Chuyện kể tháng Mười Một
Tháng Mười Một đến, kỳ lạ thay, không chỉ đơn giản là sự dịch chuyển thời gian, mà còn đem đến sự chuyển đổi của không gian, vạn vật và xao động tâm tư trong mỗi người trước dùng dằng mưa nắng.
Ai đời, không phải là thi sĩ, chưa từng “nặn” ra được nổi vài câu có vần có điệu (chứ không dám nói là thơ), mà trong buổi chiều đầu tháng Mười Một này, ngồi ở quán cà phê quen thuộc ven đường, gã lại thấy bứt rứt, muốn ngâm nga đôi ba câu.
Mà tin rằng không riêng gì gã. Những ngày này, người nào cũng muốn làm thơ. Đường phố vào sáng sớm, sương thở phập phồng, cũng thấy có gì đó gợi cảm.
Một quán bên đường he hé cánh cửa tránh gió lùa, và một bóng người lúi húi bên bếp lò quạt than cháy rừng rực, thỉnh thoảng nổ lép bép bắn tung hoa lửa cũng có thể là một đề tài thi vị.
Có điều, dù cho gã vò đầu bứt tai mãi cũng không ra câu nào. Phải chi là nhà thơ, từng đó cảm xúc đủ để “ra” thơ dài dài- gã thở dài.
|
Ngày xưa, gã cũng từng than thở cái nỗi khổ “có cảm xúc mà không thể làm thơ” với cô bạn học. Nghe vậy, cô cười “muốn chết”. Gã biết, cô thích thơ, và cũng làm thơ, người đa cảm nào chẳng vậy.
Nắng vàng hay gió rào rạt thổi qua sông cũng thấy gợi cảm; bầy gà lích chích kiếm ăn dưới gốc cây lúc nắng lên cũng làm cô bần thần. Khi làm xong một bài, cô lại cẩn thận chép vào một cuốn sổ dày, giấu rất kín.
Ấy là chuyện xưa, còn bây giờ, cô bé phục vụ quán mỉm cười, ánh mắt nhìn dáng vẻ khổ sở của gã mang theo dấu hỏi.
“Cười mỉm mà lúm đồng tiền rõ thế”- gã lẩm bẩm rồi lắc đầu, ý bảo không có gì.
Nhưng không nghĩ được thì… “đọc chùa” vậy. Những câu thơ lượm lặt từ thời sinh viên, đến giờ không còn nhớ tên tác giả bật lên:
Em về rồi! Tháng Mười Một chiều nay
Theo gợn gió nắm bàn tay trở lạnh
Những vàng thu cũng ngơ ngác trên cành
Vài giọt nắng chẳng làm hanh mùa nữa
Tháng Mười Một đến, kỳ lạ thay, không chỉ đơn giản là sự dịch chuyển thời gian, mà còn đem đến sự chuyển đổi của không gian, vạn vật và xao động tâm tư trong mỗi người trước dùng dằng mưa nắng.
Tháng Mười Một đến, thời gian nhanh như gió thoảng. Ngày chưa kịp trôi qua mà đêm đã vội tìm về. Mới sáng dậy than thở vì nỗi nó đẹp man mác, thì chiều trầm mặc đã tới. Nhoáng cái, màn đêm phủ xuống.
Dù vẫn còn những cơn mưa bất chợt, những lúc bầu trời cũng giăng kín mây đen, nhưng đa số thời gian trong ngày là nắng vàng ươm, trời trong xanh và cao vời vợi.
|
Tháng Mười Một đến, bắt đầu gọi Đông về, với những cơn gió se sắt lạnh lao xao trên phố, không ồn ào, cuồng nhiệt, chỉ xào xạc, vừa đủ để làm những chiếc lá khô rời cành, chao nghiêng, đậu xuống những vạt rêu đã ngả màu vàng trên vỉa hè.
Những khoảnh khắc cuối Thu dần trôi theo sự dịch chuyển thời gian. Sương bắt đầu dày hơn vào mỗi sớm tinh mơ, phủ ướt những tán cây.
Vài chiếc xe máy chạy ào qua, xô dạt một đường, rồi nhanh chóng bị lấp đầy. Đưa bàn tay ra phía trước không nhìn thấy năm ngón, mi mắt nằng nặng vì sương đang tụ thành nước.
Cái lạnh như dạn dĩ hơn, len lỏi vào tận ngõ ngách, vào từng ô cửa sổ, chồm mình quấn quýt mỗi khi ai đó tay đan tay trên phố.
Và khi đêm về, bên dăm góc phố xuất hiện những xe bắp nướng tí tách than hồng, thơm nức nở mùi bắp non, cũng gợi lên một tứ thơ.
Nó gợi lên trong ai đó nỗi nhớ trái bắp nóng rẫy trao tay thoảng mùi thơm và sự ấm nồng giữa đêm đông Hà Nội.
Khác với nhiều người, mỗi khi mua bắp nướng gã thường tự lựa bắp, rồi hì hụi bóc bẹ, xiên que tre nhỏ vào trái bắp vàng ươm, mập mạp, đặt nó lên bếp than đang cháy đỏ.
Vừa xuýt xoa vì hơi nóng rừng rực, gã vừa hít hà mùi thơm của sữa bắp đang được than hồng làm cho nồng nàn. Đến lúc nâng niu trên tay trái bắp nóng hổi, chỗ vàng chỗ đen, mới thấy bõ công mình.
Tháng Mười Một không về một mình, mà đem theo gió. Thường thì gió vùi mình vào đêm sâu thẳm và bừng tỉnh khi ban mai.
Ban đầu nghe trên ngọn cây rào rạt, rồi sau đó là lùa lạc xạc trên mái nhà. Những phiến lá chuối trong vườn như chỉ chờ có vậy, bỗng xao xác, lật mình hứng gió Đông Nam, vẫy phành phạch.
Thức dậy, hé cửa ra, gió ve vuốt sẽ sàng, nghe gờn gợn, se se nơi da mặt, như e dè, như ngại ngần không biết có nên bước đến không. Rồi sau đó, khi cửa mở tung, như nhận được cái gật đầu, gió ào tới, vây bọc kín người.
Những cô cậu học trò chỉ mong mình như bé lại, cuộn tròn người trong mền, ngó ra ngoài, biếng nhác nhìn qua ô cửa sổ rồi muốn thời gian như ngừng lại để được ngủ nướng thêm một chút.
Tháng Mười Một về làm gã thèm không khí ở làng. Đôi khi gã tự hỏi, cái gì đã kéo bước chân mình đến với ngôi làng heo hút nơi núi cao vực thẳm này. Mỗi chuyến đi không phải mấy chục phút, vài giờ đồng hồ, mà gần hết ngày chứ ít đâu. nhưng cứ có thời gian là gã lại về làng.
Ở đó có không khí đầm ấm, yêu thương, gắn bó mà ở thị thành, phải nói thật, là không có mấy.
Ở phố, cứ độ bảy, tám giờ tối thì nhà nào nhà nấy đóng kín cửa lại ở trong nhà, con cái lo học hành, người lớn ôm tivi, điện thoại, ít có chuyện người nọ đến thăm người kia, càng không nói đến chuyện cùng nhau uống nước, nói chuyện cởi mở với nhau như thế.
Còn ở làng, cũng vào mùa này, mùa của gió và lạnh. Chập tối, bếp lửa cháy rừng rực, bên ngoài lạnh đấy, nhưng bên trong ấm vô cùng
Đàn ông của mấy nhà xung quanh tụ tập đến. Thịt khô, ghè rượu được lấy ra. Chỉ chốc lát gian bếp đã thơm mùi thịt nướng, hương rượu cần ủ lâu quyện trong mùi khói gỗ thông. Những câu chuyện và tình nghĩa xóm giềng làm ấm lòng người.
Và gã nhận ra mình nghiện những đêm ở làng, nghiện trò chuyện với bà con, nghiện luôn cả cái lòng ưu ái đậm đà của những người nghèo nhưng thật thà, chất phác, ăn ở lúc nào cũng như bát nước đầy.
Hồng Lam