“Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi”
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, điều quan trọng mà tất cả người dân cần làm vào lúc này đơn giản là hãy ở nhà, hạn chế đi lại. Chỉ thế thôi, nhưng điều này góp phần quan trọng làm giảm áp lực đối với ngành y tế và cùng với các cấp, các ngành đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin, trang mạng xã hội đăng tải và chia sẻ rộng rãi hình ảnh đội ngũ nhân viên y tế ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở trong nước cầm trên tay thông điệp “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi”. Trước đó, trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng trong nước thi nhau lan truyền những câu khẩu hiệu hết sức hài hước, nhưng cũng rất đúng với thực tế lúc này như “hãy đứng yên khi Tổ quốc cần” hay “ai ở nơi nào, ở yên chỗ đó”...
Hãy ở nhà nhiều nhất có thể, nếu không có việc gì cần thiết thì hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia các hoạt động có tập trung, hạn chế đi lại bằng phương tiện công cộng, không đi du lịch trong thời gian này... chính là khuyến nghị hàng đầu của ngành Y tế đối với người dân thời điểm này. Đó cũng là nội dung mà Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các cấp, các ngành liên tục nhắn nhủ, kêu gọi người dân thực hiện.
Trong “cuộc chiến” chống Covid-19 này, các cơ quan, lực lượng chức năng đang tham gia chống dịch và đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế là những người vất vả, nhiều hy sinh nhất. Những ngày qua, số lượng bệnh nhân gia tăng, áp lực này trước hết đặt lên những y, bác sĩ ở nơi tuyến đầu chống dịch. Đã có những bác sĩ bị lây nhiễm bệnh trong quá trình điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Nhiều nhân viên y tế phải tự cách ly mình khỏi gia đình hàng tháng trời, vì sợ lây nhiễm bệnh cho người thân, cộng đồng. Những nỗi vất vả, sự hy sinh của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế khó có thể đong đếm được.
|
Vì thế, “ở nhà” là cách để chia sẻ, ủng hộ đối với các y, bác sĩ tốt nhất trong thời điểm này. Bởi chỉ khi người dân hạn chế ra ngoài, không tụ tập và tiếp xúc với nhiều người thì khi đó khả năng lây nhiễm chéo mới được hạn chế, dịch bệnh mới không thể lây lan ra cộng đồng. Điều này đồng nghĩa với việc không làm gia tăng thêm số lượng người nhiễm Covid-19, từ đó, từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Nếu ai đó không may nhiễm bệnh thì công tác khoanh vùng, cách ly, dập dịch các cấp, các ngành cũng thuận lợi và ít tốn kém hơn.
Một hành động thật đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng để giữ cho bản thân được an toàn và thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng xã hội, giúp đất nước vượt qua “cuộc chiến” chống dịch bệnh Covid-19 vô cùng khó khăn này.
Thực tế cho thấy, những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 ở trong nước tăng nhanh, phần nhiều là do những người từ nước ngoài nhập cảnh vào nước ta và trong số đó, nhiều người đã không có ý thức giữ gìn cho cộng đồng mà di chuyển đi nhiều nơi, gặp gỡ với nhiều người gây nên tình trạng lây nhiễm chéo, khiến nhiều người nhiễm bệnh, hàng loạt người buộc phải cách ly y tế, kéo theo đó là sự vất vả của cả hệ thống chính trị, tốn không biết bao nhiêu chi phí, làm hàng trăm y, bác sĩ, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang vất vả theo.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ở nhà, hạn chế tiếp xúc nơi đông người trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, nhiều công ty lữ hành đã hủy bỏ các chuyến du lịch; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cũng được dừng hoặc lùi thời gian tổ chức; thậm chí nhiều gia đình còn hoãn hoặc tổ chức cưới đơn giản để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Không ít cơ quan, đơn vị hủy bỏ những cuộc họp, sự kiện chưa cần thiết; nhiều cơ quan, doanh nghiệp nghiên cứu triển khai phương án làm việc online, hạn chế tiếp xúc trực tiếp...
Tại tỉnh ta, nhằm hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, mới đây trong Công điện số 04/CĐ-CTUBND ngày 27/3/2020 về triển khai nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết như: dịch vụ karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, sân vận động… kể từ 0 giờ ngày 28/3, trừ các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu; hạn chế tối đa việc tập trung đông người (trên 10 người) tại các đám cưới, đám hiếu… để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tạm dừng tổ chức các nghi lễ và sinh hoạt tôn giáo để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong khi các cấp, các ngành rốt ráo triển khai các biện pháp và kêu gọi người dân hạn chế đến những nơi đông người; nhiều người dân nêu cao ý thức chấp hành, tự giác ở nhà thì lại có một số người vì thiếu hiểu biết, vì chủ quan hay vì những lý do cá nhân nào đó, vẫn cố tình tụ tập thành đám đông. Đó là chuyện nhiều người dân ở Hà Nội- nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp vẫn xếp hàng dài đi Lễ phủ Tây Hồ đợt vừa qua. Rồi ở một số khu cách ly tập trung, các gia đình có con em từ nước ngoài về cũng thi nhau kéo đến, chen lấn để tiếp tế đồ ăn, thức uống, vật dụng cho những người đang cách ly. Những việc làm này có thể khiến dịch bệnh bùng phát, bao công sức, cố gắng kiểm soát tình hình dịch bệnh trong suốt thời gian qua của các cấp lãnh đạo, các ban ngành “đổ sông, đổ bể”.
Ở nhà hay “đứng im” không có nghĩa là dừng hết mọi việc, không tiếp xúc với ai, thu mình trong bốn bức tường mà đơn giản đó chỉ là một cách sống khác, an toàn hơn. Đành rằng, ban đầu việc thay đổi một thói quen ít nhiều cũng gây ra sự bức bối, thế nhưng, đây là điều mỗi người cần làm trong lúc này vì chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
“Cuộc chiến” chống dịch bệnh Covid-19 đang trong giai đoạn cam go; các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đang dồn hết trí lực, công sức để bảo vệ người dân. Nhưng tất cả, có thành công hay không còn tuỳ thuộc vào ý thức, sự quyết tâm, kỷ luật của mỗi người. Và, điều cần thiết nhất trong thời điểm này chính là hãy ở nhà, hạn chế tụ tập, hội họp, đi lại vì bản thân và vì những người đang ở tuyến đầu chống dịch.
Thùy Hương