Chuyện kể tháng Chạp
Gã yêu tháng Chạp, không chỉ vì tháng này có… Tết, không chỉ vì thời tiết cuối Đông đầu Xuân như ủ men, làm người ta say, mà còn vì sự vội vàng, náo nức của nó.
Mới sáng sớm, cậu hàng xóm đã lịch kịch kéo thang ra vườn, hối hả lặt lá cho gốc lộc vừng cổ thụ. Gã và mấy thanh niên khác trong xóm xúm vào giúp. “Nay mùng 10 tháng Chạp rồi. Phải lặt nhanh mới kịp ra lộc đón Tết anh ạ”- cậu hàng xóm nói.
Trời, mới đây mà tháng Chạp rồi hả, lụi hụi là tới Tết- gã kêu lên, giọng như thảng thốt, như giật mình. Mau vậy. Mau quá ha- những người khác cùng nói. có người thở dài “còn đủ thứ phải lo”.
Hóa ra, tháng Chạp đến khá âm thầm. Ban đầu người ta chưa nhận ra đâu, bởi vẫn còn phải tất bật với cuộc mưu sinh. Đến khi nhận ra thì nó ghé qua được mấy ngày rồi.
Hèn chi, luôn có điều gì đó thật lạ, xôn xao, man mác, rưng rưng trong gió, trong nắng, trong ngày, trong đêm. Hèn chi các vườn cây cảnh đã có khách đến xem; những nhà vườn chong đèn cả đêm thúc hoa; những cửa hàng bắt đầu ngập hàng tết.
|
Ấy thế là, tháng Chạp không làm cho người ta bớt bận rộn, mà ngược lại, bởi vì “còn đủ thứ phải lo” nên lại tất bật hơn, vội vàng hơn. Nên mới nói, tháng Chạp là tháng của vội vàng, của tất bật. Ngày tháng Chạp dường như ngắn lắm, không đủ để làm việc.
Vì ngắn nên vội, và vì vội nên hóa ra ngày đã ngắn, đêm càng thêm… ngắn. Giấc ngủ tháng Chạp thường không tròn, hay bị cắt ngang bởi những tính toán, lo toan chợt ùa đến lúc nửa đêm.
Bác hàng xóm đang nghe điện thoại của cậu con trai lập nghiệp ở tận đẩu tận đâu. Không biết cậu ta nói gì mà nghe bác lầu bầu: Con với cái, có mấy ngày tết không về với bố mẹ, ông bà, lại du lịch này nọ.
Mấy cậu thanh niên trêu: Bác ơi, bây giờ có điều kiện, làm lụng vất vả cả năm, mấy ngày tết đi du lịch “xả hơi” chứ. Chúng cháu không có tiền nên phải về nhà ăn tết bám bố mẹ đấy.
Bác hàng xóm thủng thẳng: Gớm, chẳng đâu bằng tết ở quê mình, nhà mình! “Dù ai buôn bán nơi đâu/ Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về”.
Câu chuyện làm gã nhớ những ngày tháng Chạp ở quê nhà, nơi có mái nhà tranh bạc phếch và bếp lửa rơm ấm sực.
Tháng Chạp, bố sẽ chuyển những cành củi nhỏ to đã phơi khô vào trong bếp để vài ngày tới nấu bánh chưng. Trước đó, từ những tháng hè, bố đã chuẩn bị củi nấu bánh chưng tết bằng việc chặt tỉa cành cây trong vườn.
Còn mẹ thì tỉ mẩn chăm bẵm vườn rau đủ loại. Một luống su hào, một luống rau xà lách, hành, hẹ. Và không thể thiếu một góc nhỏ trồng rau mùi để đun nước tắm trước giao thừa.
Những ngày đầu tháng Chạp, mẹ sẽ thức từ tinh mơ, khoác một cái áo bông dày, đạp xe lên chợ để mua những thứ cần thiết, vì sợ để đến qua rằm mới mua thì đắt. “Nhà mình nghèo, phải lo xa như thế mới có được cái Tết tươm tươm chút”- mẹ nói.
Cũng vào khoảng này, mẹ tất bật xếp lại mấy lọ dưa chua, hũ củ kiệu, mắt “nghía” từng tàu lá dong xanh ngoài vườn để dành gói bánh chưng.
Lúc nào cũng nghe mẹ rì rầm một mình rằng hôm nay đi chợ lại quên mua cái này, rằng ngày mai đi chợ nhớ mua thứ kia. Thậm chí, lời rì rầm theo mẹ vào cả bữa ăn, giấc ngủ.
|
Tháng Chạp gợi lên trong gã nỗi nhớ tiết trời se lạnh, hương trầm trên bàn thờ và hương hạt mùi già lan tỏa từ nồi nước tắm tất niên. Nhớ màu hồng hoa đào, màu vàng hoa cúc, màu xanh của lứa mạ non nổi bật trên những vuông ruộng xám xịt.
Nhớ mâm cơm cúng đơn giản nhưng trang trọng bởi bàn tay thu vén khéo léo của mẹ trên bàn thờ tổ tiên. Nhớ bữa cơm sum họp tất niên với người thân và gia đình, những lời chúc năm mới đã được người lớn dạy nhiều năm đến “thuộc lòng”.
Nói đến tháng Chạp thì không thể không nhắc tới Tết ông Công, ông Táo. phải nói thêm rằng, với ông bà ta xưa kia thì Tết bắt đầu được tính từ ngày này. Bởi lẽ ngày này là ngày ông Táo lên báo cáo với Ngọc Hoàng những việc làm được, chưa được của năm cũ.
Mà với người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm. Cho đến đêm giao thừa, ông Táo mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
Đã là tục lệ truyền thống nên dù giàu hay nghèo, người Việt đều làm lễ cúng ông Táo. Xưa kia thì ai ai cũng mua cá chép sống, sau khi làm lễ thì đem ra hồ, ao để thả nhưng nay cuộc sống thay đổi, để giản tiện người ta nghĩ ra cá chép giấy, để đốt cúng ông, thôi thì cũng gọi là lòng thành.
Ngày ông Công, ông Táo kết thúc cũng là lúc tháng Chạp dần khép lại. Công việc cơ quan, công sở đã tạm ổn, người ở thành phố thì chuẩn bị dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, còn những người ở xa đã bắt đầu chuẩn bị gói gém đồ đạc để về quê.
Đúng rồi, mấy ngày nay đi ra đường luôn nghe mọi người hỏi nhau: Khi nào về quê? Năm nay có về quê không vậy? Nghe hai tiếng “về quê” mà chộn rộn, như có một điệp khúc đang lan tỏa trong tâm trí.
Gã yêu tháng Chạp, không chỉ vì tháng này có… Tết, không chỉ vì thời tiết cuối Đông đầu Xuân như ủ men, làm người ta say, mà còn vì sự vội vàng, náo nức ấy.
Càng đi về cuối tháng Chạp, quán xá, cửa hàng tạp hoá càng tràn ngập sắc màu của hoa, của bánh, mứt và những giỏ quà tết. Ở những góc phố, đã có mấy người dựng những cành mai rừng, hoa nở tung toé, chắc là chờ bán cho những người đi chợ hoa xuân.
Người ta mua sắm, trang hoàng và nấu nướng rộn ràng, để năm mới có nếp nhà sạch sẽ, tinh tươm, có hoa có trái nở rộ tô điểm và có mâm cơm cúng tươm tất bày lên bàn thờ.
Rồi đúng thời khắc thiêng liêng chuyển tiếp năm cũ và năm mới, cả gia đình cùng chắp tay trước bàn thờ tổ tiên trong mùi hương trầm lan tỏa.
Ấy là khi kết thúc một tháng Chạp vội vàng mà đầy men say, bước sang tháng Giêng đủng đỉnh mà như mật ngọt, ngập tràn niềm vui, hy vọng.
Hồng Lam