Chuyển “bất lợi” thành “có lợi”
Trong sản xuất nông nghiệp, người trồng nên làm chủ mùa vụ, cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết. Nếu trồng lúa hay bị hạn, hiệu quả thấp, mất mùa, vậy tại sao không mạnh dạn chuyển sang cây trồng khác năng suất cao hơn?
Cả tháng nay, ngày nào anh bạn tôi cũng “lạy trời mưa xuống”. Như thỏa ước mong, trời đổ cơn mưa trái mùa kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Nhưng tiếc thay, một cơn mưa không thể cứu vãn 3 sào lúa đang cháy vàng trên đồng. Đây không phải lần đầu tiên đám ruộng này bị cháy khô. Cách đây 4 năm về trước, trong cái hạn El Nino, diện tích này cũng mất trắng. Vậy nên anh không quá bất ngờ.
Ruộng nằm ở vị trí không có đập, kênh thủy lợi. Nước vào ruộng phụ thuộc vào các khe, mạch nhỏ. Năm nào, chỉ cần nắng nóng kéo dài, nước tại các khe, suối khô cạn, anh lại bị mất mùa. Nhiều lần được chính quyền địa phương khuyến cáo chỉ nên trồng một vụ hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây chịu hạn mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhưng anh mãi lăn tăn. Và giờ, nhìn đồng lúa cháy khô, anh mới quyết tâm: mùa sau nhất định chuyển đổi cây trồng.
Cũng trên cánh đồng ấy, từ 2 năm trước, nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng mía (khoảng 5ha). Trước cái hạn, cây mía vẫn sống tốt. Đưa mía xuống ruộng thay thế lúa kém hiệu quả, người dân không phải thấp thỏm lo âu. Hơn thế, qua đánh giá và thực tế triển khai, thu nhập từ cây mía mang lại hiệu quả cao hơn so với cùng diện tích trồng lúa.
|
Nắng nóng kéo dài, thời điểm hiện tại, đâu đâu người dân cũng thực hiện nhiều phương án, nỗ lực chống hạn. Tuy nhiên, không ít nơi vì không chủ động được nguồn nước tưới, người dân vẫn phải chấp nhận cảnh nhìn cây trồng, hoa màu chết khát. Như trên địa bàn thành phố, ngoài diện tích hơn 1.000ha lúa chủ động được nguồn nước tưới, khoảng 200ha/355ha lúa, cây trồng không chủ động được nguồn nước để bơm tưới chống hạn đang héo khô vì thiếu nước. Hay tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, hơn 100 ha cây trồng, hoa màu cũng đang dần chết khát.
Theo thói quen trong sản xuất, người dân vẫn “trung thành” với cây lúa dù biết trước sẽ thiếu nước vào cuối vụ. Nhưng thực tế cần nhìn nhận, trong sản xuất nông nghiệp, người trồng nên làm chủ mùa vụ, cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết. Nếu trồng lúa hay bị hạn, hiệu quả thấp, mất mùa, vậy tại sao không mạnh dạn chuyển sang cây trồng khác năng suất cao hơn?
Tôi nhớ, cách đây vài năm về trước, trong khi nhiều người dân ngồi trên đống lửa nhìn cánh đồng lúa nứt nẻ, héo khô vì thiếu nước thì người dân tại xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) vẫn cười nói rôm rả, đẩy lùi nỗi lo thời tiết nắng hạn. Có tâm lý thoải mái vậy, bởi lẽ, sau nhiều lần mất trắng vì trồng lúa tại khu vực thường dễ bị hạn hán, nhiều hộ dân đã mạnh dạn bỏ lúa để trồng cỏ nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Hay tại huyện Đăk Hà, được chính quyền địa phương định hướng, nhiều hộ dân cũng chuyển đổi khoảng 50/90ha đất trồng lúa thiếu nước sang trồng các cây trồng cạn. UBND huyện đã chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ xây dựng một số mô hình trình diễn trồng cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế và thích ứng với vùng hạn hán, như bắp, đậu cô ve, đậu tương…
Chuyển bất lợi thành có lợi, việc làm trên đã tạo ra lợi ích kép. Không chỉ ứng phó với tình hình hạn hán, còn đem lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để hướng đi này thực sự hiệu quả, các cấp các ngành cần nghiên cứu, đánh giá, tìm loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu để tránh những thiệt hại không đáng có; chú trọng mối liên kết 4 nhà, hỗ trợ nông dân trong việc tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ cây trồng chuyển đổi, để tránh điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Thay đổi thói quen canh tác, sản xuất là điều không dễ; tiếp cận, trồng một loại cây trồng khác trên đất lúa cũng không giản đơn. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương, bà con cũng nên linh hoạt thích ứng trong việc tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, đầu tư nhiều thời gian, tìm cách sản xuất để đạt hiệu quả cao.
Trong cái khó ló cái khôn, hạn hán vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để người dân thay đổi tư duy và khả năng thích ứng; cũng là để các ngành chức năng chú trọng nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai, giúp người dân chủ động ứng phó trước những khắc nghiệt của thời tiết.
Hoài Tiến