Chuyện ở làng
Già A Đáo ngồi bên bếp lửa, bập bập tẩu thuốc, nhìn về ngọn núi mờ mờ sau màn mưa, thủng thẳng nói: Tình cảm của dân làng với bộ đội biên phòng nhiều như lá cây trên núi kia; tình nghĩa giữa bộ đội biên phòng với dân làng cũng nhiều như nước dưới suối này.
Cùng một cán bộ nông nghiệp huyện, hắn đã về làng được 3 ngày. Nhiệm vụ của hắn là khảo sát thực địa, đo đạc để lập bản đồ giao rừng phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhưng cả 3 ngày đều mưa sầm sập, đành ru rú trong góc nhà rông, bên bếp lửa cháy rừng rực cả ngày đêm.
Mưa biên giới thật buồn, chứ không lãng mạn để biến bất cứ ai thành… nhà thơ như lời đồn- hắn vừa lẩm bẩm, vừa đẩy thanh củi thông vào bếp. Củi gỗ thông cháy rừng rực, thỉnh thoảng nổ lép bép, bắn tung ra những tràng hoa lửa, tỏa mùi thơm khắp nhà.
Ngày đầu đến làng, được bố trí ở nhà già A Đáo, nhưng hắn năn nỉ được ra nhà rông của làng ngủ. Mùng, mền, chiếu đã sẵn, chỉ thiếu củi. Già A Đáo cười, chỉ vào đầu nhà: Củi thiếu gì, cán bộ thích, thì đem ra cho nó.
Từ hôm ấy, hắn có già A Đáo làm bạn. Dù năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng già vẫn còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong làng, người lớn trọng vọng già; thanh niên, trẻ em thì nể sợ và nghe lời già. Nghe dân làng kể lại, chính già A Đáo là người đi tiên phong trong việc bỏ phát rẫy, khai hoang ruộng nước trồng lúa.
|
Bây giờ làng có nhiều ruộng lúa nước, dân không lo đói, thậm chí tới mùa rồi vẫn còn lúa vụ trước, phần lớn là nhờ già A Đáo- dân làng nói với hắn như vậy.
Đêm đầu tiên, bên bếp lửa rừng rực cháy, rồi kể lại những gì nghe được, già cười: Dân làng nói vậy thôi, cán bộ đừng nghĩ là thật. Ngày ấy, nếu không có bộ đội biên phòng đến vận động, giải thích thì đầu già không nghĩ ra được, không biết cách làm đâu. Già chỉ hơn lũ làng ở chỗ biết nghe lời phải sớm hơn thôi.
Ruộng lúa bên kia đường là của già, cũng là ruộng lúa nước đầu tiên ở làng này, nhờ bộ đội biên phòng chỉ cách làm, cách chăm sóc đấy. Từ đám ruộng này, bây giờ làng có nhiều đám như thế” - già A Đáo nói thủng thẳng.
Bây giờ sướng lắm rồi- già A Đáo cười hào sảng. Ðường ô tô đã vào tận làng, trong làng có trường học; nhiều gia đình xây nhà mới khang trang, có xe máy, tivi, tủ lạnh. Dân làng đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng quê hương, trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy, chỉ nghe theo Ðảng, theo Bác Hồ, không nghe kẻ xấu…
Để có được ngày nay, cùng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của bà con, thì sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng nhiều không kể xiết, như mạch nước ngầm trên núi ấy. Già A Đáo bập bập tẩu thuốc, nói chắc như dao chém đá.
Mưa vẫn đập sầm sập trên mái tranh. Tiếng nước chảy ồ ồ từ dưới suối vọng lên. Có ánh đèn pin loang loáng, rồi vang lên tiếng nói “đây, già A Đáo ở trên nhà rông”.
Có tiếng bước chân rậm rịch lên cầu thang. Nét mặt già A Đáo giãn ra, ánh nét cười: A Xuân đó. Là cán bộ biên phòng phụ trách địa bàn. Già và dân làng coi như con.
Bóng người mờ mờ hiện lên ở khung cửa, cởi áo mưa treo ở vách, rồi sà xuống bếp lửa, hơi lạnh theo chân người ùa vào. Lạnh quá bố ạ- người mới tới xuýt xoa, hơ 2 bàn tay trên ngọn lửa đang nhảy nhót.
Đây là cán bộ Xuân, còn đây là cán bộ Hùng bên lâm nghiệp- già A Đáo nói ngắn gọn. A Xuân cười xởi lởi: Bên cán bộ lâm nghiệp các anh cũng vất vả quá, ngày đêm vượt dốc, băng rừng, lội suối, ăn ngủ với rừng.
Hắn cũng cười thay lời chào. Kín đáo “ngắm nghía”. Ờ, còn khá trẻ, nước da trắng trẻo, tóc cắt cao, đôi mắt như tươi cười. Mà khoan, tên là A Xuân à? Sao trông không giống người Giẻ Triêng.
Dường như nhận thấy nét “nghi ngờ” của hắn, A Xuân ngượng nghịu nói: Nhà em ở thành phố Kon Tum. Do lâu ngày gắn bó, bà con thương nên coi như con, gọi là A Xuân.
Ra vậy. Hắn chợt thấy mến người bạn mới.
Sau phút chào hỏi, A Xuân và già A Đáo cuốn vào công việc. Nghe loáng thoáng 2 người bàn nhau tăng cường thanh niên làng cho chốt kiểm soát Covid-19 ở một số điểm xung yếu; vận động nốt mấy gia đình còn lại ký cam kết phòng, chống dịch… Toàn việc cần kíp cả.
Hắn nhìn 2 người qua ánh lửa bập bùng. Phải gắn bó lắm, được dân làng yêu thương lắm mới được gọi tên như bao người đàn ông Giẻ Triêng khác. Và điều đó cho thấy, A Xuân không chỉ về với dân làng bằng tinh thần trách nhiệm, mà còn bằng tình máu mủ, ruột thịt.
Một lúc sau, A Xuân và già A Đáo đứng dậy đi lo việc. Hắn tiễn chân ra cửa. Bên ngoài, những đám mây đen trĩu nước lừ đừ trôi, mưa vẫn xối ào ào, giống như có ai đó ở trên mây cầm xô nước tạt xuống. Gió lớn xoắn cong mấy ngọn bằng lăng, những tia chớp sáng rực rạch ngang bầu trời.
Bóng 2 người chìm hẳn vào màn mưa. Hắn trở lại ngồi bên bếp lửa, trong đầu vẫn vọng lại câu nói của già A Đáo: Mình yêu mảnh đất này bao nhiêu, thì A Xuân và đồng đội của nó yêu mảnh đất này bấy nhiêu. Bởi chỉ có như vậy mới chấp nhận gian nan, vất vả, xa gia đình, vợ con để gắn bó với nơi đây ngày qua ngày, năm qua năm; gắn bó với dân làng, giúp đỡ, hướng dẫn người dân xây dựng đời sống mới.
Chỉ một cuộc gặp ngắn ngủi, hắn cũng đã tin là vậy!
HỒNG LAM