang qua cánh đồng Đoàn Kết lòng lại rưng rưng. Sao mà cảnh giống quê mình thế. Giống từ cánh đồng rộng nhấp nhô những lúa là lúa, giống mùi thơm nồng lúa chín, mùi ngai ngái rơm rạ, đến bữa cơm gạo mới chân chất tình người.
Ngày ấy, thấy cô phóng viên bé nhỏ miệt mài, bác một hai mời ở lại ăn bữa cơm gạo mới với gia đình cho bằng được. Bác kể, liên tục những bữa cơm sau mùa gặt đều là cơm gạo mới. Thành quả của người nông dân đấy. Hạnh phúc của người nông dân đấy. Tần tảo nắng mưa từ những ngày làm đất, từ những ngày ngâm giống, gieo hạt, đến những chăm, những bón, những gặt, những phơi... Mà nào đâu mỗi nhọc nhằn, lại thêm cả những lo toan nữa, nào sâu bệnh, nào thiếu nước, nào mưa bão…, đủ cả. Ngày bưng bát cơm gạo mới dẻo thơm, những người nông dân như bác càng trân quý. Hạt ngọc trời ban cho những bữa cơm no đủ, sum vầy. Vậy là bao cực nhọc, lo toan dường như tan biến. Chỉ đọng lại hương thơm rất riêng của chén cơm gạo mới, chỉ đọng lại dư vị mặn mòi của niềm vui được mùa…
Nhìn đôi bàn tay thô ráp xới cơm ra từng chén, nhìn gương mặt rám nắng của bác lấp lánh niềm vui trong câu chuyện kể mà tôi thầm nghĩ, niềm vui hay mọi giá trị trên đời giản dị vô cùng, lắm khi chỉ là đúng thời điểm, lắm khi là được hưởng trọn vẹn thành quả lao động của chính mình. Như bác đấy, được ăn bữa cơm gạo mới chính mình làm ra mà tràn ngập những niềm vui. Hạt cơm dẻo thơm, không hóa chất, còn nguyên cám. Hạt cơm như chứa vị đậm đà của đồng đất phù sa Đăk Bla đã cần mần bồi đắp bao tháng ngày, như lưu giữ hương thanh khiết của đất trời Kon Tum dịu mát… Còn tôi, chỉ biết lặng yên để thưởng thức trọn vẹn tinh túy đất trời, thưởng thức hạt ngọc trời ban và cả những mến yêu, kính trọng bao người làm nông tháng ngày lam lũ.
|
Thành quen, đến mùa có gạo mới, bác đều í ới gọi. Lần nào bác cũng bọc hai ba bao ni lông cẩn thận, buộc dây cột bao thật chặt kèm theo lời dặn “cháu nhớ nấu ít nước thôi nhé”... nghe sao mà thấm đẫm tình người, tình quê. Tôi từng hỏi bác sao cơm gạo mới buộc phải nấu ít nước. Bác bảo cũng chẳng rõ nữa, chỉ biết cơm gạo mới bao giờ cũng dẻo thơm, nước nấu cũng ít, tăng thêm một chút thôi, nồi cơm lại nhão, mất ngon.
Đến bữa nấu cơm gạo mới, nồi cơm thơm thảo mang đủ vị hương đồng. Khi sôi, hơi bốc lên dịu dàng, tỏa ra mùi thơm mời gọi. Có cả mùi dìu dịu, bịn rịn của đồng đất, có cả mùi thơm tinh khiết, khô nồng của nắng và cả mùi nồng nồng chứa đựng vị mặn của những giọt mồ hôi. Mùi thơm ấy còn là mùi ấm no, hạnh phúc và vì thế mà níu giữ, quấn quýt bao người. Thơm từ khi nấu, dẻo ngọt, đậm đà cả khi ăn. Vừa bình dị, vừa đúng vị, cảm giác sao mà thân, mà thương...
Tôi hít hà, hít hà những hơi thật sâu. Như để tận hưởng mùi thơm qua bao mùa gặt len lỏi vào ký ức. Để lưu giữ lâu hơn cái nồng ấm của tình người, cái ngọt ngào xen lẫn vị mặn mòi của hương đất, hương đồng Đoàn Kết.
Có nồi cơm gạo mới, đến bữa ăn gì cũng ngon. Dân dã kiểu tay vón chút cơm thừa chấm vào chén nước mắm xắt trái ớt đỏ cũng đã tận hưởng đủ vị dẻo thơm riêng có của gạo mới. Cơm gạo mới với muối lạc lại càng giữ được vị ngọt đậm đà của gạo mới. Muối lạc thì đã có lọ sẵn, đến bữa, xới chén cơm gạo mới, muối lạc trộn vào, vị ngọt ngọt, dẻo dẻo, hương thơm thơm của cơm lẫn vị béo béo, bùi bùi, mằn mặn của muối lạc đưa cơm lắm. Cơm gạo mới ăn với cá kho cay cay, mặn mặn lại càng đúng bài… Có gạo mới, thể nào tôi cũng tìm mua mớ cá lóc đồng. Cá lóc đồng nho nhỏ thôi, giã ít riềng, ít nghệ, củ nén, rắc thêm tí ớt bột, gia vị vừa tay kho keo keo lại. Xới chén cơm nóng hổi, gắp miếng cá kho cứng cáp, đậm đà lên trên…
Chỉ vậy thôi mà hết chén này, lại muốn thêm chén khác.
NGUYÊN PHÚC