Chuyện... lì xì
Mặc dù cách đón Tết xưa và nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tục lệ mừng tuổi (hay còn gọi là lì xì) người lớn tuổi và trẻ con vẫn được gìn giữ. Tuy nhiên, do kinh tế phát triển, đời sống xã hội thay đổi mà chuyện lì xì cũng có nhiều chuyện để bàn và suy ngẫm...
Hết 3 ngày tết, tôi nhẹ cả người với việc bếp núc và thăm hỏi. Ngồi "lướt" facebook (FB) xem "nhân tình thế thái" thế nào. Ngập tràn hình ảnh du xuân đón tết từ chụp, quay video và livestream - quay truyền hình trực tiếp được giới trẻ hiện nay rất "chuộng".
Tôi "chơi" FB mục đích là để "dòm ngó" xem "thiên hạ" là chủ yếu chứ ít comment (bình luận) và like (bày tỏ cảm xúc). "Có nên bỏ phong tục lì xì đầu năm?" - đó là tựa đề của 1 bài báo được 1 một anh nhà báo của tỉnh chia sẻ. Chưa đọc bài để xem nhà báo đó "lý luận" vì sao lại đặt câu hỏi đó, tôi bỗng thấy giật mình vì những điều "mắt thấy tai nghe" về chuyện mừng tuổi mấy ngày qua.
Thằng con 5 tuổi của cô bạn thân chắc không là trường hợp ngoại lệ. Cậu bé chỉ nhận tiền lì xì khi được bỏ vào trong phong bao lì xì hẳn hoi, mà lại phải là màu đỏ chứ nhất định không chịu nhận tiền lì xì là tiền đưa trực tiếp.
Cậu "lý luận": Cô giáo con bảo, Tết đến trẻ con được mọi người lì xì bằng những phong bao lì xì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn...
Với "hiểu biết" ngây ngô đó nên chả cần biết là "tiền to" hay "tiền nhỏ", chỉ cần được bỏ vào trong bao lì xì là cậu xin, cậu ạ, cậu chúc "tới tấp", còn ai lì xì mà không bỏ vào phong bao thì một là không nhận, hai là nhận xong bỏ luôn lên bàn hay xuống ghế.
Sáng mùng 4 Tết, thằng cháu đồng hương năm nay mới học lớp 9 đăng dòng trạng thái với cỡ chữ to tướng: "Tất cả 3 ngày Tết được có 1,5 triệu" kèm theo tâm trạng "Đang cảm thấy buồn". Đọc trong phần bình luận của cậu bé này, có người viết: "Con lớn rồi mà còn được lì xì là tốt rồi đó", có người thì "an ủi": "Yên tâm đi, ngày mai còn đi vòng nữa mà, lo chi..."
9h sáng mùng 5 Tết, con bạn thân alo "Trưa lên nhà tao ăn cơm nhé. Tết bận quá nên chưa gặp nhau được".
"Nhận lời mời", đúng giờ hẹn gia đình tôi có mặt. Vài phút sau có thêm một gia đình nữa gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ. Bạn tôi giới thiệu anh chồng là đồng nghiệp. Ngay lập tức, chị vợ lấy trong giỏ xách ra 1 sấp phong bao lì xì "phát" cho tất cả người già và trẻ con mà cô ta quen có mặt ở đó, trừ 2 nhóc nhà tôi vì đây mới gặp lần đầu nên chưa quen ?!?!. Cô con gái 14 tuổi hiểu chuyện hơn nên không thấy tỏ thái độ gì, còn thằng cu con mới 5 tuổi thì cứ đứng chờ đợi...
Nhìn mặt thằng con, tôi cảm thấy ái ngại. Cô bạn thân nhanh ý vội lấy phong bao lì xì ra mừng tuổi cu cậu. Tức là cậu cũng có phần nên chuyện này coi như được "giải quyết"(!)
Cơm nước xong, gia đình tôi xin phép về trước nhưng không quên lì xì hết những người lớn tuổi và trẻ con trong nhà. Cô bạn khi nãy "chợt nhớ ra" là chưa mừng tuổi 2 nhóc nhà tôi nên kêu chồng "đuổi" theo...
Theo chị Thảo, ở phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum thì "biết là lì xì phải bỏ vào phong bao thì mới là "đỏ" cho con trẻ, nhưng bỏ "kín" thế, biết người ta lì xì con mình bao nhiêu mà lì xì lại cho "hợp lý".
Đồng quan điểm với chị Thảo, chị Linh ở phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum cũng cho biết: Nhà mình có 2 đứa con, vì vậy nhà nào mà chỉ có 1 bé thì mình phải mừng tuổi số tiền gấp đôi số tiền họ lì xì cho con mình. Như vậy cho họ đỡ "lỗ", đỡ "thiệt"...
Qua thực tế được biết, không riêng gì chị Thảo, chị Linh mà còn rất nhiều bậc phụ huynh cũng có "tư tưởng" như thế. Thực chất vấn đề cũng chỉ là nghĩ cho người khác mà thôi, nhưng mọi người lại không để ý rằng điều đó đang làm "biến tướng" và mất đi ý nghĩa của phong tục mừng tuổi.
Ngày nay, lì xì đã và đang trở thành một "gánh nặng vô hình" với không ít người, đặc biệt là với những người kinh tế khó khăn, bởi lì xì ít thì "khó coi" mà lì xì nhiều thì "kẹt" quá!
Không ít người lớn đang biến việc lì xì trở thành "phương tiện" để "biếu xén", để "cảm ơn" và cả để "thể hiện" đẳng cấp, tình cảm... Những điều đó khiến cho việc lì xì mất đi bản chất tốt đẹp của nó và đôi khi vô tình làm hư cả trẻ con lẫn ba mẹ chúng.
|
Nhiều phụ huynh ngay sau khi khách về thì lập tức hỏi xem con được lì xì bao nhiêu? Rồi có khi lại buông vài lời bình phẩm: Bà này "thoáng" thế? Ông nọ "keo" ghê!... Việc ứng xử này của người lớn đã vô tình làm trẻ con hiểu sai về việc mừng tuổi, khiến chúng chỉ xem trọng giá trị vật chất mà không quan tâm đến giá trị tình cảm của người trao và ý nghĩa của những phong bao lì xì.
Phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng sự may mắn, thịnh vượng, bình an, hạnh phúc trong suốt cả năm mới. Tùy theo điều kiện từng gia đình, có thể lì xì tất cả mọi người, nhưng phổ biến là mừng tuổi người lớn tuổi và trẻ con.
Những phong bao lì xì may mắn không chỉ được dành tặng cho người thân trong gia đình mà còn được mang tặng cho bạn bè và cả những người mới quen, mới gặp thay cho lời chúc một năm mới an lành, phát tài phát lộc.
Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cầu mong một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số tiền bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp và tình cảm của người trao muốn gửi gắm tới người được nhận.
Bao lì xì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn mà người trao muốn dành tặng cho người nhận thay lời chúc 1 năm mới may mắn, bình an, hạnh phúc; nhưng tiếc rằng hiện nay nhiều người lớn lại đang làm "biến tướng" đi phong tục đó từ cách mừng tuổi là đưa thẳng đồng tiền cho trẻ, từ việc bình phẩm "bà này thoáng, ông kia keo"... và cả từ cách dạy dỗ con của các bậc cha mẹ "ứng xử" đối với bao lì xì.
Bài, ảnh: Dương Nương