Chuyện kể ngày mưa
Mặc cho tiếng mưa rơi lộp độp trượt qua mái nhà, qua mấy lùm cây bụi, chảy thành dòng trên nền đất ngay trước hiên, già vẫn rì rầm, rì rầm những câu chuyện kể. Những câu chuyện làng, chuyện nhà, chuyện niềm vui núi rừng ngày mưa nghe thôi mà sao thân thương.
Qua màn mưa, núi rừng xa xa thâm u, còn xóm làng với những ngôi nhà sàn nối tiếp nhau ngay trước mặt lại mênh mông đến lạ. Đầu hồi nhà sàn, bếp lửa vẫn đang bập bùng cháy, mang hơi ấm tỏa khắp không gian. Tiếng lách cách của chén đũa. Mùi thơm những món ăn núi rừng nhẹ tỏa. Dĩa măng tươi luộc mùi nồng nồng, tô canh cua nấu với rau quanh nhà thanh thanh, dìu dịu, còn dĩa cá đồng kho thơm thơm đậm vị. Bới chén cơm đầy màu trắng ngà, bỏ vào miệng mà cảm nhận rõ vị của đồng đất núi rừng, của tháng ngày nắng mưa vất vả thấm đều vào cây lúa, kết tinh vào hạt gạo quê nhà.
Chẳng dài dòng, hoa mĩ, già cùng các thành viên trong nhà mộc mạc mời cô dùng cơm chiều nhé, toàn là lộc của núi rừng, lộc ngày mưa cả đấy. “Lộc núi rừng, lộc ngày mưa” - chỉ vài từ thôi mà chan chứa niềm tự hào, tình yêu dành cho quê hương yêu dấu. Mà không tự hào, không yêu quý sao được khi quê hương, đất trời ban tặng cho gia đình già, cho dân làng những bữa cơm đủ đầy, ấm áp yêu thương.
|
Như dĩa măng luộc trắng tinh tươm đang bốc khói nhẹ tỏa đấy, chỉ cần tranh thủ lúc tạnh mưa, thằng con lớn của già vòng qua bìa rừng ngay sát nhà là có vài búp măng non cho bữa cơm chiều xôm tụ. Mùa này, khi những cơn mưa kéo dài nhiều ngày thấm ướt cánh rừng thì những chồi măng cựa mình. Chẳng phải trồng, chẳng phải chăm, chỉ cần chịu khó chút là có ngay món ngon cho những bữa cơm nhà. Nào đâu chỉ ban tặng để dân làng “măng cháo qua ngày” trong những năm tháng chiến tranh đói cơm lạt muối, lộc của núi rừng ngày mưa nay đã trở thành đặc sản, vừa cải thiện bữa cơm, vừa có thêm nguồn thu trong những ngày nông nhàn. Như nhà già đấy, ngày mưa này đều đặn hôm nào cũng những bữa cơm có món măng luộc, măng xào, canh măng, gỏi măng. Nhà chẳng dùng hết, cô con gái phần đem đi bán, phần chịu khó luộc lên rồi xẻ đôi bỏ bên gác bếp làm món măng khô cất để dùng dần.
Tô canh cua, dĩa cá kho đấy, cũng là lộc núi rừng ngày mưa cả đấy. Mưa về, nước dâng dâng ngập ruộng đồng, khe suối, cá diếc, cá rô đồng từng đàn ngược nước tìm chỗ sinh sản. Cậu con trai của già chỉ loanh quanh đám ruộng gần nhà thôi thì cũng đủ loại. Cua đồng thì chịu khó bóc giã nấu canh. Cá thì đánh vảy, làm sạch, nêm nếm gia vị cho thấm, bắc nồi lên bếp ngay đầu hồi nhà sàn kho riu riu lửa, chẳng mấy chốc mà mùi cá quyện với mùi mắm muối, mùi trái tiêu rừng thơm lựng khắp căn nhà. Đám cháu nhỏ chỉ nghe thế là ríu rít vây quanh, chẳng cần ai bảo, nhanh nhảu phụ mẹ cha dọn chén đũa, háo hức đợi bữa. Ngày nào thức nấy, canh cua nấu rau rừng, tép đồng rang mặn, cá suối, cá đồng kho với lá mì chua. Của nhà làm ra, của nhà kiếm được cả.
Nghe già kể, tôi bật cười bởi kiểu nói bắt trend lớp trẻ. Mà đúng thật, của nhà làm ra, núi rừng trồng được cả. Sông nước, núi rừng ngày mưa chẳng phụ tấm lòng và sự cần cù của già, của dân làng. Sông nước mang lộc cá tôm, núi rừng mang lộc cây cỏ. Cũng vất vả đấy, già nói. Nhưng ngoài những ngày chăm chút rẫy vườn, ruộng đồng, thời gian rỗi ngày mưa này ai nấy đều động viên nhau chịu khó một chút mà cải thiện bữa ăn, có đồng ra đồng vào để mua thức này, thứ nọ. Nên có nề hà gì đâu đôi vệt xước trên tay, có nề hà gì đâu gió mưa dầm dề ướt đẫm.
Ngày mưa khiến cho bước chân ở làng thêm sũng nước. Nhưng ngày mưa cũng khiến cho căn bếp đầu hồi mỗi ngôi nhà sàn ấm áp hơn với những ngọn lửa hồng và mùi thơm từ các món ăn bình dị. Nên chỉ nhìn những nếp nhà sàn màu nâu nâu xám nổi lên trong màn mưa giăng trắng trời, nhìn khói bếp chỉ vừa kịp la đà trên mái nhà đã gặp mưa như nén lại mà cảm nhận rõ cuộc sống ấm no đang trỗi dậy ở làng.
Mặc cho gió thổi, mặc cho mưa vẫn đang rơi, chuyện làng, chuyện nhà, chuyện lộc núi rừng, lộc ngày mưa mãi không dứt. Tôi thầm nghĩ, giữa mênh mông và sâu thẳm núi rừng, cuộc đời già, cuộc đời những người dân ở làng, và cả đời sông suối, đời núi rừng nữa, tất cả như quyện vào nhau, nương tựa vào nhau và mãi sừng sững như ngọn núi cao ngay phía sau làng.
Nguyên Phúc