Cơm của má
Sáng nay, hai chị em nói chuyện với nhau qua ứng dụng zalo call. Thấy nó lúi húi nhặt rau chuẩn bị cho bữa trưa, chị chợt nói “ước gì giờ được ăn bữa cơm của má nấu ha”. Cơm của má! Nó dừng tay, nghĩ ngợi một chút và thấy nhớ da diết mâm cơm nơi quê nhà.
Với những người được ở cùng ba má, có thể ăn bữa cơm do má nấu là lẽ bình thường, như cách nhiều người vẫn hay ví von “như cơm ăn, nước uống hàng ngày”. Với riêng nó, từ khi bắt đầu cuộc sống xa nhà, đó là niềm mơ ước, là nỗi nhớ khôn nguôi và hễ có dịp sum họp cùng gia đình là luôn dành hết thời gian để tận hưởng.
Hồi còn sinh viên, mỗi bữa đi học về, thấy bữa cơm gia đình của chủ nhà trọ đông vui, nó cùng mấy đứa bạn hay tủi thân. Năm đầu đại học, có đứa bạn nó cứ đến giờ cơm là bỏ cả ăn, nằm quấn chăn khóc thút thít vì nhớ nhà, nhớ không khí đầm ấm bên gia đình.
Kể từ đó, cả bọn sinh viên trong xóm trọ của nó cùng rủ nhau dịp cuối tuần nấu cơm chung cho có không khí, và cũng để giúp cho mỗi đứa vơi bớt nỗi nhớ quê, nhớ nhà.
Bốn năm đại học, những bữa cơm tập thể của sinh viên trong xóm trọ mãi mãi là một phần ký ức tươi đẹp đối với nó và sẽ không thể nào quên.
|
Ra trường, trở về tỉnh công tác, với đặc thù công việc và cuộc sống xa nhà, nó lại gắn bó với những bữa cơm “bụi”. Gặp đâu ăn đó, có khi công việc bận rộn, chẳng được ăn đúng bữa cũng là chuyện thường ngày với nó.
Mỗi lần gọi điện cho con gái, má thường dặn: “Làm gì làm, phải cố gắng ăn uống đàng hoàng, ăn cho đúng bữa nghe con”. Sợ má buồn, má lo, nó hứa với má sẽ là như vậy.
Nhưng nó lại khó thực hiện đúng theo lời má dặn. Công việc quá ư bận rộn nhiều khi không cho phép nó tốn thời gian vào chuyện bếp núc.
Rất nhiều lần, đi làm về muộn, bụng đói meo, nhưng khi má gọi điện thoại hỏi: “Ăn cơm chưa con? Hôm nay có nấu cơm không đó” là nó đều trung thành với một câu trả lời: “Con ăn rồi. Tất nhiên là con nấu chứ. Má đừng có lo”.
Nhưng có lẽ linh cảm của người mẹ mách bảo, nghe con trả lời mà gương mặt của má vẫn cứ hiện lên nét lo âu, làm nó cảm thấy có lỗi với lời nói dối của mình. “Má ơi, con không muốn má lo, nhưng nhiều khi mệt quá, rồi chẳng có thời gian nên con đành nói dối má như vậy”- nó thầm nhủ.
Mỗi bữa đi làm về muộn, đường phố đã lên đèn từ khi nào, nó dắt xe ra khỏi cổng cơ quan mà mường tượng, nhớ sao bữa cơm gia đình. Nó ước giờ này có được bữa cơm bên những người thân yêu của mình; thèm có được chén cơm dẻo, canh nóng do má nấu để xóa tan bao mệt mỏi.
Nó biết đó chỉ là mơ ước thôi. Nhưng mà vẫn cứ mơ ước. Vì chẳng ai đánh thuế ước mơ bao giờ. Không biết hôm nay má kho thịt hay kho cá nhỉ? Mà thịt kho hay cá kho thì qua bàn tay của má cũng đều thơm ngon.
Lại còn có tô canh chua tôm nấu khế hay tô canh cá đồng tỏa khói nghi ngút, phảng phất mùi thơm của đặc sản tôm, cá quê nữa chứ. Cũng không thể thiếu đĩa rau thơm được hái ở góc vườn nhà, điểm xuyết mấy trái ớt chín cay nồng mà ấm áp.
Chỉ nghĩ đến đó thôi là bụng đã đói cồn cào!
Những lúc mệt mỏi, nghĩ đến mâm cơm gia đình, nó thấy ấm áp làm sao. Ở nơi ấy có tiếng hỏi han của ba, tiếng giục con cái ăn của má, tiếng chọc ghẹo của mấy đứa em, tiếng cười đùa ầm ĩ của mấy đứa cháu.
Xa nhà, mỗi năm, dịp Tết đến nó mới có cơ hội được trở về bên gia đình nhiều ngày nhất. Vì vậy, nó luôn tạm gác lại những niềm vui riêng của bản thân để dành hết thời gian cho gia đình, cùng má nấu những bữa cơm cho cả nhà.
Sáng nay, hai chị em nói chuyện với nhau qua ứng dụng zalo call. Thấy nó lúi húi nhặt rau chuẩn bị cho bữa trưa, chị chợt nói “ước gì giờ được ăn bữa cơm của má nấu ha”.
Cơm của má! Nó dừng tay, nghĩ ngợi một chút và thấy nhớ da diết mâm cơm nơi quê nhà. Bữa cơm chẳng có cao lương mĩ vị, chỉ những món ăn dân giã má vẫn thường nấu từ ngày mấy chị em nó còn nhỏ, mà lúc nào cũng thấy ngon.
Với nó, bữa cơm gia đình không đơn giản chỉ là ăn đúng bữa, đảm bảo cho sức khỏe mà còn có ý nghĩa gắn kết tình thân. Để rồi khi đi xa khiến nó luôn nhớ thật nhiều.
Tối nay, nó lại đi làm về muộn, phố đã lên đèn từ lúc nào. Nhìn vào căn nhà nhỏ bên đường, thấy nhà người ta ngồi ăn cơm vui vẻ bên nhau, nó thèm sao bữa cơm dẻo, canh nóng do má nấu.
SÔNG CÔN