Có hay không việc"giữ chân" bệnh nhân trong chuyển tuyến
Việc chuyển tuyến đã được các bệnh viện và các cơ sở y tế ở các huyện, thành phố trong tỉnh quan tâm và xây dựng quy chế chuyển tuyến nội bộ địa phương, bảo đảm việc chuyển lên, chuyển xuống, chuyển ngang tuyến theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, trong dư luận xã hội hiện có ý kiến cho rằng, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum "giữ chân" bệnh nhân trong chuyển tuyến. Báo Kon Tum đã cử phóng viên đến gặp lãnh đạo bệnh viện để làm rõ sự việc và trả lời trước công luận.
Khi chúng tôi thẳng thắn nêu vấn đề dư luận quan tâm, bác sĩ Đoàn Thị Tuần - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Kon Tum cho biết: Thời gian qua, cùng với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ bệnh nhân trong đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã đầu tư xây mới và nâng cấp các khu khám chữa bệnh từ 400 giường lên 500 giường và đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
|
Riêng với việc chuyển tuyến, theo Thông tư 14 của Bộ Y tế, người bệnh muốn được Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh thì phải điều trị đúng tuyến, tức là có giấy chuyển viện từ tuyến xã đến tuyến huyện, tuyến tỉnh rồi tuyến Trung ương. Để hạn chế việc chuyển tuyến, công tác chỉ đạo tuyến của ngành là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân ở các cơ sở y tế trong tỉnh. Người dân được tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao, sẽ góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Việc chuyển tuyến Bệnh viện Đa khoa Kon Tum sẽ thực hiện trong trường hợp bệnh có trong danh mục được chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế để người bệnh được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm y tế.
Về ý kiến người dân ở phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum phản ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh không cho bệnh nhân chuyển tuyến ngang qua Bệnh viện Phục hồi chức năng Kon Tum, bác sĩ Đoàn Thị Tuần giải thích: Theo Thông tư Số: 14/2014/TT-BYT, ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế về Quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh, đảm bảo người bị bệnh nặng được cứu chữa kịp thời ở tuyến trên. Còn trường hợp bệnh nhân yêu cầu chuyển ngang từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh sang Bệnh viện Phục hồi chức năng Kon Tum thì đơn vị sẽ đáp ứng. Tuy nhiên Bệnh viện Đa khoa Kon Tum là bệnh viện hạng II, điều kiện trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ của khoa phục hồi chức năng đảm bảo yêu cầu khám và điều trị cho người bệnh. Nếu Bệnh viện Phục hồi chức năng Kon Tum có chế độ an dưỡng, đơn vị sẽ sẵn sàng chuyển tuyến để đảm bảo chế độ cho người bệnh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, không riêng gì trường hợp kiến nghị của người dân phường Thống Nhất, mà nhiều người bệnh ở địa phương khác trong tỉnh cũng muốn được khám điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Kon Tum.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Kon Tum cho biết, quy mô bệnh viện là hạng III, có 50 giường bệnh. Bệnh viện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, tổ chức an dưỡng cho người bệnh và đối tượng khác có nhu cầu. Hiện Bệnh viện có chế độ phụ cấp tiền ăn 40.000 đồng/ngày/người bệnh cho các đối tượng chính sách, người có công và người nghèo. Có lẽ vì sự yên tĩnh và có chế độ, nên nhiều người bệnh muốn đăng ký khám và chữa bệnh tại bệnh viện này.
Có một thực tế trong việc chuyển tuyến mà cán bộ ngành Y lý giải là nguồn thu để trang trải các chi phí hoạt động (có cả phần chi phí trả lương cho đội ngũ y bác sĩ) của các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay một phần dựa vào bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế - trường hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng không ngoại lệ. Vì vậy, các bệnh viện thật sự không muốn giảm tải để đảm bảo nguồn thu (trừ trường hợp bệnh nặng). Trong khi Bảo hiểm y tế lo vỡ quỹ; còn cơ sở khám chữa bệnh lại lo không được Bảo hiểm y tế thanh toán, vì khi cho bệnh nhân chuyển viện thì nguồn quỹ bảo hiểm y tế thanh toán sẽ chuyển sang bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân.
Sự trói buộc giữa cơ sở khám chữa bệnh và Bảo hiểm y tế đang làm khổ người bệnh.
Dương Lê