Chuyện nghề
Gã ngồi ở quán cà phê quen thuộc, bắt đầu ngày mới bằng một việc quen thuộc: Lướt mạng đọc tin tức. Quá nhiều chuyện khiến ta bận tâm- gã thở dài, đặt điện thoại xuống bàn, khi trên màn hình hiện lên “mệnh lệnh” từ quản lý phòng.
Trời chợt đổ mưa. Những hạt mưa quấn quýt, dồn đuổi nhau, rộn rã reo vui, thánh thót như những tiếng đàn của chàng trai miền sơn cước.
Này, cái tin hôm qua ấy mà, bên tớ phát rồi. Tòa soạn yêu cầu mở rộng thêm. Bí quá- một bóng người ngồi phịch xuống ghế bên cạnh, càm ràm.
Hắn khẽ nhìn chiếc ghế mỏng manh đang kêu cọt kẹt dưới cơ thể to lớn của bạn đồng nghiệp, rồi rót ly trà, đẩy về phía bạn. Uống ly nước đã. Trà mới đấy.
Hắn thích trà từ thời sinh viên. Những ly trà chát đặc ở quán nhỏ trước cổng trường luôn làm ấm nóng ngực hắn vào những đêm đông. Còn cà phê? Từ ngày lên Kon Tum, hắn mới bắt đầu biết uống, nhưng không nhớ nổi mình thích từ khi nào.
Bạn hắn cũng thích trà. Nên rất nhanh, cả hai phát hiện và “bồ kết” cái quán nhỏ này, bởi… trà ngon.
|
Không phải thứ trà được pha vào bình lớn, rót ra chỉ có chút mùi, uống vào nhạt thếch, cũng chẳng phải trà túi lọc, mang dấu ấn công nghệ. Mà là trà thái hẳn hoi, cọng nào cọng nấy cong như lưỡi câu, còn dính phấn trắng, chỉ mới dính tý nước sôi đã thơm phưng phức, nước trong và xanh pha chút vàng óng.
Mưa nhẹ hạt hơn. Từng hạt mưa nhảy lanh canh trên mặt đường. Bạn gấp màn hình latop lại, mở điện thoại, rồi thảng thốt: Sắp đến ngày 21/6 rồi.
Hắn cười cười, nhìn ra màn mưa. Bạn cũng im lặng. Không ai nói, nhưng đều cảm nhận được hơi ấm của nhau. Mưa buộc những người lang bạt như hắn, như bạn lại với nhau, với vùng đất này.
Thêm một ngày 21/6 nữa lại đến!
Những ngày này, email, facebook, zalo của hắn cũng ngập tràn lời chúc mừng. Và hoa, những bó hoa hồng tươi thắm được gửi tới với tất cả sự trân trọng.
Dù đã đón 24 lần ngày 21/6 với tư cách là một thành viên trong "gia đình" báo chí, hắn vẫn thấy nôn nao cả người. Và hắn tin rằng, lúc này đây, các đồng nghiệp của mình cũng đang hạnh phúc với những lời chúc tốt đẹp.
Hắn theo nghiệp báo cũng là chuyện tình cờ. Bởi những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ở làng hắn- một vùng bán sơn địa ở tít cực Bắc miền Trung, đất đai cằn cỗi- học hết cấp 3 là chuyện hiếm; bạn bè cùng lứa tuổi với hắn bỏ học gần hết, cũng vì nghèo quá, phải ở nhà cày cuốc.
Nếu có ai ráng hết cấp 3 thì cũng chỉ nghĩ đến chuyện thi vào trường cao đẳng sư phạm của tỉnh vì chi phí học hành đỡ tốn kém, lại gần nhà, thời gian học ngắn, khi ra trường, có việc làm là có thể giúp bố mẹ.
Vậy cho nên, năm cuối cấp rồi mà hắn vẫn lúng túng chưa biết chọn hướng nào. Một ngày, ông chú họ làm báo dưới tỉnh về chơi, nói: Chú thấy mày cũng có khiếu viết lách đấy. Hay đi theo nghề của chú?
Đang phân vân, lại sẵn có tý máu văn chương, thêm những câu chuyện nghề làm hắn mê như điếu đổ của chú, nên hắn mày mò tìm hiểu, rồi nộp hồ sơ thi vào Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Cũng phải nói thêm rằng, ngày ấy, việc chọn trường chỉ là theo cảm tính, theo ý thích chứ không có sự tư vấn rộng rãi như bây giờ. Cả lớp truyền tay nhau cuốn thông tin tuyển sinh mỏng tang mượn của nhà trường.
Hôm gia đình liên hoan cho hắn nhập học, chú lại trầm ngâm nói: “Vất vả đấy cậu nhóc, nguy hiểm nữa. Nhưng khó nhất là giữ được mình”. Hắn gật gù, dù khi ấy chưa hiểu cái gọi là “khó nhất là giữ được mình” mà ông chú nói có nghĩa gì.
Nhưng điều này thì hắn biết: Trong buồng, bố mẹ đang đau đầu chuyện tiền nong cho hắn nhập học. Và từ hôm ấy, trên vai bố mẹ thêm nặng gánh lo toan.
Tốt nghiệp đại học, cuộc sống đưa đẩy, hắn vào Kon Tum xin việc. Lạ thay, ngày đầu tiên hắn đi làm cũng là ngày ông chú nhận quyết định nghỉ hưu. Thanh thản và nhẹ nhõm.
Trong lá thư gửi cho hắn thông báo việc nghỉ hưu, chú gọi hắn là “bạn đồng nghiệp”, và dặn: Nghề nghiệp yêu cầu những người làm báo như chúng ta phải dũng cảm, nghĩa là dám đấu tranh. Nhưng hãy nhớ, chỉ dũng cảm thôi thì chưa đủ.
Hắn đã trăn trở rất nhiều về câu hỏi: Nghề báo, hay đúng hơn- những người làm báo- phải có những đức tính gì mới được gọi là... đủ?
Đây thật sự là một câu hỏi dễ mà khó. Nói là dễ cũng được. Bởi dường như tất cả những đức tính cần thiết để trở thành một nhà báo thực thụ, để một người có thể sống được bằng nghề báo đều đã được liệt kê, được mổ xẻ rất nhiều. Nhưng nói là khó cũng đúng, bởi một lẽ biết thế nào là đủ?
Và thực tế công việc đã dạy cho hắn biết rằng có một đức tính luôn “đồng hành” với dũng cảm mà bất cứ người nào sống bằng nghề báo và sống với nghề báo đều cần phải có, đó là đức tính trung thực. Trung thực với nghề và trung thực với chính mình.
Một nhà báo nổi tiếng với những bài viết đấu tranh chống tiêu cực đã khẳng định rằng: Làm báo, không phải là có dũng khí thì “bắn” thế nào cũng được, mà cần phải trung thực. Độc giả không chỉ có quyền được thông tin nhanh mà còn có quyền được thông tin đúng, có định hướng đúng.
Trong thực tế hoạt động báo chí, rất nhiều người thừa dũng cảm viết về những vấn đề nhạy cảm nhưng lại thiếu trung thực khi đưa tin về những vấn đề đó. Vì để có một tin nóng trên mặt báo, để có thành tích, có nhà báo đã đưa tin thiếu chính xác, thiếu trung thực, gây ảnh hưởng tới số phận của cả một con người, đôi khi là cả một tập thể.
Bạn vẫn cho rằng hắn đã suy nghĩ quá nhiều. “Cứ làm tốt nhiệm vụ của mình là được”- bạn khuyên thế.
Nhưng đôi khi, nếu ta suy nghĩ nhiều về điều gì đó, lại giúp ta biết phải làm gì tốt hơn.
Nghề nào cũng vậy!
THÀNH HƯNG